Gắn khai thác du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, du lịch Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển một cách bền vững, cần phải làm tốt công tác bảo vệ, bảo tồn cảnh quan tại các di tích, thắng cảnh...

Nỗ lực từ cơ quan quản lý

Cùng với công tác phát triển và khai thác thì trong thời gian qua, Hà Tĩnh cũng có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường (BVMT), cảnh quan tại các địa điểm du lịch. Được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, nằm trên dãy Hồng Lĩnh 99 ngọn vút cao, hàng năm, chùa Hương Tích thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến làm lễ, thưởng ngoạn. Theo báo cáo của BQL di tích Hương Tích, năm 2014, chùa đã đón gần 12 vạn lượt khách; chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, con số này đã tăng lên gần 15 vạn người. Lượng du khách đông đã đặt ra nhiều thách thức đối với công tác BVMT.

Gắn khai thác du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan ảnh 1

Các nhân viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc thường xuyên làm vệ sinh nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan

Theo anh Nguyễn Quang Huy - Trưởng BQL di tích Chùa Hương, để đảm bảo môi trường, cảnh quan cho di tích, phục vụ tốt nhất nhu cầu tâm linh và vãn cảnh của du khách, BQL đã hợp đồng thường xuyên với 5 lao động để thu gom rác từ dưới chân núi lên đến chùa; những lúc cao điểm như ngày rằm, dịp khai hội, tết… thì phải tăng lên 10-15 người. Ngoài ra, BQL còn đặt hệ thống thùng rác dọc đường kèm theo biển chỉ dẫn để du khách bỏ rác, tránh vứt bừa bãi. Song song với hoạt động BVMT, BQL còn tập trung sắp xếp lại hệ thống ki-ốt kinh doanh tại khu vực chùa để đảm bảo cảnh quan luôn thông thoáng; quản lý tốt đội xe ôm nhằm ngăn chặn tình trạng chèo kéo khách; quản lý hoạt động bến thuyền đảm bảo an toàn cho du khách...

Với lợi thế có bờ biển kéo dài, nhiều bãi tắm đẹp nên du lịch biển cũng có nhiều bước phát triển đột phá. Đặc biệt, Khu du lịch Thiên Cầm, bãi tắm Xuân Thành là những khu vực có mức tăng trưởng nhanh, trở thành trọng điểm về phát triển du lịch biển của tỉnh.

Theo ông Phạm Danh Hiệp - Trưởng BQL Khu du lịch Thiên Cầm, do bãi biển Thiên Cầm có chiều dài 4 km nằm sát Cửa Nhượng, đấu nối với sông Rào Cái, Gia Hội, nên ngoài lượng rác do sóng biển đưa vào thì còn có một lượng từ các nguồn chảy về, từ các hộ kinh doanh, du khách thải ra, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý”. Chính vì vậy, ngoài việc ký hợp đồng thu gom đối với HTX Dịch vụ sinh thái biển Thiên Cầm, hàng năm, BQL còn tổ chức cam kết với các khách sạn, nhà hàng và hộ kinh doanh trong việc giữ gìn môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Riêng mùa cao điểm, hàng ngày, BQL thông báo, nhắc nhở qua loa truyền thanh về việc đảm bảo vệ sinh môi trường; đổ nước thải, rác thải đúng quy định.

Cần giải pháp đồng bộ, lâu dài

Bên cạnh kết quả đã đạt được thì hiện nay, công tác BVMT, cảnh quan tại các địa điểm du lịch còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hàng năm, tại các điểm du lịch tâm linh, một lượng lớn hương, vàng mã được đốt cháy, tạo ra khí thải, gây ô nhiễm môi trường; cây xanh bị bẻ gãy; nhiều du khách thiếu ý thức phóng uế, xả rác bừa bãi, tình trạng “quá tải” trong mùa lễ hội đang làm cho môi trường bị xuống cấp.

Do đầu tư thiếu đồng bộ, công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ nhiều bất cập, chồng chéo, nên công tác xử lý, BVMT lâu nay đang hết sức lúng túng. Tình trạng các nhà hàng, khách sạn xả nước thải chưa qua xử lý ra mương thoát, nhưng hệ thống cũng không có đấu nối, hố gas xử lý gây ô nhiễm tại hầu hết các bãi tắm khiến nhân dân bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Quảng bá xúc tiến văn hóa - du lịch Hà Tĩnh: Để góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do các hoạt động du lịch gây nên, tạo ra môi trường du lịch lành mạnh, đảm bảo sự phát triển bền vững thì cần sớm xây dựng nội quy, quy chế cụ thể, hợp lý giữa khai thác, kinh doanh du lịch với việc bảo vệ tài nguyên môi trường, tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư và du khách. Cùng với đó, ban hành các quy định về BVMT tại các khu, điểm du lịch, di tích, có hình thức xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Chú trọng lồng ghép các hoạt động tuyên truyền bảo vệ tài nguyên du lịch bằng nhiều hình thức với các nội dung cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia hoạt động du lịch.

Ngoài ra, cần có sự định hướng BVMT theo lãnh thổ, trong đó, xác định các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực hạn chế các hoạt động du lịch… và các kế hoạch cụ thể bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, đối với những vùng nhạy cảm như: đầu nguồn, khu vực đông dân cư… khi lập các quy hoạch chi tiết, phải có giải pháp đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast