Nga úp mở “cơn ác mộng” tên lửa đối phó Mỹ

Nga có thể kết hợp siêu tên lửa với vũ khí siêu thanh “cơn ác mộng” đối với Mỹ sau khi Lầu Năm Góc thử tên lửa vốn bị cấm theo INF.

Cảnh báo “ác mộng” của Nga

Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Thượng tướng Sergei Karakaev ngày 15/12 cho biết lực lượng này đã bắt đầu huấn luyện cho một trung đoàn đầu tiên chuyển sang trang bị tên lửa đạo đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Nga chuẩn bị kỷ niệm 60 năm truyền thống của lực lượng tên lửa (17/12) và Mỹ có thêm một vụ thử tên lửa vốn bị hạn chế theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Đáng chú ý, tướng Karakaev tuyên bố Sarmat có thể mang theo các đầu đạn siêu thanh thế hệ mới trong khi vẫn đảm bảo các khả năng không thua kém loại tên lửa hạng nặng lớn nhất thế giới của Nga là Voevada, thậm chí còn vượt trội hơn.

Nga úp mở “cơn ác mộng” tên lửa đối phó Mỹ

Tên lửa Sarmat của Nga trong một vụ phóng thử

Theo thông tin của truyền thông Nga, tên lửa Sarmat (RS-28) có khối lượng 208,1 tấn, có khả năng mang theo một trọng tải nặng 10 tấn. Tên lửa dài 35,5 mét, có đường kính 3 mét, mang theo lượng nhiên liệu nặng 178 tấn và có tầm bắn 18.000 km.

Tờ Ria Novosti của Nga cho biết tên lửa hạng nặng Sarmat sẽ thay thế Voevada (được NATO định danh là Satan RS-20B). Hãng tin Nga nhấn mạnh Sarmat có thể tấn công các mục tiêu bằng cách vòng qua cực Bắc hoặc cực Nam của Trái Đất và vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tướng Karakaev không nói rõ loại tên lửa siêu thanh nào sẽ được tích hợp cho Sarmat, song thời gian qua Nga công bố nhiều thông tin về việc thử nghiệm Avangard. Theo kế hoạch, quân đội Nga sẽ chính thức đưa hệ thống tên lửa Avangard vào trực chiến ngay trong tháng 12 này.

Theo hãng tin TASS của Nga, 2 tên lửa liên lục địa UR-100N UTTKh (gòn gọi là RS-18A) đã được tích hợp với loại tên lửa siêu thanh này và được đưa vào trực chiến-thử nghiệm từ cuối tháng 11 vừa qua. Moscow thậm chí đã giới thiệu các hệ thống Avangard với thanh sát viên Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START).

Nga úp mở “cơn ác mộng” tên lửa đối phó Mỹ

Hệ thống Avangard được Nga “tự tin” giới thiệu với các thanh sát viên Mỹ hồi cuối tháng 11

Tờ National Interest của Mỹ đã ám chỉ việc Nga đưa Avangard vào trực chiến là “cơn ác mộng” đối với Mỹ. Theo trang này, sau khi được phóng vào khí quyển bằng tên lửa đạn đạo, Avangard sẽ lao xuống mục tiêu với “độ dốc” khiến nó khó có thể bị đánh chặn. National Interest cho rằng chính khả năng “vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào” của Avangard là phản ứng của Nga trước chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ với lo ngại Washington có khả năng vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của Moscow.

Trước đó, hôm 12/12, Mỹ đã bắn thử một tên lửa đạn đạo thông thường phóng từ mặt đất, động thái này vốn trước đây bị cấm theo INF. Mỹ đã đơn phương xé bỏ INF hồi tháng 8 vừa qua sau khi Washington cáo buộc Moscow đã vi phạm hiệp ước này, trong khi Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của Nhà Trắng.

Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra từ Căn cứ Không quân Vandenberg tại bang California và “chúng tôi hiện đang đánh giá kết quả của cuộc thử nghiệm này”.

Nga không bất ngờ

Đây là vụ thử tên lửa lần thứ hai của Lầu Năm Góc, vốn trước kia bị cấm theo Hiệp ước INF. Ngày 19/8 vừa qua, Mỹ cũng đã thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

INF được Tổng thống Mỹ hồi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987, theo đó cấm các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500 km.

Nga úp mở “cơn ác mộng” tên lửa đối phó Mỹ

Hình ảnh vụ phóng thử tên lửa đạn đạo hôm 12/12 do Không quân Mỹ công bố

Cũng trong phát biểu ngày 15/12, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Thượng tướng Sergei Karakaev cho rằng Mỹ có thể tiến hành phóng thử 2 tên lửa tầm trung mới trước cuối năm nay.

Ông nói: “Trước cuối năm 2019, Mỹ có kế hoạch thử 2 tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất mới: một tên lửa hành trình với tầm bắn hơn 1.000 km và tên lửa còn lại có tầm bắn hơn 3.000 km. Hiện nay, không ai có thể đảm bảo rằng những tổ hợp này sẽ không được trang bị vũ khí hạt nhân”.

Ngay sau vụ thử tên lửa thứ hai của Mỹ vi phạm INF, hãng tin Sputnik của Nga đã dẫn ý kiến đánh giá của nhà phân tích chính trị quân sự Andrey Koshkin, Trưởng khoa chính trị - xã hội học của trường Đại học Kinh tế Nga Plekhanov, cho rằng công trình phát triển tên lửa này của Mỹ diễn ra ngay từ khi hiệp ước còn đang có hiệu lực.

Nga úp mở “cơn ác mộng” tên lửa đối phó Mỹ

Hồi tháng 8 vừa qua, Hải quân Mỹ đã bắn thử một tên lửa hành trình vi phạm INF

Chuyên gia Koshkin cho rằng, những hành động như vậy thể hiện chính sách hai mặt của Mỹ. Chuyên gia này phân tích: "Hiện nay Mỹ đang tìm cách phát triển các tên lửa tầm trung và tầm ngắn càng nhanh càng tốt, và họ không cảm thấy xấu hổ vì đã làm việc này trong khi Hiệp ước INF vẫn còn hiệu lực. Đây là chính sách hai mặt của Mỹ, thậm chí không tuân thủ các điều khoản của hiệp ước quốc tế mà họ ký kết trên trường quốc tế”.

Chuyên gia Nga nói thêm: “Ngày hôm nay chúng ta có thể chờ đợi việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở lục địa châu Âu và sẽ gây ra cơn bão phẫn nộ của những người dân châu Âu. Về phần mình, Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp thích hợp để vô hiệu hóa mối đe dọa".

Cùng với Nga, Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối vụ thử tên lửa hôm 12/12 của Mỹ. Ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh vụ thử tên lửa đạn đạo này chứng minh Mỹ đã chuẩn bị cho các vụ thử tên lửa bị cấm theo INF khá lâu trước khi chính thức rút khỏi hiệp ước này.

Nga úp mở “cơn ác mộng” tên lửa đối phó Mỹ

Trung Quốc chỉ trích vụ thử tên lửa của Mỹ nhưng không nêu trách nhiệm của mình

Phát biểu họp báo ngắn, bà Hoa Xuân Oánh nói: "Từ ngày 2/8 năm nay, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, Lầu Năm Góc đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa phóng từ mặt đất. Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper hãnh diện nói rằng Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho những vụ thử này vào tháng 2 năm nay.

Tôi muốn các bạn lưu ý rằng Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi INF vào ngày 2/8, nhưng ông Esper nói họ bắt đầu chuẩn bị cho những vụ thử này vào tháng 2. Điều này một lần nữa chứng minh những phỏng đoán trước đó của chúng tôi rằng Mỹ đã có sự chuẩn bị trước khi rút khỏi INF".

Theo bà Hoa Xuân Oánh, quyết định của Mỹ rút khỏi INF được thúc đẩy chỉ bằng tham vọng của nước này muốn đảm bảo uy thế quân sự thông qua phát triển các công nghệ tên lửa tiên tiến.

Có chi tiết đáng chú ý là Trung Quốc không đưa ra những tuyên bố đáp trả trực tiếp đối với việc Mỹ phát triển tên lửa. Thay vào đó, những phát biểu chính thức từ Bắc Kinh chỉ mang tính chỉ trích và né tránh vai trò của nước này trước khả năng ký kết các hiệp ước mới.

Nga úp mở “cơn ác mộng” tên lửa đối phó Mỹ

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “cõng” vũ khí siêu thanh của Nga có thực sự là cơn ác mộng đối với Mỹ?

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc lại nhắc nhở Mỹ bằng cách đánh giá cao khả năng hạt nhân tên lửa của...Nga. Ví dụ, tờ Sina của Trung Quốc mới đây đăng bài viết cho rằng việc Nga đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat vào hoạt động trong năm 2020 có thể là một thách thức lớn đối với hệ thống phòng thủ quân sự của Mỹ và NATO.

Theo Sina, các siêu tên lửa Sarmat có tầm bắn lên tới 18.000 km cũng như có thể mang tới 16 đầu đạn hạt nhân. Sina nhấn mạnh, số lượng đầu đạn hạt nhân này đủ để “tiêu diệt tất cả các mục tiêu trong vùng lãnh thổ rộng bằng tiểu bang Texas hoặc Pháp”.

Bài báo cũng lưu ý đến việc Nga phát triển đầu đạn siêu thanh Avangard, bình luận rằng vũ khí này mang mối đe dọa có thể “buộc phương Tây phải xem xét lại chiến lược phòng thủ và răn đe hạt nhân” của mình.

Theo Báo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast