Điều tiết tiền sử dụng đất: Cứng nhắc và mâu thuẫn

Nghị quyết HĐND tỉnh về phân bổ ngân sách cho các địa phương quy định tỉ lệ điều tiết tiền sử dụng đất là 50% để lại cho các xã, phường, thị trấn, 30% để lại cho huyện, thị, thành phố, 20% nộp về ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tế lại đang cho thấy sự cứng nhắc, thậm chí là không phản ánh đầy đủ tinh thần đề án phát triển quỹ đất. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các xã, thị trấn, nhất là các xã thuộc TP Hà Tĩnh, nơi mà mà chi phí đầu tư vào hạ tầng khu dân cư thường lớn hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Để có được những khu dân cư đúng nghĩa, các xã, phường ở TP Hà Tĩnh phải huy động một khoản kinh phí lớn hơn nhiều so với các các địa phương trực thuộc huyện. Từ đường giao thông đến hệ thống thoát thải, hệ thống chiếu sáng… nhất thiết phải phù hợp với quy hoạch đô thị. Chẳng hạn, một con đường ở khu dân cư thuộc thành phố ít nhất cũng phải rộng từ 8 -10m, phải có hệ thống thoát thải 2 bên, mặt đường phải được thảm bê tông nhựa, được trang bị hệ thống chiếu sáng… Thêm nữa, giá đền bù đất nông nghiệp ở thành phố cũng lớn hơn các huyện tới hàng chục nghìn đồng mỗi m2. Phải gánh toàn bộ chi phí hạ tầng và chi phí đền bù lớn hơn mặt bằng chung nên trong thực tế tỉ lệ 50% để lại ngân sách xã là không đủ bù đắp, hoặc nếu đủ thì cũng không còn nguồn dôi dư cho các mục tiêu đầu tư khác.

Vùng quy hoạch đất cấp xóm Tân Học, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Bá Tân
Vùng quy hoạch đất cấp xóm Tân Học, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Bá Tân

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Chủ tịch UBND xã Thạch Trung nêu ví dụ: để có được 50 lô đất ở khu dân cư Đoài Thịnh, địa phương đã phải bỏ ra hơn 20 tỷ đồng xây dựng hạ tầng và đền bù đất nông nghiệp. Nếu diễn biến thị trường thuận lợi và với đơn giá quy định hiện nay thì khu Đoài Thịnh có thể thu về số tiền 50 tỷ đồng. Theo tỉ lệ điều tiết, xã được giữ lại 25 tỷ đồng. Kết quả này coi như… hòa cả làng.

Ông Tuấn cho biết: việc đầu tư xây dựng các khu dân cư trên địa bàn Thạch Trung từ trước đến nay đều chung tình cảnh tương tự. Xã phải vận dụng chương trình dự án của ngành điện, ngành nước để lồng ghép vào hạ tầng khu dân cư thì may ra mới có một khoản chênh lệch nhất định trong số tiền được điều tiết.

Ông Tuấn thừa nhận: nếu cứ với tình trạng này thì không biết đến bao giờ các tiêu chí về giao thông, môi trường, chợ nông thôn trong xây dựng NTM ở Thạch Trung mới có thể hoàn thành.

Không có nguồn dôi dư từ tỉ lệ % được trích lại đồng nghĩa các địa phương ở TP Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển. Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng phân bua: với vị trí của một đô thị loại 3, TP Hà Tĩnh hầu như không thể tham gia vào các chương trình mục tiêu, các dự án từ ngân sách hoặc các chương trình phi chính phủ. Trong khi đầu tư xã hội lại đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế. Rốt cục, từ giao thông, thủy lợi, môi trường, công trình phúc lợi, đến xây dựng NTM… tất tật đều nhìn vào tiền sử dụng đất. Kế hoạch ngân sách năm 2013 của thành phố là 673 tỷ đồng thì 440 tỷ đồng được chờ đợi là thu từ đất. Thị trường bất động sản (BĐS) mấy năm qua vốn dĩ đã ảm đạm lại cộng thêm tỷ lệ điều tiết không sát với thực tế, dẫn tới khó khăn chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh đó, nợ xây dựng cơ bản của các địa phương lên đến 243 tỷ đồng dường như là một hệ quả tất yếu.

Đề án phát triển quỹ đất được UBND tỉnh phê duyệt năm 2012 nêu rõ: việc điều tiết phân chia nguồn thu từ đất cho các cấp ngân sách phải được điều chỉnh theo hướng đảm bảo ưu tiên nguồn vốn cho công tác bồi thường, GPMB và đầu tư kết cấu hạ tầng. Điều này có nghĩa các địa phương không còn phải chịu các khoản chi phí khi được điều tiết tỉ lệ % tiền sử dụng đất. Và điều đó cũng đồng nghĩa là nghị quyết HĐND tỉnh về điều tiết tỉ lệ tiền sử dụng đất cho các cấp ngân sách đến thời điểm hiện tại đã không phản ánh được tinh thần của đề án phát triển quỹ đất.

Ông Bùi Khắc Bằng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Hà Tĩnh cho rằng: chính mâu thuẫn này đã làm cho các địa phương lúng túng trong việc huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng khu dân cư. Hệ quả là nhiều khu dân cư chưa đủ hạ tầng vẫn phải đưa vào đấu giá. Tâm lý người mua vì vậy sẽ bị ảnh hưởng và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm sự ảm đạm của thị trường BĐS.

Nợ xây dựng cơ bản, gián đoạn tiến độ đầu tư, hoặc chấp nhận đắp chiếu nằm chờ là thực trạng chung của nhiều dự án đầu tư hạ tầng đô thị tại TP Hà Tĩnh thời gian qua. Nguồn thu từ đất đai giảm sút do thị trường BĐS đóng băng là một nguyên nhân. Nhưng cơ chế phân chia tiền sử dụng đất không căn cứ vào chi phí đầu tư cũng là nguyên nhân không kém phần quan trọng khác. Áp lực do vậy càng đè nặng trên vai các địa phương ở TP Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast