Tìm hướng đi cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống

(Baohatinh.vn) - Gần 4 năm được mang tên gọi mới nhưng hầu như những vấn đề của đề án Phát triển Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Hà Tĩnh vẫn còn nằm trên những trang giấy. Giải pháp nào để nhà hát phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình vẫn đang là câu hỏi chưa tìm được câu trả lời thỏa  đáng...

>> Những rào cản đổi mới ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống

Đầu tư bảo tồn “tĩnh”

Bảo tồn nghệ thuật truyền thống có 2 trạng thái “tĩnh” và “động”. Trạng thái “tĩnh” gồm hồ sơ, văn bản, băng đĩa tiếng, hình. Trạng thái “động” là khai thác cái “tĩnh” để xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng. Nhạc sỹ Ngọc Thịnh - Giám đốc Nhà hát NTTT cho rằng: “Hiện tại, bảo tồn bằng trạng thái “động” sẽ là công việc được quan tâm thường xuyên của nhà hát. Thời gian qua, trong các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ công chúng và các nhiệm vụ chính trị của nhà hát vẫn là ca múa nhạc kết hợp hơi thở dân gian với nhịp điệu cuộc sống đương đại”.

tim huong di cho nha hat nghe thuat truyen thong

Kịch dân ca là một trong những cách bảo tồn dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh hiệu quả nhưng hầu như vắng bóng trong các sáng tác của các nghệ sỹ cũng như trên sân khấu biểu diễn

Khi chức năng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được gắn với hoạt động của Nhà hát NTTT thì cùng với việc xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, việc bảo tồn theo trạng thái “tĩnh” vẫn là nhiệm vụ cần được thực hiện tốt. Hiện nhà hát đã có phòng nghiệp vụ về bảo tồn nhưng để làm được điều đó cần phải có nhân lực hội đủ tài năng và tâm huyết cũng như cần có chủ trương thực hiện từ chính lãnh đạo nhà hát. Hơn nữa, hiện nay, trạng thái “động” mà Nhà hát NTTT đang thực hiện cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả trong việc bảo tồn, phát triển các làn điệu dân ca.

Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh cho rằng: “Để bảo tồn được vốn quý NTTT thì trước hết và hơn bao giờ hết, bảo tồn theo trạng thái “tĩnh” mới là vấn đề quan trọng hàng đầu. Phải có cái “tĩnh” chuẩn mực thì cái “động” mới tốt được. Mà để có được cái “tĩnh” thì cần phải có nguồn nhân lực hội đủ các yếu tố về năng lực, trách nhiệm, tâm huyết để có thể đến từng vùng, miền - nơi khởi phát những làn điệu, bộ môn NTTT để tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, ký âm và phục dựng, ghi hình lại làm tư liệu. Sau đó, tổ chức hội thảo để tìm ra những đánh giá chân thực nhất từ các nhà nghiên cứu nhằm định danh cho những làn điệu sưu tầm được và có phương án phát triển các làn điệu đó”.

Linh động trong bố trí nhân lực

Những khó khăn về nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của nhà hát. Giải pháp cải thiện nguồn nhân lực đã nhiều lần được lãnh đạo nhà hát trình phương án lên các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, tuy nhiên, sau một thời gian dài vẫn chưa được quan tâm.

Ông Đặng Duy Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT Hà Tĩnh cho biết: “Trong khi chờ chủ trương phát triển nguồn nhân lực, phương án luân chuyển cán bộ trong phạm vi của ngành nhằm trẻ hóa đội ngũ và không lãng phí nguồn nhân lực là một trong những giải pháp khả thi nhất trong tình trạng hiện nay nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

tim huong di cho nha hat nghe thuat truyen thong

Múa rối, một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo có thể giúp Nhà hát giải quyết phần nào khó khăn về nguồn nhân lực lại không được lãnh đạo nhà hát khai thác

Đánh giá về vấn đề này, ông Đoàn Đình Anh - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho biết: “Thời gian qua, ảnh hưởng bởi các khó khăn khách quan, hoạt động của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh chưa thực sự đúng hướng theo tên gọi và bản chất. Để giải quyết vấn đề này, trong khi chờ đợi các giải pháp từ các cấp có thẩm quyền thì nhà hát phải tự tìm lối đi phù hợp nhằm khắc phục những khó khăn, nhất là vấn đề nhân lực”.

Thực tế cho thấy, chính lãnh đạo nhà hát còn thiếu linh hoạt, sáng tạo trong vấn đề sử dụng, điều chuyển nhân lực trong nội bộ cơ quan trước khi có sự can thiệp của cấp trên. Ví dụ như sớm bỏ cuộc trong việc phát triển bộ môn múa rối. Mặc dù đây không phải là loại hình NTTT của Hà Tĩnh nhưng có thể thông qua sự hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này để xây dựng những tiết mục đậm bản sắc văn hóa truyền thống Hà Tĩnh. Hơn thế nữa, nếu múa rối phát triển, bài toán về nguồn nhân lực đang “già hóa” của nhà hát sẽ được giải quyết phần nào.

Đem những băn khoăn này hỏi đơn vị chủ quản là Sở VH-TT&DL thì đại diện lãnh đạo sở cho rằng: “Khó khăn của nhà hát không phải là vấn đề nóng. Vấn đề này chúng tôi sẽ trả lời vào một dịp khác”. Chính quan điểm này của đơn vị chủ quản đã phản ánh mức độ quan tâm dành cho “đứa con” của mình. Đó cũng chính là một trong những lý do để đến thời điểm này, sau gần 4 năm khoác lên mình tên gọi mới, hoạt động của Nhà hát NTTT vẫn đồng hành cùng những khó khăn cũ.

Lời kết

Những khó khăn của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh đã được lãnh đạo đề cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong nhiều cuộc họp của ngành, của tỉnh. Tuy nhiên, năm nối năm, tháng nối tháng, những khó khăn ngày như thêm dài ra kéo theo các chức năng, nhiệm vụ không được thực hiện đầy đủ. Nếu không cải thiện được thực trạng này, thì việc chuyển đổi tên gọi thành nhà hát chỉ là việc khoác lên thân hình đoàn ca múa kịch một chiếc áo quá rộng mà thôi.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast