Xây nhà chờ đền bù tại Khu kinh tế Vũng Áng – bài học đắt giá cho những kẻ hám lợi

Vài ba tháng nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng, hàng trăm ngôi nhà, vật kiến trúc được một bộ phận người dân ồ ạt xây dựng trái phép trên vùng đất đã quy hoạch với hy vọng nhận được đền bù. Hàng chục ngôi nhà đã bị cương chế dỡ bỏ và không ít trường hợp trắng tay, “tiền mất tật mang” bởi bất chấp kỷ cương phép nước...

Trung tuần tháng 7-2009, tại Khu kinh tế Vũng Áng, Tập đoàn Formosa khởi công “siêu dự án” khu liên hợp luyện cán thép và cảng Sơn Dương giai đoạn I với tổng mức đầu tư 7,9 tỷ USD trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các bộ, ngành Trung ương. Có thể nói, đây là tiền đề để Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp nặng của khu vực Đông Nam Á trong nay mai, là cơ sở, lực đẩy để nền kinh tế, xã hội Hà Tĩnh bước sang trang sử mới...

Các lược lượng chức năng tiến hành chưỡng chế nhà xây dựng trái phép tại Kỳ Thịnh.
Các lược lượng chức năng tiến hành chưỡng chế nhà xây dựng trái phép tại Kỳ Thịnh.

Hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp cùng hơn 2 ngàn hộ dân sẽ phải di dời đến nơi ở mới, nhường mặt bằng cho dự án. Thế nhưng, đáng buồn thay, trái ngược với sự chuẩn bị cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, một số bộ phận người dân thiếu hiểu biết nơi đây lại đồng loạt đua nhau xây nhà, trồng cây trên vùng đất đã quy hoạch… chờ đền bù. Dẫu cho, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện nhiều lần có thông báo, nhắc nhở việc cấm người dân, xây dựng, cơi nới nhà cửa, xây dựng vật kiến trúc, trồng cây trên vùng đất quy hoạch, song, mọi chuyện không hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí diễn ra ngày càng ồ ạt...

Theo thống kê của Hội đồng đền bù tái định cư GPMB dự án Formosa trong vòng từ tháng 8-2009 đến nay, tại các xã trong Khu kinh tế Vũng Áng đã có gần 1000 công trình, vật kiến trúc được người dân xây dựng trái phép chờ đền bù. Bên cạnh những ngôi nhà xây vội vàng, vôi vửa lởm chởm còn có cả những căn nhà được xây dựng khá kiên cố.

Ông Mai Văn H - một trong nhiều gia đình ở Kỳ Lợi vừa hoàn thành việc cơi nới thêm một gian phòng, và hiện đang tiếp tục nâng cấp tu bổ thêm hàng rào và công trình phụ đưa ra rất nhiều lý do, biện hộ cho việc xây dựng, cơi nới nhà của mình, song cái đích cuối cùng mà ông đưa ra đó là nhà nước muốn di dời lấy đất xây dựng dự án thì phải đền bù cho nhân dân thoả đáng. Không riêng gia đình ông H ở Kỳ Lợi mà còn rất nhiều hộ dân ở Kỳ Long, Kỳ Liên và đặc biệt là xã Kỳ Thịnh hiện cũng đang đồng loạt đua nhau cơi nới xây dựng các vật kiến trúc như một phong trào...

Xã Kỳ Thịnh là nơi xảy ra tình trạng “xây nhà đón gió” nhiều nhất, với gần 150 căn. Phản ánh tình trạng vi phạm mặt bằng của một bộ phận dân Kỳ Thịnh ông T- một cán bộ hưu trí nơi đây bức xúc: “Lợi dụng việc quy hoạch khu dịch vụ du lịch Hồ Tàu Voi và Khu tái định cư xã Kỳ Thịnh, nhiều hộ dân ở đây đã ra trồng cây, xây lều trại để chờ đền bù. Bất chấp nơi ao tù nước đọng, thậm chí ngay cả trên đất nông nghiệp, nơi nào có thể trồng cây được là họ trồng, mặc kệ nó sống hay chết…Từ một ít hộ gia đình tiến hành trồng cây, xây nhà, lều trại, trên đất quy hoạch không được chính quyền sở tại ngăn chặn kịp thời, đến nay con số này ở xã Kỳ Thịnh đã lên đến hàng trăn hộ và vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.”

Nhằm xử lý nghiêm những ai dám coi thường kỷ cương phép nước, vừa qua huyện Kỳ Anh phối hợp với các cơ quan chức năng cấp tỉnh, tiến hành cưỡng chế gần 40 trường hợp xây nhà trái phép tại dự án Khu du lịch, dịch vụ Hồ Tàu Voi và khu tái định cư xã Kỳ Thịnh. Tiếp xúc với một số người có trách nhiệm, được biết đây chỉ mới là “bước dạo đầu” cho việc cưỡng chế những công trình xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Vũng Áng. Thời gian tới, các cấp các ngành liên quan sẽ tiếp tục cưỡng chế, buộc tháo dỡ tất cả những công trình, vật kiên trúc vi phạm mặt bằng tại Khu kinh tế Vũng Áng mà không có bất cứ một sự hỗ trợ hay đền bù nào.

Từ những cánh làm thiếu dứt khoát và lắm bất cập của chính quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm mặt bằng ở Khu kinh tế Vũng Áng đã gây khó khăn và tạo nên một tiền lệ xấu trong công tác GPMB ở Khu kinh tế Vũng Áng thời gian qua.

Vậy là những hy vọng về việc xây nhà chờ đền bù của nhiều bà con nơi đây đã tan theo mây khói. Những hộ khá giả không nói làm gì, nhưng những hộ nghèo khó cũng cố vay mượn để xây nhà, hệ quả là nay phải còng lưng gánh những món nợ khó có khả năng thanh toán. Có người vay gần trăm triệu đồng để xây nhà chờ đền bù như gia đình ông S... ở Kỳ Thịnh.

“Nói ra thì xấu hổ lắm các chú à, gia đình chúng tôi tính, nếu sau này Nhà nước đền bù, kiếm thêm mấy đồng chênh lệch làm vốn sinh nhai về sau. Vậy mà giờ đây trắng tay, nợ nần chống chất, thêm vào đó lại còn bị người đời cười chê vì tham lam, bất chấp pháp luật để làm chuyện phi pháp”- ông S rầu rĩ.

Trường hợp của ông S cùng hàng chục hộ dân ở Kỳ Thịnh vừa bị cưỡng chế thời gian qua là bài học lớn để người dân Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng và mọi người cần biết để tránh việc “tiền mất tật mang”.


Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast