Dòng họ Nguyễn Tiên Điền

(Baohatinh.vn) - Vào lúc thịnh vượng nhất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, dân Xứ Nghệ đã ví von rằng: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/Sông Rum hết nước, họ này hết quan”.

Người đời xưa ca tụng dòng họ Nguyễn vì có những bậc anh tài đỗ đạt với danh tước, học vị cao. Người đời nay nhớ đến dòng họ này bởi truyền thống hiếu học vẫn được lớp lớp hậu thế phát huy và hơn cả là những đóng góp về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.

Nhà thờ Nguyễn Trọng (chú ruột Đại thi hào Nguyễn Du) - một trong 3 nhà thờ lớn của dòng họ Nguyễn Tiên Điền hiện nay.

Nhà thờ Nguyễn Trọng (chú ruột Đại thi hào Nguyễn Du) - một trong 3 nhà thờ lớn của dòng họ Nguyễn Tiên Điền hiện nay.

So với các cư tộc khác trong vùng, họ Nguyễn ở Tiên Điền chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi “dòng xoáy” chính trị của các triều đại phong kiến. Theo “Hoan Châu Nghi tiên Nguyễn gia thế phả”, gốc tích xa xôi của họ Nguyễn vốn từ ngoài Bắc, ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Ông tổ của dòng họ Nguyễn là Nam dương công Nguyễn Nhiệm. Thời nhà Lê - Trịnh và nhà Mạc phân tranh quyền lực, Nguyễn Nhiệm theo nhà Mạc, phản đối nhà Lê – Trịnh. Khi bạo loạn không thành, Nguyễn Nhiệm chạy vào đây, chọn mảnh đất này làm nơi sinh cơ lập nghiệp.

Thế kỷ XII, XIII, làng có tên Vô Điền, tức là không có ruộng. Bấy giờ, vùng này còn chưa được con người khai hóa. Làng là một bãi cát bồi hoang vu, trơ trọi, đất đai quanh năm ngập mặn, chỉ có một vài người ở thưa thớt ven sông Cả. Về sau được cải tạo, làng Vô Điền thành làng có ruộng, đổi tên là Tân Điền, rồi Phú Điền. Mãi đến gần 100 năm lại đây mới gọi là Tiên Điền. Gia tộc họ Nguyễn có công lao với làng nên nhiều địa điểm mang tên và sự tích gắn với danh thế của dòng họ Nguyễn.

Xét từ thời Nguyễn Nhiệm đến đời Nguyễn Thế, 4 đời đầu, cứ tuần tự nhi tiến, chưa có gì hưng phát, nổi bật. Từ đời thứ 6 thì dòng họ Nguyễn Tiên Điền bước vào thời kỳ cực thịnh, phát danh về con đường khoa bảng. Thời Lê - Nguyễn, Tiên Điền có 6 người đỗ đại khoa thì 4 người trong số đó đều là người họ Nguyễn. Dưới thời Lê - Trịnh, họ Nguyễn có khoảng 40 người làm quan. Nổi tiếng nhất vẫn là 2 cha con Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản. Cả 2 đều đỗ đại khoa và làm quan to trong triều, từng đảm đương những chức vụ cao nhất nhì trong triều Lê - Trịnh. Những cái tên “vang bóng một thời” là minh chứng rõ nét nhất cho dòng họ khoa bảng này như: Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Huệ (tiến sĩ), Nguyễn Nghiễm (hoàng giáp), Nguyễn Khản (tiến sĩ), Nguyễn Điều (phó bảng), Nguyễn Tán (tiến sĩ), Nguyễn Mai (tiến sĩ)...

Con đường thăng quan tiến chức không chỉ rộng mở mà trên nhiều lĩnh vực khác như nho, y, lý, số, kinh sử, thơ phú... dòng họ Nguyễn Tiên Điền cũng có những bậc xuất chúng. Nguyễn Quỳnh - ông nội Nguyễn Du, sinh thời cũng là một người uyên thâm dịch lý và soạn cả sách dịch học, phong thủy. Nhà sử học Nguyễn Nghiễm trong sự nghiệp nghiên cứu của mình đã cho ra đời bộ sử “Việt sử bị lãm” gồm 7 cuốn. Nguyễn Khản cầm, kỳ, thi, họa đều giỏi, rất sành thơ nôm, hay xướng họa, đối đáp với Trịnh Sâm... Chính bởi những con người tài trí, đức độ như vậy mà Tiên Điền được xem là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài và anh hoa phát tiết.

Truyền thống văn chương, tâm hồn thơ phú cũng như mạch nguồn tinh hoa của dòng họ Nguyễn cũng được hậu thế nuôi dưỡng và phát huy. Đương thời, họ Nguyễn Tiên Điền cùng với họ Nguyễn Trường Lưu (Can Lộc) đã làm nên sự kiện văn chương độc đáo mà các học giả đời sau gọi là “Hồng sơn văn phái”. Sáng tác của các tác giả 2 dòng họ này cùng với các tác giả họ Phan Canh Hoạch (Thạch Hà) đã tạo nên làn gió văn chương đặc sắc của xứ sở Hồng Lam một thuở. Bên cạnh thành tựu về thơ chữ Hán, các nhà thơ trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã thể hiện sở trường riêng về truyện thơ Nôm. Mặc dù truyền thống viết truyện thơ Nôm ở trấn Nghệ An khởi đầu bằng “Hoa tiên truyện” của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu nhưng lại được dòng họ Nguyễn Tiên Điền phát triển lên đỉnh cao với Truyện Kiều của Nguyễn Du - viên ngọc sáng trong kho tàng văn chương dân tộc.

Nói đến truyền thống văn chương của dòng họ Nguyễn Tiên Điền thì hẳn Đại thi hào Nguyễn Du sẽ là tên tuổi được nhân loại nhắc nhớ đầu tiên. Nguyễn Du cùng với người cháu Nguyễn Hành được lịch sử xếp vào “An Nam ngũ tuyệt” - hai trong số 5 nhà thơ giỏi nhất ở An Nam. Những tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Du qua dòng chảy thời gian vẫn còn nguyên giá trị nhân văn sâu sắc như Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, Nam Trung tạp ngâm, Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu...

Theo ông Nguyễn Ban, con cháu thuộc chi Nguyễn Trọng (chú ruột của Đại thi hào Nguyễn Du) - người chuyên sưu tầm các tư liệu sử học quý giá về dòng họ Nguyễn thì hiện trong xã Tiên Điền có khoảng 400 hộ thuộc dòng họ Nguyễn. Con cháu họ Nguyễn chủ yếu làm nghề dạy học và bốc thuốc. Việc giáo dục từ trước đến nay vẫn luôn được dòng họ coi trọng và khuyến khích. Số con cháu họ Nguyễn Tiên Điền đỗ đạt giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, đại học... trong và ngoài nước rất nhiều nhưng chưa có thống kê cụ thể.

Bao thế kỷ qua, những bậc hiền tài đã đi vào thiên cổ nhưng niềm tự hào của dòng họ Nguyễn vẫn còn trường tồn và tiếng thơm vẫn còn vang mãi. Tiên Điền ngày nay đã dần thay da đổi thịt, hình ảnh sơ khai của bãi đất bồi hoang vu, hiu quạnh trong quá khứ đã lùi xa để nhường chỗ cho hình ảnh tươi mới trong hiện tại: những ngôi nhà khang trang với cây cối xanh tươi, đầy sức sống, những con đường bê tông láng mịn... Ngay lối vào làng Tiên Điền là Khu lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng khang trang với quy mô lớn thu hút khách thập phương. Còn với nhân dân làng Tiên Điền, khu lưu niệm như một lời nhắc nhở con cháu về việc sống xứng đáng hơn với tấm gương sáng của dòng họ “trâm anh thế phiệt” .

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast