Ví, giặm - hành trình từ thổ sản vùng miền đến di sản văn hóa nhân loại

(Baohatinh.vn) - Khi nhận xét về xứ Nghệ, sách Đại Nam nhất thống chí viết: Đất xấu, dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành… Đó cũng là vùng đất đã tác thành ra bao lớp hiền nhân, là cái nôi sản sinh, trao truyền cả một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó có dân ca xứ Nghệ, mà 2 "thổ sản" độc đáo nhất là hát ví và hát giặm.

Cội nguồn hình thành và câu chuyện “dặm” hay “giặm”

Cũng như các loại hình dân ca khác, ví - giặm bắt nguồn từ đời sống xã hội, do nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân trong lao động cũng như lúc rảnh rỗi, vui chơi. Nó là một phương tiện văn nghệ tự túc của nhân dân địa phương, hòa vào dòng chảy văn hóa chung của dân tộc. Từ đời Tấn (265-120 TCN), trong sách Giao Châu kí, Lưu Hán ghi rằng nông thôn thời bấy giờ trẻ mục đồng cưỡi trâu, thổi sáo và hát các bài đồng dao của người Việt; còn trong sách Thuyết uyển (năm 16 TCN), Lưu Hướng có ghi lại một bài ca của người Việt hát trong lúc chèo đò và gọi đó là Việt ca… Ví, giặm người Nghệ cũng có thể đã có một lịch sử hình thành từ lâu đời nhưng phải đến thế kỉ XVII - XVIII mới đủ lông đủ cánh, hình thành ra những cuộc hát với thủ tục, lề lối chặt chẽ như nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định.

Ví, giặm - hành trình từ thổ sản vùng miền đến di sản văn hóa nhân loại ảnh 1

Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ do UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức năm 2012. (Ảnh: internet)

Cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc khái niệm, nhưng khá đồng thuận nhất, người ta vẫn cho rằng ví xuất phát từ "ví von" (Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng); hoặc "với" - bên nam hát đối đáp bên nữ; hoặc "vói" - hai bên trong nhà, ngoài ngõ đối đáp nhau. Còn giặm được hiểu với nghĩa gần như là giắm thêm vào (viết khác với chữ Dặm, dân ca của một số địa phương khác - dặm là quãng, quãng đường); trong một bài giặm, người ta thường xen vào những câu láy lại (hiện tượng điệp câu); hoặc trong lúc hát đối đáp, chữ vần của câu đầu bài đáp phải chắp cùng với vần câu cuối bài hỏi - chắp vần, hay hát chắp vào tức là hát giặm…

Ví, giặm lúc mới ra đời có thể chỉ là những câu hát riêng của chị em trong lúc lao động một mình, về sau có sự tham gia của các chàng trai, câu hát càng trở nên tình tứ, uyển chuyển, dịu dàng hơn. Đặc biệt, từ khi có các nho sĩ và trí thức bình dân tham gia, câu hát đã có thêm chất trí tuệ, uyên thâm, ví dụ như: Đã có rêu bởi vì nước đứng/ Núi bạc đầu bởi tại sương sa/ Thấy anh, em muốn gieo ca/ Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời/ Thấy anh, em muốn trao lời/ Sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan…

Ví, giặm không chỉ hát đơn lẻ mà đã trở thành quy cách và thủ tục. Hát ví thường có 7 bước, 3 chặng, tiêu biểu nhất là ở hát ví Phường vải; tuy nhiên không phải loại ví nào cũng tuân thủ đầy đủ quy cách này. Còn hát giặm cũng thường có 3 bước cơ bản (hát dạo, hát đối và hát xe kết), tuy nhiên quy cách đơn giản hơn nhiều so với ví.

Từ Hoành Sơn ra tận Khe Nước Lạnh, hầu như vùng nào trên đất xứ Nghệ cũng đều có những làng, những người nổi tiếng với hát ví, hát giặm; sách sử cũng không thấy ghi chép cụ thể ví bắt nguồn từ vùng nào trước, giặm tồn tại ban đầu ở đâu… Tuy nhiên, theo nhiều cuộc điều tra, điền dã, gần đây có một số nhà nghiên cứu đã nêu ra giả thuyết khá thuyết phục. Trong hát ví thì ví đò đưa có lẽ ra đời sớm nhất và ở vùng sông Lam, Đô Lương, nơi thuyền bè tấp nập lên xuống chợ Cồn, chợ Rạng, chợ Lạng, chợ Lường: Muốn ăn khoai sọ chấm đường/Thì trốn cha trốn mẹ ngược Lường với anh… Phải chăng cũng như một cơ duyên mà sau này Nguyễn Trung Phong - nguyên cán bộ quản lí ngành Văn hóa Nghệ Tĩnh đã sáng tác bài dân ca "Giận mà thương" nổi tiếng đến mức làm nhiều người nhầm tưởng đây là một trong những bài dân ca gốc: Vì thương anh nên em bàn với mẹ/ Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường…Còn giặm với những câu hát ngắn (Đất Đồng Môn dệt vải/ Đất Cổ Đạm vắt nồi/ Đất Xuân Liễu bầy tui (tôi)/ Bắt một nạm cáy hôi/ Về đâm đâm phơi phơi…), giọng trầm, chắc, đều đều, lời nôm na, mộc mạc, dùng thổ ngữ nhiều hơn, sinh ra nơi đồng đất hẻo lánh, có thể gốc là vùng bắc Cẩm Xuyên - Thạch Hà - nam Can Lộc…

Độc đáo riêng có của ví, giặm Nghệ Tĩnh

Không như một số loại hình dân ca khác gắn chặt với một không gian, thời điểm diễn xướng, nhất là với các lễ hội, dân ca Nghệ Tĩnh nói chung và ví, giặm nói riêng được người Nghệ hát ra không kể thời gian, hầu như quanh năm suốt tháng. Trên đồng ruộng, giữa lúc nông vụ tất bật - nhổ mạ, cấy cày, gặt hái; trên rừng trong những chuyến đi củi, đốt than, hái măng; trên sông Lam, sông La khi thuyền xuôi ngược hoặc chèo buông; trong những đêm trăng sáng hoặc lúc tối trời tại nhiều thôn xóm… tiếng hát ví, hát giặm luôn cất lên khi nhẹ nhàng tha thiết, khi trầm hùng sâu lắng, khi man mác buồn thương, khi thì hóm hỉnh, cười cợt…

Ví, giặm - hành trình từ thổ sản vùng miền đến di sản văn hóa nhân loại ảnh 2

Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ năm 2013 được tổ chức tại Hà Tĩnh

Một điều đặc biệt là sự tham gia tích cực của tầng lớp trí thức, từ các nhà khoa bảng, trứ tác lừng danh (Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Quýnh, Đinh Viết Thận, Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý…) cho đến lớp nho sĩ, trí thức bình dân. Đại thi hào Nguyễn Du từng nổi tiếng với lời đối đáp gái Phường vải Trường Lưu khi đến trước sân nhà không may bị vấp ngã:

Đến đây hò hát làm thân

Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì?

- Đất chi có đất lạ lùng

Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho…

Hoặc Phan Bội Châu đối đáp với gái Phường vải Nam Đàn:

Đưa chàng một nạm (nắm) ngô rang

Đúc nơi mô mà mọc, thiếp đốt nhang mời về

- Chỗ nào nắng mãi không khô

Mưa lâu không ướt đúc vô mọc liền…

Về mặt ca từ, đây cũng là nơi lưu giữ vốn ngôn ngữ khá phong phú cả phương ngữ và từ nghĩa, hiếm có dân ca vùng miền nào sánh được.

Ví, giặm là lối hát ứng tác - ứng khẩu mà thành thơ, thành nhạc. Thơ của ví là thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể; giặm thường là thể thơ 4 hoặc 5 chữ, thể đặc trưng của dân tộc. Những cuộc đối đáp ví, giặm đã góp phần để lại cho văn học nước nhà một kho tàng phong phú những câu thơ độc đáo, sâu sắc về nội dung, điêu luyện về nghệ thuật…

Với nền âm nhạc hiện đại, dân ca ví, giặm đã minh chứng khả năng thích ứng cao khi làm chất liệu cho sáng tác ca khúc. Nhiều ca khúc đã được thăng hoa, làm xúc động biết bao con tim của các thế hệ, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng nhờ khai thác chất liệu dân ca xứ Nghệ như Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Vỗ bến Lam chiều (Trần Hoàn), Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên), Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo)… Nói về đặc trưng âm nhạc của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhạc sĩ An Thuyên cho rằng có 2 đặc điểm chính - một là nỗi buồn đến "tận đáy", hai là dân ca có lời ca hay nhất.

Dân ca ví, giặm không chỉ là phương tiện làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, phương tiện vui chơi giải trí, nơi thổ lộ tâm tình của người dân xứ Nghệ, nó còn là phương tiện tuyên truyền có thể giáo huấn, biểu dương, phê phán, là mạch nguồn nuôi dưỡng những bậc nho sĩ tài hoa…

Khi thổ sản vùng miền trở thành di sản văn hóa nhân loại?

Cuối năm 2012, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2013, hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An phối hợp với các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và từ ngày 24-27/11/ 2014 này, chúng ta đang chờ đợi một tin vui, một kết quả tốt lành từ kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra tại Paris…

Dân ca ví, giặm là phương tiện làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, phương tiện vui chơi giải trí, nơi thổ lộ tâm tình của người dân xứ Nghệ... (Ảnh: Thiên Hùng - Life TV)

Dân ca ví, giặm là phương tiện làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, phương tiện vui chơi giải trí, nơi thổ lộ tâm tình của người dân xứ Nghệ... (Ảnh: Thiên Hùng - Life TV)

Qua tiếp xúc, trao đổi với nhiều người quan tâm và trực tiếp thực hành ví, giặm, qua trải nghiệm thực tiễn trong thời gian làm quản lí ngành văn hóa ở địa bàn một tỉnh, theo chúng tôi hiểu loại hình dân ca độc đáo này đang đứng trước một số thách thức/khó khăn chủ yếu sau:

(1) Sự biến đổi khá cơ bản về không gian và bối cảnh sáng tạo, diễn xướng do quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của các địa phương (về cảnh quan, nghề nghiệp, công cụ/phương tiện sản xuất, sinh hoạt…);

(2) Sự biến đổi về nhu cầu, thị hiếu và phương tiện hưởng thụ, tiếp nhận nghệ thuật của người dân trong từng thời kì lịch sử, nhất là trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của các công nghệ, kỹ thuật hiện đại như ngày nay (cạnh tranh giữa các loại hình nghệ thuật; xuất hiện nhiều xu hướng nghệ thuật mới…);

(3) Đội ngũ nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng thưa vắng dần, khả năng lưu giữ vốn cổ/nguyên gốc và kỹ năng trao truyền, diễn xướng/trình diễn bị thách thức;

(4) Quan điểm, phương pháp và hệ thống chính sách để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể (vốn có tính đặc thù cao) chưa đồng bộ, hoàn thiện; sự vận dụng cụ thể vào từng loại hình, từng địa phương và việc triển khai trong thực tiễn lại khác nhau.

Nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm bảo tồn, phát huy chưa được nghiên cứu, xử lí thống nhất, như: “có nên sân khấu hóa dân ca không?”, “có khuyến khích việc sáng tác, đặt lời mới không?”…

Trước những thách thức chung cho việc bảo tồn, phát huy dân ca Nghệ Tĩnh nói chung, trong đó có ví, giặm, Hà Tĩnh và Nghệ An đã làm gì trong thời gian qua?

Có thể kể đến 6 hoạt động chính: Công tác sưu tầm, nghiên cứu; công tác tuyên truyền, quảng bá, xuất bản; vinh danh nghệ nhân, hỗ trợ thành lập các CLB dân ca; tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, trại sáng tác; thí điểm đưa dân ca vào trường học và dạy đàn hát dân ca trên các phương tiện truyền thông đại chúng; điều tra, lập hồ sơ khoa học trình công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Ví, giặm thực sự là di sản văn hóa mang đậm bản sắc của người Nghệ, xứ Nghệ, thể hiện trên hầu hết các phương diện như âm nhạc, diễn xướng dân gian, ca từ, thời gian, không gian văn hóa, đối tượng tham gia… Bản sắc đó đã trở thành truyền thống, được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng sức sống mãnh liệt, khả năng tái tạo, thích ứng cao trong mọi sinh hoạt âm nhạc cộng đồng như văn nghệ quần chúng (đặt lời mới), sân khấu kịch hát, ca khúc sử dụng chất liệu dân ca… Với mỗi thời đại, nhân dân xứ Nghệ đều có sự tái tạo để ví, giặm luôn thích ứng với môi trường và điều kiện lịch sử - xã hội của từng giai đoạn. Cùng với các loại hình dân ca khác, ví, giặm là tinh hoa nghệ thuật của xứ Nghệ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, góp phần quan trọng vào việc lưu giữ vốn văn hóa truyền thống của cha ông, làm cho đời sống tinh thần của người Việt thêm phong phú, đa dạng.

Sự ra đời, hoạt động mạnh mẽ của gần 100 câu lạc dân ca ở cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay, sự thành công của Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ lần thứ Nhất trong năm 2012, lần thứ 2 năm 2013… là những minh chứng sống động khẳng định giá trị trường tồn và sức thu hút, lan tỏa, thăng hoa của "đặc sản" văn hóa ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Tiến sỹ VÕ HỒNG HẢI

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast