Đảm bảo VSATTP “từ trang trại” còn nhiều bất cập

Vì sức khỏe người dân, ATVSTP đang là vấn đề đặc biệt được quan tâm với nhiều giải pháp tích cực. “Từ trang trại đến bàn ăn”, là một giải pháp quản lý ATVSTP theo “chuỗi”, một mô hình về quản lý ATVSTP có hiệu quả tốt, đã được nhân rộng trong toàn quốc. Hà Tĩnh cũng đã tích cực vào cuộc triển khai mô hình này và đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, thực tế, việc quản lý ATVSTP theo “chuỗi” nói trên trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Những kết quả bước đầu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền các qui định của Nhà nước về ATVSTP nông, lâm, thủy sản thông qua các lớp tập huấn, phát tờ rơi, chuyên đề khuyến nông-khuyến ngư…

Đặc biệt, để quản lý tốt ATVSTP “từ trang trại”, Sở đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền theo chiều sâu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về sản xuất thực phẩm trên tất cả các lĩnh vực cho cán bộ và người dân. Ngành đã mở nhiều lớp tập huấn chuyên môn, chuyên sâu như phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ trong thú y; sản xuất rau an toàn; sử dụng thuốc bảo vệ an toàn hiệu quả; cấp chứng chỉ chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật; đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản”; hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát mối nguy tại các điểm tới hạn) trong chế biến thủy sản xuất khẩu…

Nông dân trồng rau sạch

Cùng với công tác đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ và người dân, năm 2010, ngành NN&PTNT bắt đầu triển khai kiểm tra chất lượng sản xuất tại các cơ sở. Qua các đợt kiểm tra, ngành đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở những sai phạm, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền thay đổi nhận thức, trách nhiệm cho người dân.

Ông Phan Văn Dũng – Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản Sở NN&PTNT cho biết: Do điều kiện về nhân lực và kinh phí nên việc triển khai kiểm tra VSATTP tại các cơ sở chưa được thường xuyên và rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế qua các cuộc kiểm tra cho thấy, việc triển khai các hoạt động mang lại hiệu quả rất tốt. Hầu hết người sản xuất đã được tập huấn, tuyên truyền đều thay đổi nhận thức; các mẫu thực phẩm kiểm tra tại các hộ này đều an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các tiêu chí khác.

Vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khó khăn

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động về đảm bảo ATVSTP của ngành NN&PTNT diễn ra rất mờ nhạt, ngay cả trong đợt cao điểm “tháng vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”. Nguyên nhân là do chưa có kinh phí hoạt động. Điều đáng bàn nữa, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn của chương trình mục tiêu quốc gia. Vậy nhưng, như năm nay, mãi cho đến hết đợt cao điểm “tháng hành động vì VSATTP”, nguồn kinh phí mới được “rót” về.

Rau, củ, quả ...nhập từ ngoài vào vẫn chưa kiểm soát được chất lượng

Mặt khác, các mô hình sản xuất nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu qui mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất nên gây khó khăn cho coogn tác quản lý. Về sản xuất nông nghiệp nói chung và về rau nói riêng chủ yếu còn mang tính truyền thống, chưa áp dụng các tiến bộ về KHKT trong sản xuất, còn nhiều tồn tại ở các cơ sở trồng rau như: Nguồn nước tưới chủ yếu từ ao hồ, giếng khoan, chưa qua kiểm nghiệm; đa số vẫn còn sử dụng phân bón hữu cơ nhưng kỹ thuật ủ phân không theo trình tự, thời gian ủ phân chưa hoàn toàn đúng với các yêu cầu kỹ thuật, hơn nữa khu vực ủ phân vẫn chung với khu vực sản xuất nên dễ gây ô nhiễm vào sản phẩm; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng với yêu cầu kỹ thuật, thậm chí có những hộ gia đình sử dụng mà không biết đó là loại thuốc gì, đa số còn sử dụng theo cảm tính và kinh nghiệm. Đặc biệt đáng lo ngại, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo nguyên tắc “4 đúng”, thời gian cách ly không đảm bảo, rau đến độ thu hoạch là mang bán mặc dù thuốc chưa hết thời gian cách ly. Việc ghi chép hồ sơ sử dụng chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng chưa được thực hiện; một số cơ sở không trung thực trong khai báo với đoàn kiểm tra về tên thuốc đã sử dụng, hoặc không còn nhớ tên thuốc để khai báo đã gây khó khăn trong việc phân tích các hoạt động tồn dư trên sản phẩm; hầu hết vỏ bao bì đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng bị vứt bữa bãi; sản phẩm sau khi thu hoạch vẫn để tiếp xúc với nền đất nên có thể lại mất an toàn vệ sinh trước khi ra thị trường.

Về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thủy sản, tuy đã có nhiều cơ sở bảo quản bằng kho lạnh nhưng vị trí đặt kho, cách sắp xếp hàng hóa trong kho và chế độ bảo trì chưa phù hợp để bảo quản sản phẩm được tốt; chế độ vệ sinh khu thu mua, nền kho và các dụng cụ chưa được thực hiện thường xuyên, đúng qui định; hệ thống nước rửa chưa được kiểm soát về chất lượng…

Quán ăn vỉa hè là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP

Ngoài ra, việc kiểm tra cơ sở còn gặp khó khăn bởi một số tồn tại, hạn chế như một số qui định kỹ thuật, qui chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành, chỉnh sửa phù hợp; biểu mẫu kiểm tra chưa được pháp chế hóa, gây khó khăn cho việc kiểm tra tại cơ sở. Về việc phân tích các chỉ tiêu, hiện nay các phòng kiểm nghiệm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Có một số chỉ tiêu vẫn chưa phân tích được; một số chỉ tiêu phân tích được nhưng mất nhiều thời gian, vừa gây khó khăn cho cơ quan kiểm tra, vừa cản trở các cơ sở sản xuất được lấy mẫu. Đặc biệt, đối với mẫu lưu nông sản và thủy sản, việc bảo quản mẫu rất khó khăn, thời gian ngắn trong khi kết quả phân tích lại phải chờ lâu…

Quản lý VSATTP “từ trang trại” là một hoạt động mang tính chiến lược, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Thiết nghĩ, cùng với nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP, tỉnh cần quan tâm đầu tư, tạo đà cho hoạt động. Cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức và nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về ATVSTP, cần tăng cường qui hoạch các vùng sản xuất tập trung, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng GAP, tiến tới giảm thiểu tối đa các thực phẩm không đảm bảo VSATTP trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast