Nhiều người tham gia “tắm Phật online” trên mạng xã hội Butta

Mỗi lần Phật tử tham gia tắm Phật, mạng xã hội Phật giáo Butta sẽ đóng góp 10.000 đồng cho Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhiều người tham gia “tắm Phật online” trên mạng xã hội Butta

Tôn tượng Đức Phật trong hoạt động “Tắm Phật online” trên mạng xã hội Butta. (Ảnh chụp màn hình)

Chỉ sau vài ngày phát động, tuần lễ “Tắm Phật online” mừng ngày Phật đản đã thu hút hàng vạn lượt tham gia trên mạng xã hội Phật giáo Butta.

Trong những ngày tháng 4 Âm lịch, đông đảo Phật tử và người dân lại hân hoan đón mừng mùa Phật đản. Lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trang nghiêm, trọng thể.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật tử, hạn chế tập trung đông người do dịch COVID-19 trong mùa Phật đản, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và mạng xã hội Phật giáo Butta đã phát động chương trình “Tắm Phật online” từ nay đến hết 24h ngày 26/5 (tức 15/4 Âm lịch).

Đây là hoạt động tương tác với người dùng trên mạng xã hội Butta. Theo đó, mỗi lần Phật tử tham gia tắm Phật, mạng xã hội Phật giáo Butta sẽ đóng góp 10.000 đồng cho Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Số tiền này sẽ được trao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .

Hoạt động hoàn toàn miễn phí đối với người dùng, không hạn chế số lần tắm Phật online.

Sau 3 ngày phát động, hệ thống đã ghi nhận gần 12.000 lượt tắm Phật online. Không chỉ Phật tử tại Việt Nam mà Phật tử tại các quốc gia khác như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Hồng Kông, Hàn Quốc, Canada, Australia,… cũng nhiệt tình tham gia hoạt động này.

Nghi lễ tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của lễ hội Phật đản hàng năm. Nguồn gốc của nghi lễ xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Các bản kinh đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Mada đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.

Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hàng ngày. Thái tử Tất Đạt Đa đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh và nóng đó, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca.

Theo truyền thống, trong lễ Phật đản , người dân múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải rồi múc gáo nước tiếp theo, tắm bên vai trái của tôn tượng Đức Phật đản sanh, sau đó gửi gắm tâm nguyện tẩy sạch phiền não của thân tâm.

Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bày tỏ hy vọng sự kiện sẽ nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đồng bào phật tử; cho biết, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm thiêng liêng để nêu cao tinh thần từ bi, đoàn kết của Phật tử.

“Năm nay, trước tình hình dịch bệnh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản hướng dẫn Tổ chức Đại lễ Phật đản an toàn, đảm bảo trang nghiêm thành kính. Trong đó có hướng dẫn Phật tử kính mừng Khánh đản Đức Phật tại tư gia, tắm Phật online để đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh phức tạp,” Đại đức cho biết.

Nghi lễ Phật đản sẽ diễn ra tại chùa Quán Sứ với quy mô nhỏ hơn năm ngoái, không đón tiếp Phật tử mà sẽ livestream trên mạng xã hội Phật giáo Butta./.

Nhiều người tham gia “tắm Phật online” trên mạng xã hội Butta
Theo Minh Thu (Vietnam+)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast