Hà Tĩnh: Gần 50 tỷ đồng thuế nợ “ảo”... “chờ” nghị quyết

(Baohatinh.vn) - Kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi. Vậy, ngành Thuế Hà Tĩnh sẽ bị tác động như thế nào nếu nghị quyết được thông qua?...

Vì sao tiền thuế nợ vẫn chưa giảm?

Công tác thu hồi nợ thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Thuế Hà Tĩnh thực hiện quyết liệt. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh thu nợ thuế đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: Gần 50 tỷ đồng thuế nợ “ảo”... “chờ” nghị quyết

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đóng nộp ngân sách.

Ngành Thuế đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý (phương án xử lý nợ đọng thuế) và thực hiện thu nợ thuế theo đúng quy trình quản lý nợ của Tổng cục Thuế.

Đồng thời, hàng tháng đã chủ động lập danh sách những doanh nghiệp (DN) nợ thuế lớn, mời lên động viên, thuyết phục, lập biên bản cam kết nộp tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, theo báo cáo từ Cục Thuế Hà Tĩnh, tổng tiền thuế nợ đến ngày 31/8/2019 trên địa bàn là: 489 tỷ đồng (tiền thuế nợ: 353 tỷ đồng; tiền phạt, tiền phạt chậm nộp: 136 tỷ đồng), tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó: Nợ có khả năng thu: 351 tỷ đồng (tiền thuế nợ: 265 tỷ đồng; tiền phạt, tiền phạt chậm nộp: 86 tỷ đồng); nợ khó thu: 138 tỷ đồng (tiền thuế nợ: 88 tỷ đồng; tiền phạt, tiền phạt chậm nộp: 50 tỷ đồng). Trong đó, 50 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm được cho là nợ thuế “ảo”, không có khả năng thu hồi.

Hà Tĩnh: Gần 50 tỷ đồng thuế nợ “ảo”... “chờ” nghị quyết

Nợ thuế và phí từ hoạt động khai thác khoáng sản là một trong những nguyên nhân khiến nợ thuế của tỉnh vẫn ở mức cao

Theo phân tích, nguyên nhân nợ thuế của tỉnh vẫn ở mức cao do hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN trong lĩnh vực xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn, không có công trình phát sinh mới phải tạm ngừng, nghỉ kinh doanh. Mặc dù ngành thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế như phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng các DN nợ thuế vẫn không có khả năng nộp thuế dẫn đến nợ tăng cao.

Bên cạnh đó, một số DN khai thác khoáng sản bị đóng cửa mỏ, không gia hạn hoặc thông báo thu hồi mỏ trong khi nghỉ, bỏ hẳn kinh doanh dẫn đến nợ thuế và phí, không có khả năng thu hồi.

Đặc biệt, khi một số chủ DN bị chết, bỏ địa chỉ kinh doanh, mất khả năng thanh toán… vẫn bị “treo” nợ và hiển nhiên, tiền phạt chậm nộp bị cộng dồn theo từng ngày cũng là một trong những nguyên nhân đẩy số nợ khó thu tăng dần.

Xóa gần 50 tỷ nợ “ảo” nếu nghị quyết được thông qua

Tại kỳ họp tháng 10/2019 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi. Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện trong 3 năm.

Dự thảo nghị quyết quy định xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày 1/7/2020 (thời điểm Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành).

Hà Tĩnh: Gần 50 tỷ đồng thuế nợ “ảo”... “chờ” nghị quyết

Ngành Thuế đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế...

Cụ thể, dự thảo đề xuất xóa nợ thuế đối với 7 nhóm đối tượng không còn khả năng nộp thuế, bao gồm người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, DN tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng…

Trưởng phòng Quản lý nợ thuế, Cục Thuế Hà Tĩnh Hồ Văn Châu phân tích: Nếu Nghị quyết về xóa nợ lần này được Quốc hội thông qua, Hà Tĩnh sẽ xóa được gần 50 tỷ tiền nợ thuế (tiền phạt chậm nộp). Đây là số tiền nợ “ảo”, không có khả năng thu chủ yếu từ DN, người nộp thuế đã chết, mất tích, bỏ, ngừng, nghỉ… hoạt động kinh doanh từ nhiều năm lại nay nhưng tiền phạt chậm nộp (0,05% – 0,03% trên 1 ngày) vẫn tính trên hệ thống.

Khi được xóa số tiền thuế nợ này, ngành Thuế các cấp giảm được một khoản nợ ảo lớn không có địa chỉ, giúp cho việc cân đối dự toán thu chi ngân sách được chính xác hơn vì khoản nợ ảo này hàng năm ngành Thuế vẫn giao kế hoạch thu vào cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn đến chi ngân sách.

Hà Tĩnh: Gần 50 tỷ đồng thuế nợ “ảo”... “chờ” nghị quyết

...công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Lo ngại hiện tượng “ve sầu thoát xác”, lợi dụng chính sách trong việc xóa nợ, Trưởng phòng Quản lý nợ thuế Hồ Văn Châu cho biết, hiện tại, công tác quản lý tiền thuế nợ của ngành thuế đều được thực hiện trên hệ thống quản lý thuế tập trung TMS. Do vậy, khoản tiền thuế nợ (tiền phạt chậm nộp) đề nghị Quốc hội xóa đã được quản lý trên hệ thống TMS, đảm bảo các đối tượng nợ đã được phân loại chính xác.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua, ngành Thuế Hà Tĩnh sẽ rà soát lại kỹ hồ sơ từng DN, người nộp thuế, nếu đủ điều kiện khi đó mới lập danh sách trình lãnh đạo ký đề nghị xóa nợ thuế.

Đồng thời, danh sách đó sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi người dân, DN, người nộp thuế biết để thực hiện.

Chủ đề Thu ngân sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast