6 chiêu dạy con biết cách tránh xa "yêu râu xanh"

Khi người khác dụ dỗ, rủ rê, cho cái này cái kia, đưa đi chỗ này chỗ nọ, cha mẹ cần dạy trẻ biết tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết không nhẹ dạ.

Đây là một trong những lời khuyên của giảng viên Lê Phạm Phương Lan (khoa tâm lý ĐH Nguyễn Huệ, Đồng Nai) để giúp trẻ tự vệ trước ý đồ đen tối của kẻ xấu.

Theo tác giả, trước những thông tin về việc nhiều học sinh đã nghỉ học, không dám đến trường vì sợ bị lạm dụng, quấy rối tình dục thời gian gần đây ở một số trường tiểu học đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục cần phải làm gì để giúp trẻ nhận biết các dấu hiệu dâm ô nguy hại đến bản thân và biết cách tự bảo vệ mình.

Đây là một việc làm rất cần thiết nhưng rất đỗi khó khăn, nhất là khi nói chuyện với trẻ lứa tuổi tiểu học, các em còn quá ngây thơ, trong trắng. Nếu không khéo, chúng ta có thể làm cho trẻ cảm thấy thế giới thật là phức tạp, sinh ra tâm lý bi quan, bất mãn.

Do đó việc quan trọng hơn cả là dạy trẻ biết làm chủ cơ thể mình, phải luôn tâm niệm rằng “chỉ có chính bản thân con, không ai được quyền động chạm, sờ nắn vào những điểm nhạy cảm trên cơ thể của con”.

Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 6 "chiêu" giúp trẻ tự bảo vệ mình để tránh xa "yêu râu xanh":

1. Đưa ra những dấu hiệu nổi bật của hành vi dâm ô: Không có sự khác nhau nhiều về dấu hiệu xâm hại tình dục cho bé trai cũng như bé gái. Các bé đều có thể bị lạm dụng, quấy rối như nhau; chỉ khác nhau về biểu hiện tiếp cận các bé của người xấu.

Cha mẹ có thể đưa bé vào những tình huống như có người tự nhiên cho trẻ quà bánh, đồ chơi, được chăm sóc đặc biệt mà không cần lý do hoặc nói những lời ngon ngọt, dụ dỗ.

Sau đó rủ rê, gạ gẫm bé đi chơi xa hay vào chỗ tối tăm, vắng vẻ rồi sờ soạng các bộ phận nhạy cảm, vùng kín trên cơ thể, rồi có thể tiến xa hơn là làm nhục và gây tổn thương bé…

2. Cho trẻ trải nghiệm tình huống giống như thật: Hãy lồng vào những câu chuyện thực tế để bé nhận thấy được đâu là hành vi xâm hại hoặc làm nhục từ người khác, phải cố gắng bình tĩnh biết tìm cách làm đối tượng mất tập trung như kêu la ầm ĩ, cắn vào tay, rên khóc (như bị đau quá), chạy ra ngoài nhờ mọi người giúp đỡ.

Phụ huynh cần trang bị cho con khả năng tự bảo vệ trước những hành vi trên. Trong hoàn cảnh bình thường, trẻ có thể “thực hành” rất chính xác cho phụ huynh, nhưng khi nguy hiểm xảy ra bé có thể hoảng loạn, rất có thể trẻ không biết xử trí như thế nào, nên nếu có dịp cha mẹ phải cùng con củng cố thường xuyên.

3. Để trẻ thục luyện nhiều lần: Phải thực hiện nhiều lầnvới những hoàn cảnh, tình huống khác nhau giúp chúng thấu hiểu và nhớ lâu. Cha mẹ phải cùng con thực hành nhiều lần chứ không nên chỉ dừng lại việc dạy trẻ bằng lý thuyết suông, hay những câu chuyện cứng nhắc, máy móc. Dạy con không có phương pháp nào là vạn năng, cha mẹ hãy khéo léo kết hợp nhiều hình thức như xem video clip về những cảnh tương tự để bé trải nghiệm cảm xúc thật sự nếu mình rơi vào tình huống đó.

4. Dạy con nói “không” với việc nhận quà bánh hay tự ý đi chơi theo người khác: Dạy trẻ phép từ chối lịch sự là kỹ năng biết tự chủ và tiết chế nhu cầu bản thân trước những cám dỗ từ những món quà bắt mắt, hấp dẫn.

Khi chưa có sự cho phép của cha mẹ, con không được nhận bất kỳ thứ gì của ai, đi đến nơi xa lạ có nguy cơ hại cho bản thân dù có thích thú đến mức nào.

Khi người khác dụ dỗ, rủ rê, cho cái này cái kia, đưa đi chỗ này chỗ nọ, cha mẹ cần dạy trẻ biết tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết.

5. Rèn cho trẻ kỹ năng cơ bản để nhanh chóng phát hiện dấu hiệu khả nghi: Hãy lưu ý với trẻ trong quá trình giao tiếp, cần phát huy kỹ năng quan sát những biểu hiện bề ngoài như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của người đối diện để nhận biết có sự nguy hiểm nào rình rập; giữ khoảng cách an toàn hoặc đứng ở nơi đông người để có thể kêu gọi sự giúp đỡ nếu có biểu hiện của sự tấn công, xâm hại.

Trong quá trình sinh hoạt hay học tập, các em nên đi theo nhóm để bảo vệ, giúp đỡ nhau khi gặp tình huống bị người khác dở trò đồi bại.

6. Vẽ đường cho hươu chạy đúng: Luôn gợi mở và gần gũi lắng nghe con để chúng tin tưởng kể ngay với bạn những dấu hiệu của nguy cơ xâm hại tình dục mà bé gặp phải. Phụ huynh phải chủ động khi bàn vấn đề xâm hại tình dục với trẻ và tỏ ra đúng mực, không quá hoảng hốt, tức tối.

Thái độ đó khiến trẻ nhìn vấn đề một cách khoa học hơn, tự nhiên hơn và cũng không quá lo sợ khi hòa nhập vào xã hội.

Thêm vào đó, người lớn phải có thái độ chân thành để giữa trẻ và người lớn có thể có những thảo luận thật sự, không e ngại, cũng không được lãng tránh kiểu “Con mình còn bé không biết có quan tâm đến vấn đề này không? Nói ra chắc gì con đã hiểu”. Đây chính là cách “vẽ đường cho hươu chạy” đúng để tránh hậu quả xấu nhất có thể xảy ra.

Cha mẹ phải luôn có nhận thức đúng đắn, thái độ tích cực và cách hành xử tôn trọng, bình tĩnh tiếp nhận mọi tình huống xảy ra. Sẵn sàng giải quyết bất kỳ vấn đề nào của trẻ là yêu cầu cần thiết cần có trong giáo dục hiểu về giới tính, sức khỏe sinh sản nói chung và trong dạy trẻ cách ứng phó với hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Gây rối - Trật tự - Phá hoại

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast