Tham gia BHXH hay không thì trách nhiệm làm bố đều như nhau!

(Baohatinh.vn) - Dù đang là nội dung của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) nhưng chính sách chồng được nghỉ thai sản khi vợ sinh con được người lao động đặc biệt quan tâm và nhận khá nhiều ý kiến ủng hộ.

Theo quy định hiện hành, khi lao động nữ sinh con thì chỉ lao động nữ được nghỉ việc theo chế độ thai sản, chưa có quy định lao động nam được nghỉ việc chăm sóc vợ và con. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nên bổ sung quy định trong thời gian vợ sinh con, chồng cũng được nghỉ để có phần trách nhiệm trong việc sinh con của người vợ.

Tham gia BHXH hay không thì trách nhiệm làm bố đều như nhau! ảnh 1

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.

Cụ thể, trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đã bổ sung quy định: Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc, kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con. Đối với trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần. Ngoài ra, lao động nữ sinh con, hoặc người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng tiền lương tối thiểu cho mỗi con. Trường hợp chỉ có chồng tham gia BHXH, vợ không tham gia, khi vợ sinh con thì chồng được trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.

Quy định trên tuy đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp nhưng đã nhận được sự hưởng ứng khá mạnh mẽ của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo đề ra rất nhân văn, nam giới đương nhiên cũng phải được nghỉ thai sản vì đó là con chung. Khi vợ sinh con, chồng cũng vất vả do phải chăm sóc con nhỏ và vợ còn yếu sức sau khi vượt cạn. Nhiều gia đình công nhân, viên chức, không có người thân giúp đỡ, điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ biết dựa vào chồng trong giai đoạn con còn ít tháng; người chồng phải nghỉ phép hoặc vừa đi làm, vừa tranh thủ chăm sóc vợ con, khá vất vả, chật vật. Nội dung trên còn thể hiện quyền bình đẳng giữa nam - nữ trong chế độ BHXH, vì cả lao động nam và nữ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong đóng BHXH.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Hồ Quang Thắng (tổ dân phố 2, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) cho hay: “Tôi đang là nhân viên của một công ty xây dựng, vợ tôi chỉ ở nhà nội trợ. Cả 2 lần vợ sinh nở, tôi đều phải đi công tác, không thể ở bên cạnh chăm sóc vợ con. Nếu có quy định cho chồng nghỉ thai sản để chăm sóc vợ thì quả thật rất nhân văn với những người lao động như chúng tôi”.

Còn chị Dương Thị Trang, công nhân Công ty CP May Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) thì cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, đồng lương hạn hẹp, không dám mơ đến chuyện thuê người giúp việc. Thậm chí, cũng không đón được bà nội, ngoại ở quê ra để chăm sóc vì không có chỗ ăn, ở. Khi vợ sinh con, dù chồng được nghỉ 1 ngày cũng quý chứ nói gì tới 5 hay 7 ngày. Đây là quy định rất nhân văn. Hy vọng, quy định này sẽ sớm được triển khai”.

Trên thực tế, quy định chồng được nghỉ việc trong một thời gian nhất định khi vợ sinh con để cùng vợ chăm sóc con cái và gia đình đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ lâu. Tính đến năm 2013, đã có ít nhất 78 quốc gia quy định hình thức nghỉ phép nhất định dành cho các bậc làm cha khi con mình chào đời. Đó là một sự tiến bộ bởi vào năm 1994, chế độ nghỉ thai sản dành cho nam giới chỉ tồn tại ở 40 quốc gia. Vì vậy, việc có chế độ thai sản cho nam giới ở nước ta thời điểm này không phải là quá sớm và phù hợp với yêu cầu thực tế.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, đa số người lao động không tham gia BHXH đều bày tỏ nên điều chỉnh về đối tượng được hưởng chính sách. Theo nội dung dự thảo, đối tượng được hưởng chế độ thai sản cho nam giới bị bó hẹp trong nhóm nhất định, đó là những người tham gia BHXH. Vì vậy, tính công bằng của chế độ thai sản dường như chưa bảo đảm, khi ở nông thôn, các bà vợ vẫn ít được sự hỗ trợ từ chồng trong quá trình sinh sản, nuôi con nhỏ. Và không hiếm phụ nữ ở thành thị cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi cả vợ lẫn chồng đều là lao động tự do, không tham gia BHXH.

Chính sách cho phép nam giới nghỉ thai sản góp phần hỗ trợ các gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tuy nhiên, nếu chính sách chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng thì sẽ không bình đẳng khi lao động hưởng lương thì được nghỉ, còn lao động khác vẫn đi làm. Gánh nặng trong sinh đẻ, chăm sóc con nhỏ vẫn trút hết lên vai người vợ vì lý do chồng phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Nên chăng, cần có quy định để bảo đảm tính công bằng cho cả nam giới hưởng lương và không hưởng lương khi vợ sinh nở. Bởi, khi vợ sinh con, chồng có hưởng lương hay không, có tham gia BHXH hay không thì trách nhiệm đều như nhau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast