Quyết định 23 về hỗ trợ lãi suất - Mở cánh cửa tiếp cận nguồn vốn rẻ

(Baohatinh.vn) - Hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định (QĐ) 23 ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh “về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất (HTLS) vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới đã mở cánh cửa rộng hơn cho các mô hình tiếp cận nguồn vốn rẻ. Khi chính sách được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, cơ hội phát triển mới đã đến với số đông hộ SXKD, đặc biệt là các mô hình quy mô nhỏ.

Cơ hội đến với nông hộ

“Phòng Giao dịch Ngân hàng No&PTNT Ba Giang (Ngân hàng No&PTNT Thạch Hà) quản lý 10 xã vùng phía Bắc huyện. Đây đều là những địa phương có nền sản xuất còn nhỏ bé nên mô hình quy mô vừa và lớn chưa nhiều, bởi vậy, việc vay vốn HTLS theo QĐ 26 (ban hành năm 2012) còn hạn chế. QĐ 23 thay thế QĐ 26 với sự điều chỉnh hạ thấp điều kiện về quy mô sản xuất của mô hình và tăng mức HTLS đã giúp nhiều hộ nông dân có cơ hội vay vốn ưu đãi. Vì vậy, hơn 1 năm thực hiện QĐ 23, doanh số cho vay HTLS của Phòng Giao dịch đạt 34 tỷ đồng, cao hơn con số 30 tỷ đồng doanh số cho vay trong hơn 2 năm thực hiện QĐ 26” - Giám đốc Phòng Giao dịch Agribank Ba Giang - Trương Quang Trung cho biết.

Trên chiếc xe máy cũ, lão luyện bươn đến từng ngõ xóm, những khu vực quy hoạch sản xuất giao thông chưa thuận lợi, Giám đốc Agribank Ba Giang đưa tôi đi thăm những mô hình được tiếp cận QĐ 23 từ gần 1 năm nay. Theo anh Trung, từ khi QĐ 23 được triển khai, các mô hình sản xuất nhỏ với quy mô 5 con trâu, bò hoặc 20 con lợn ở Thạch Ngọc được vay vốn HTLS rất nhiều. Dư nợ HTLS ở địa phương này hiện đã đạt 6 tỷ đồng với 83 hộ vay.

Quyết định 23 về hỗ trợ lãi suất - Mở cánh cửa tiếp cận nguồn vốn rẻ ảnh 1

Bên cạnh chủ công là Ngân hàng nông nghiệp, các ngân hàng thương mại khác cũng đã đầu tư cho các mô hình sản xuất trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: BIDV Hà Tĩnh đầu tư vốn cho trang trại chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Bình, xã Thạch Tiến - Thạch Hà).

Gia trại chăn nuôi quy mô 50 con lợn/lứa của ông chủ trẻ Trần Hữu Nam (xóm Đông Châu - Thạch Ngọc) đã thu hoạch được 2 lứa đầu và đang triển khai đợt nuôi mới. Đàn bò cũng đã được nhân lên 6 con, cùng với chăn nuôi gia cầm đang từng bước khẳng định hiệu quả trên vùng sản xuất tập trung của địa phương.

“Tuổi trẻ lập nghiệp, dù rất khát khao làm giàu nhưng từ điểm xuất phát thấp, làm gì cũng phải căn cơ tính toán. Khi được biết chính sách HTLS đã có sự điều chỉnh mới, đặt biệt, số lãi hỗ trợ cao hơn, tôi mới dám quyết vay 150 triệu đồng để mở mang cơ ngơi sản xuất này. Ngân hàng đến tận nhà để tư vấn, hướng dẫn; địa phương theo sát thẩm định, hỗ trợ, nhờ đó, việc vay vốn rẻ rất thuận lợi” - anh Nam cho biết.

Còn với Tổ hợp tác Thanh niên trồng nấm ở xóm Quý Hải thì “với 200 triệu đồng vay vốn theo QĐ 23, chúng tôi đã xây dựng được cơ sở sản xuất với quy mô 8.000 bịch/vụ, mỗi năm làm 2 vụ. Cùng với mở rộng chăn nuôi gà hơn 2.000 con/lứa, mỗi năm 3-4 lứa, chúng tôi đã có việc làm thường xuyên với lợi nhuận thu được trên 400 triệu đồng/năm” - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nguyễn Công Vương cho biết.

Chính sách đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Đây là lời đúc kết của các ngân hàng trong hơn 1 năm thực hiện QĐ 23 của UBND tỉnh. Sau 2 lần sửa đổi, điều chỉnh, chính sách HTLS đã đến với các hộ sản xuất quy mô ở nhiều địa phương. Theo thống kê từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay, trên địa bàn có 4 ngân hàng thương mại và 22 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có hoạt động cho vay HTLS theo QĐ 23.

Kể từ 1/6/2014 (QĐ 23 có hiệu lực) đến 30/6/2015, doanh số giải ngân đạt trên 1.000 tỷ đồng với 9.912 lượt khách hàng được HTLS; trung bình doanh số cho vay theo QĐ 23 đạt 89,14 tỷ đồng/tháng, gấp 2,82 lần doanh số cho vay bình quân tháng của các quyết định HTLS trước đó. Sự điều chỉnh phù hợp đã đưa số hộ được vay vốn rẻ để phát triển sản xuất tăng khá nhanh. Đến cuối tháng 6/2015, toàn tỉnh đã có 23.316 lượt khách hàng được HTLS với số lãi tiền vay phải hỗ trợ 90,67 tỷ đồng.

Tại Agribank Hà Tĩnh - đơn vị chủ lực thực hiện cho vay HTLS, ngay sau khi QĐ 23 được triển khai, các ngân hàng cấp huyện đã tiếp tục nắm bắt cơ hội mở rộng đầu tư tín dụng. Giám đốc Agribank tỉnh Nguyễn Thị Diên cho biết: “Chính sách được điều chỉnh vừa mở rộng điều kiện cho các hộ sản xuất nhỏ, vừa tăng tiền lãi hỗ trợ cho người vay. Với sự ưu đãi lớn này, phần lớn các hộ vay vốn phát triển các mô hình sản xuất ở Agribank đều có thể tiếp cận chính sách. Cùng đó, QĐ 23 cũng quy định chặt chẽ về việc tăng trách nhiệm của chính quyền cấp xã, vì vậy, ngân hàng có được sự đồng hành của chính quyền trong suốt quá trình thẩm định, xác nhận đối tượng và kiểm tra sử dụng nguồn vốn. Ban Giám đốc Agribank Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo, đánh giá, tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện cho vay”.

Được biết, qua khảo sát của Agribank, doanh số cho vay và số khách hàng vay HTLS bình quân hàng tháng theo QĐ 23 đều tăng rất nhanh. Nếu như QĐ 26 có doanh số cho vay bình quân hàng tháng đạt 43 tỷ đồng và số khách hàng đạt trên 500 người, thì theo QĐ 23 lần lượt là 67 tỷ đồng và trên 600 người/tháng.

Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, công tác cho vay theo QĐ 23 chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc. Với mức hỗ trợ cao 50% và 70% lãi suất cho vay trong hạn của tổ chức tín dụng, QĐ 23 đã góp phần giúp người dân giảm chi phí lãi vay, mạnh dạn vay vốn để phát triển SXKD trên địa bàn 235 xã, từ đó, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Thông tin từ các tổ chức tín dụng, các ngành và thành phần kinh tế cũng khẳng định, QĐ 23 ra đời phù hợp và thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách, Ngân hàng Nhà nước tỉnh - đơn vị đi đầu tham mưu UBND tỉnh trong thực hiện các quyết định HTLS cho rằng, hiện nay, không cần bổ sung, sửa đổi QĐ 23 và thời gian thực hiện chính sách này phụ thuộc vào nguồn ngân sách tỉnh dành cho việc hỗ trợ tiền lãi cho các đối tượng SXKD trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast