Tình trong đạn lửa

(Baohatinh.vn) - Ba chúng tôi chia nhau mỗi đứa một ô, dọc ngang, cứ thế mà tìm. Tôi tỉ mẩn, thậm chí, còn cẩn thận xem lại ô đã chia cho hai ông bạn. Hy vọng tìm thấy tên em. Những ngôi mộ trầm mặc, tề chỉnh như một đoàn quân trong ngày duyệt binh.

Gió thổi u u làm những bó hương chốc chốc lóe sáng. Không gian tĩnh lặng, thi thoảng mới có một cánh chim bay vụt qua rồi rơi vào thinh không. Mùi hoa cúc hăng hắc, quyện với khói nhang như đặc quánh không gian.

Tôi cố tìm tên em và những đồng đội của mình, những cái tên quen thuộc mà không thấy. Không biết gia đình đã đưa các em về quê? Hay các em đã vĩnh viễn nằm lại đất Quảng Trị như trăm ngàn liệt sỹ khác? Thấy tôi cứ tần ngần bên những ngôi mộ, Quang và Liêm, hai người bạn cùng đi nói với tôi: “Thôi Mậu ạ, chúng ta đã tìm rất kỹ nhưng không thấy, chắc gia đình đã đưa các bạn về quê. Ta vào hỏi ban quản trang, may ra sẽ rõ”.

Tình trong đạn lửa ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Tôi cố nán lại một lúc lâu sau khi Quang và Liêm đã rời nghĩa trang. Chiều tà, nắng tháng bảy lẩn khuất trên hàng cây. Một chiếc lá vàng to, chao một vòng cung rồi sa xuống đậu lên vai ngôi mộ trước mặt. Tôi giật mình nhìn dòng tên trên mộ chí rồi lặng lẽ bước ra.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày nghỉ hưu, tôi mới có dịp cùng đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Nơi đạn bom khốc liệt vẫn ân tình. Tôi không còn nhận ra Bến Than, nơi đơn vị tôi đã trụ bám, nơi em và các bạn tôi đã vĩnh viễn nằm lại. Rừng Trường Sơn bạt ngàn, thời gian đã xóa đi dấu vết của một thời.

Mùa hè năm 1972, đơn vị chúng tôi đang ở miền Tây được lệnh hành quân sang Đông để mở đường, chuẩn bị cho tổng tiến công. Tôi đang ở cơ quan, được điều xuống phụ trách một đơn vị công binh thuộc Binh trạm 12 - Đoàn 559. Đơn vị tôi được giao chốt giữ tuyến đường vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, trọng điểm là Bến Than. Gọi là bến nhưng ở đây dòng Hiền Lương chỉ rộng hơn chục mét, về mùa khô, nước chỉ ngang đầu gối. Rừng già bạt ngàn, cả ngày không có ánh nắng. Muỗi như trấu. Từng đàn vắt lúc nhúc, ngọ nguậy trên lớp lá mục chỉ chờ có hơi người là lao đến chui vô ống quần, có những con gan góc leo lên bụng. Đoạn đường đơn vị chúng tôi phụ trách, bom Mỹ đã cày xới nhiều lần. Cây cối xác xơ, hố bom chồng chất, đất nham nhở và lở loét, thiếu thốn trăm bề.

Tại đây, ngay cung đường này, tôi đã gặp em.

Em tên Chội. Dáng cao, chân tay săn chắc, trong bộ quân phục màu cỏ úa trông Chội như một đấng nam nhi. Bù lại, thượng đế cho em nước da trắng hồng, mịn màng. Khuôn mặt khá xinh, đôi mắt ướt, thường hay nhìn xuống. Sau này, biết em quê ở Phú Thọ. Bạn bè thường gọi là “cái Chội”, còn chúng tôi hay đùa em là “cái Chổi”. Cũng bởi có sức khỏe và tính hay lam hay làm nên ngay khi mới về đại đội, em được biên chế về tiểu đội nuôi quân, sau đó, được giao làm tiểu đội trưởng thay anh Hoan mới được điều lên tiểu đoàn bộ.

Kỷ niệm đầu tiên với em, đó là lần đi kiểm tra tuyến về. Gặp em hai tay xách hai thùng nước từ dưới suối lên, loại thùng đựng bột cá có đóng thêm hai cái cầu bằng gỗ, dễ nặng đến 30 kg. Đường hẹp, vô tình em đẩy tôi suýt ngã, khẩu AK văng xuống đất. Tôi bực lắm, sắp cáu nhưng nhìn em mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm vai áo, mấy sợi tóc loăn xoăn dính bết vào trán, hơi thở dồn dập, tôi không nỡ trách. Chội dừng lại nhìn tôi, cười xin lỗi rồi lặng lẽ bước tiếp. Sườn đồi dốc, muốn nghỉ cũng không có chỗ đặt thùng. Tôi nửa muốn trách em, nửa muốn xách hộ em một thùng nước. Nhưng em đã phăm phăm bước, từng giọt nước sóng sánh theo bước chân.

Sau lần gặp em, tôi bị sốt rét ác tính. Hôm đó, ở chốt về, đang đi thấy rùng mình, ớn lạnh rồi run cầm cập, hai hàm răng va vào nhau. Tôi biết mình đã lên cơn sốt, cố lê về lán (lán chúng tôi là những căn hầm đào sâu chừng 80 phân, trên che tăng, dưới lát bằng những mảnh vỏ thùng đạn pháo 130 ly). Tôi để nguyên quần áo, giày cao cổ, chỉ kịp vứt khẩu AK sang một bên và nằm vật xuống. Trong cơn mê, tôi vẫn nghe tiếng máy bay F4, F105 gầm thét, tiếng OV 10 lượn vè vè, lẫn trong tiếng người nói lao xao. Tôi nằm li bì, mặc cho Thuận kéo quần, tiêm… mông mà chẳng biết gì. Tỉnh dậy, người đầu tiên tôi nhận ra là Chội. Cũng những sợi tóc loăn xoăn dính bết vào trán, mồ hôi nhễ nhại, tay bưng ăng-gô cháo thịt hộp còn bốc hơi nóng hổi. Em nhoẻn nụ cười, đặt ăng-gô cháo lên mặt thùng đạn rồi nhẹ nhàng nâng đầu tôi tựa vào ngực. Cẩn thận, em quàng tay nâng bát cháo, một tay cầm thìa bón cho tôi. Tôi oẹ ngay khi em mới đưa thìa cháo đầu tiên vào miệng. Trong khi li bì như vậy, tôi vẫn nhận thấy khuôn mặt em tái dại, hốt hoảng. Em nhìn tôi, sợ hãi rồi bật khóc. Nước mắt em rỏ xuống mặt tôi nóng hổi.

Thuận đến mang cho tôi mấy viên tăng lực và giải thích, người bị sốt rét ác tính chúa sợ thịt hộp, chỉ nên uống sữa và ăn canh càng tốt. Nhưng đào đâu ra rau xanh bây giờ. Vùng này món rau quen thuộc đối với chúng tôi chỉ có rau tàu bay vừa đắng, vừa hôi và môn thục. Nhưng để có một nồi canh cho đại đội, Chội cùng chị em nuôi quân phải lần theo dòng suối tìm môn thục hoặc đến những bãi bom cũ tìm rau tàu bay có người giẫm phải mìn lá đứt bàn chân.

Từ đó, cứ mỗi bữa cơm, thế nào Chội cũng cố kiếm cho tôi được bát canh, khi thì rau tàu bay, khi thì môn thục. Có hôm không tìm được rau, em phải qua bên kia suối tìm đơn vị bạn để xin. Em nhìn tôi ăn và tập đi từng bước mà mặt mày rạng rỡ. Tranh thủ những lúc rỗi rãi, Chội thường đến tập cho tôi đi. Tôi bỏ gậy để em dìu từng bước như đứa trẻ lên hai. Có lần đang đi, tôi bỗng nhiên choáng váng, mắt hoa lên chực ngã. Chội hốt hoảng đỡ lấy tôi. Trong phút chốc, hơi ấm của em truyền sang tôi. Da thịt người con gái làm tôi ngây ngất. Mái tóc em dày mượt, thoang thoảng mùi hương bồ kết. Đây là lần đầu tiên tôi gần gũi một người con gái, nhưng lại trong tình trạng ốm đau dặt dẹo. Tôi biết Chội thương tôi, nhưng giữa chúng tôi như có một sợi dây vô hình ngăn cách.

Đơn vị chúng tôi nằm ngay túi bom. Địch đánh hơi biết Bến Than là trọng điểm của tuyến đường nên chúng vãi bom như trấu. Hết máy bay lại pháo ở Cửa Việt bắn lên, có hôm, mấy chị em Chội đi kiếm rau về thì gặp pháo bắn vào đội hình, may kịp lăn xuống mấy căn hầm cũ nên không ai bị dính.

Thế nhưng, Chội không chết vì bom đạn mà vì một cơn sốt rét ác tính, điều không ai ngờ tới. Tôi nhớ hôm đó, vào một buổi trưa hè như đổ lửa, không khí quanh tôi đặc quánh. Cây cối bị bom Mỹ thiêu trụi càng thêm oi nồng. Tôi đang ở đài quan sát thì nghe tin Chội mất. Tôi luống cuống đánh rơi ống nhòm, hốt hoảng chạy về, hai ống quần rách bươm, bám đầy bùn đất. Trước mắt tôi, em nằm, mắt nhằm nghiền, da tái xanh. Bộ quân phục chưa kịp thay, nhàu nát và lấm lem dầu mỡ. Tôi cứ nắm cổ áo Thuận mà lắc, tại sao lại để Chội chết thế này. Rồi trân trân nhìn em, không kìm được nước mắt. Chiên, Nụ, Lan và mấy cô bạn nức nở, òa lên.

Chội ơi! Những bát cháo em nấu. Những bát canh rau tàu bay mà em cùng đồng đội lặn lội suýt mất mạng để mang về cho anh. Những giọt nước mắt em rơi lên mặt anh còn bỏng rát. Đôi bàn tay xinh xắn ngày nào còn thoăn thoắt xào nấu, xới cơm, nay duỗi thẳng, những đường gân xanh nổi li ti. Tôi đã từng muốn nắm bàn tay ấy mà không dám. Bởi kỷ luật nghiêm lắm, cái án “quan hệ nam nữ” nặng lắm, dễ bị khai trừ Đảng như chơi. Tôi chưa vợ nhưng đang là thủ trưởng đơn vị nên không thể bước qua ranh giới. Có đêm vắng tiếng máy bay, thưa tiếng pháo, tôi đã tần ngần trước lán chị em. Trong tôi, diễn ra một sự giằng co giữa tình cảm và trách nhiệm. Sang lán nữ đêm hôm là điều cấm kỵ.

Cuối cùng, tôi lặng lẽ quay về hầm khi cậu liên lạc đã ngủ say. Về nằm, không sao ngủ được. Không biết như thế là mình đã yêu Chội chưa? Hay tình cảm mến thương của trai gái nơi chiến trường bên cạnh cái sự sống chết là như thế. Nhiều lần tôi tự hỏi, tự trả lời. Tôi lúng túng thật sự, không biết làm thế nào khi nghĩ về em. Hình như tôi đã yêu em, vì cứ đi kiểm tra chốt về là muốn gặp em. Vì hễ cứ nhớ mẹ, tôi lại nhớ dáng hình khỏe khoắn, với nét cười tươi tắn của em và cặp mắt luôn nhìn xuống khi gặp tôi.

Sau này, khi đã vợi nỗi đau, Thuận mới kể cho tôi: Chội đang làm bếp thì lên cơn sốt, em đến kiểm tra biết là ác tính nên vừa tiêm cấp cứu, vừa cho người gọi quân y tiểu đoàn xuống, nhưng không kịp. Mọi việc diễn ra quá nhanh. Chội đã chủ quan về sức khỏe của mình nên làm việc quá sức. Đơn vị lặng đi trước sự ra đi đột ngột của em. Ở chiến trường đã quen với việc hy sinh của đồng đội, nhưng cái chết của Chội là một cú sốc đối với mọi người, nhất là tôi.

Sau cái chết của Chội thì một nỗi đau xé lòng lại đến. Bom Mỹ lại đánh vào đơn vị thanh niên xung phong cách đại đội chúng tôi một quả đồi.

Buổi sáng yên ắng, trưa đột nhiên, một loạt B52 xuất hiện, kẻ những đường khói trắng trên không trung. Chúng tôi vừa kịp nhảy xuống hầm đã nghe tiếng bục bục, rào rào. Một loạt bom trùm lên đơn vị thanh niên xung phong, khói chưa tan đã nghe tiếng súng cấp cứu của đơn vị bạn. Tôi cùng Đàn Đại đội trưởng, Tuyên B phó, Làng A trưởng và một số anh em xách súng vọt sang.

Một quả bom sát thương rơi trúng hầm Tiểu đội 1, trong đó, có 5 cô gái nghe nói đều ở Thạch Hà. Tiếng con gái khóc như ri, tiếng gọi nhau í ới. Một cảnh tượng đau lòng. Từng mảng thịt còn rỉ máu, vương trên mặt đất, vắt trên các cành cây, lẫn trong các mảnh vải nát vụn. Anh em kiên nhẫn gom về từng mảnh, cố không để sót một mẩu xương, một mảnh thịt. Vậy mà cũng chẳng còn được bao nhiêu. Chúng tôi chia đều ra 5 phần cho mỗi em trên 5 mảnh ni lông.

Những em gái xinh tươi, khỏe mạnh tuổi mười tám, đôi mươi, cũng trạc tuổi Chội. Hôm kia, gặp chúng tôi còn đùa vui tinh nghịch mà nay chỉ còn lại như thế này đây. Nhìn các em nằm đó, tôi lại quặn thắt nhớ Chội.

Sau chiến dịch 1972, tôi được điều vào đơn vị phía trong. Những cuộc hành quân liên miên. Rồi tổng tiến công thần tốc 1975 cuốn đơn vị chúng tôi đi.

Sau chiến thắng 30/4/1975, tôi mới biết tin đơn vị cũ lại hy sinh hơn chục người, trong đó, có Thuận y tá, người đã cứu tôi qua cơn sốt rét năm 1972.

Rồi tôi được ra quân, nghỉ hưu trong những năm tháng cam go cuối thập niên 80. Cuộc mưu sinh vất vả. Tôi lấy vợ, sinh con, nuôi chúng ăn học trưởng thành. Nỗi nhớ Chội và các bạn tôi vẫn thường đêm hiện lên, xa xót. Cho đến nay, tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa.

Chội ơi! Ân tình trong đạn lửa! Em như cánh lan rừng thơm mát hồn anh rồi vĩnh viễn về chốn hư vô. Thuận ơi! Những viên quy-nin em trao cho anh đến nay vẫn còn vị đắng.

Chội ơi! Thuận ơi! Giờ các em đang ở đâu?

1/7/2015

(Khối Phúc Sơn - thị trấn Nghèn - Can Lộc)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast