Giáo dục mầm non – nỗi niềm ai tỏ!

Mầm non - bậc học đầu tiên, quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục vốn mang trong mình nhiều bất cập chưa được tháo gỡ. Gần đây, ngành GD-ĐT có văn bản chỉ thị các địa phương triển khai đề án chuyển đổi hệ thống trường mầm non bán công sang công lập, dân lập, tư thục theo quy định của Luật Giáo dục ban hành năm 2005. Với một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh, việc triển khai đề án này đang gây ra nhiều tâm tư với người trong cuộc…

Cường độ lao động cao, thu nhập thấp!

Mới hơn 6h30 sáng, mặc cho cái rét tê tái cuối Đông, ở cổng Trường MN Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) đã thấy lác đác phụ huynh mang con tới gửi. Tuy 7h mới đến giờ làm việc mùa đông, nhưng với một thành phố trẻ, nhiều doanh nghiệp sản xuất vào ca sớm hơn, nhiều phụ huynh là giáo viên dạy ở các vùng phụ cận phải đưa con đến trường sớm cũng là điều dễ hiểu. Kéo theo đó, các giáo viên mầm non thành phố cũng phải đến lớp sớm hơn. Hôm nay, cũng như mọi ngày, 38 giáo viên Trường MN Bắc Hà lại bắt đầu “quay cuồng” bên 518 trẻ.

Giờ chơi của học sinh Trường MN bán công Đồng Lộc (Can Lộc) - Ảnh: V.H.

Giờ chơi của học sinh Trường MN bán công Đồng Lộc (Can Lộc) - Ảnh: V.H.

Ở phòng học lớp mầm 3A, cô giáo Nguyễn Thị Hằng và Trần Thị Hương Sen chạy tới chạy lui chăm sóc gần 40 cháu ăn sáng. Theo mẫu biên chế của ngành, bậc học mầm non mỗi cô giáo chỉ phụ trách trên dưới 10 trẻ, nhưng do nhu cầu của phụ huynh nên ở Trường MN Bắc Hà, sĩ số các lớp đều tăng gấp đôi. “Nhà trường phải hợp đồng thêm một số bảo mẫu nấu ăn và phụ giúp trẻ ăn bán trú, còn các công việc khác đều “trút” lên vai hai giáo viên đứng lớp” - Cô Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp mầm 3A vừa cho lũ trẻ ăn sáng vừa tâm sự với tôi như thế.

8 giờ kém 15, bữa ăn sáng của trẻ hoàn tất, 2 cô giáo phụ trách lớp lật đật đôn đốc các cháu mang giày xuống sân tập thể dục. “Cô ơi, bạn Bống tranh giày của con! - Bống trả dày cho bạn, ngoan nào! – Cô ơi, bạn Tèo cùi chân em ngã! – Tèo, xin lỗi bạn rồi xuống sân tập thể dục! – Cô ơi, cô ơi…”. Cô giáo lại loay hoay đáp ứng mấy chục nhu cầu của bọn trẻ trong cùng một lúc.

"Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ chi của Nhà nước cho giáo dục mầm non hiện nay đạt 39%, gia đình học sinh phải chi trả 61%. Với tỉ lệ này, giáo dục mầm non có mức đóng góp của người học cao nhất trong các bậc học. Ở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ chi của Nhà nước chiếm 87%, người học đóng góp 13%. Đối với giáo dục ĐH, Nhà nước chiếm 63,3% trong tổng chi phí đào tạo, người học chi 36,7%. Với tỉ lệ chi trả chi phí cho từng bậc học kể trên, giáo dục mầm non ở VN đang được Nhà nước chi thấp hơn so với bình quân của nhóm nước mới phát triển (nhà nước chi 66%) và các nước phát triển (nhà nước chi 80%)".

Không chỉ ở thành phố, với Trường MN bán công Hoa Hồng - thị trấn Can Lộc, tình cảnh cũng tương tự. Cô giáo Đặng Thị Minh Châu, giáo viên chủ nhiệm lớp mầm 4 tuổi, cho biết: Mỗi lớp học ở đây sĩ số đều tăng gần gấp đôi so với quy định do thiếu lớp, thiếu giáo viên. Mỗi cô giáo “kham” hơn 15 trẻ, phải chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo từng cháu, từ hướng dẫn trẻ tập thể dục, rồi cho trẻ ăn bán trú, vệ sinh, tổ chức sinh hoạt chung, hoạt động ngoài trời, thư viện…

Hơn 10 giờ sáng, không khí chuẩn bị bữa ăn trưa của trẻ ở Trường MN Hoa Hồng đã nhộn nhịp hẳn. Phải lo sớm như vậy vì các lớp đều có sĩ số đông gần gấp đôi trong khi “định biên” cho mỗi lớp không tăng. Cầm chiếc muỗng chan canh cho trẻ, cô giáo Minh Châu tất tả chạy thoăn thoắt hết bàn này sang bàn khác đút cho các cháu. “Nhiều cháu mình không đút thì cứ ngậm không chịu nuốt, cực nhưng không thể buông xuôi.” - cô Minh bộc bạch. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ thử làm “bảo mẫu”, lên lớp cùng trẻ chưa được bao lâu mà đầu óc của tôi bắt đầu quay cuồng, hoa mắt.

“Thời gian lên lớp của giáo viên MN không như các bậc học khác. Các cô phải có mặt từ đầu giờ sáng, trưa phải ngủ lại trường cùng trẻ, đến hết giờ làm việc buổi chiều mới được về. Đó là chưa kể đến chuyện phụ huynh có việc đột xuất đến đón trẻ muộn, cô lại phải “trụ” với trẻ. Mà điều này hầu như ngày nào cũng xẩy ra” – cô Nguyễn Thuý Mai, Hiệu phó Trường MN Bắc Hà tâm sự.

Thế nhưng, thu nhập của giáo viên mầm non lại rất thấp. Mặc dù sĩ số các lớp đều tăng gần gấp đôi, nhưng mức lương của giáo viên MN Bắc Hà cũng chỉ đạt trung bình 1,2 triệu đồng/tháng. Đây là một cố gắng lớn của ngành và địa phương nhưng so với mức sống hiện nay quả đời sống giáo viên mầm non còn nhiều thiếu thốn (mức lương bình quân ở các địa phương trong tỉnh phổ biến từ 650-950 ngàn đồng/người/tháng).

Một đề án, nhiều tâm tư!

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thuý Mai cho biết, Trường MN Bắc Hà có 38 cán bộ, giáo viên, có 10 người thuộc biên chế công chức Nhà nước, còn lại là hợp đồng đóng bảo hiểm và hợp đồng ngắn hạn. 100% giáo viên của trường đạt chuẩn, trong đó có hơn 55% trên chuẩn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi từ trường bán công sang công lập, dân lập hoặc tư thục, theo tiêu chuẩn quy định, Trường MN Bắc Hà không nằm trong diện được chuyển sang hệ công lập.

Ngày đầu tiên đến lớp - Ảnh: Minh Huệ.

Ngày đầu tiên đến lớp - Ảnh: Minh Huệ.

Điều này đang ít nhiều tác động đến tâm tư của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là những người thuộc diện biên chế Nhà nước. “Nhiều giáo viên đang tính tới phương án chuyển nghề, về nhà chạy chợ nếu như trường chuyển sang hệ dân lập hoặc tư thục” – Cô Mai bộc bạch.

Không riêng gì cô Mai, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Can Lộc Nguyễn Thị Hải Lý cũng không mấy lạc quan: “Can Lộc là huyện thuần nông, đời sống của người dân đang còn nhiều khó khăn. Trong khi chúng ta thực hiện hệ mầm non bán công, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp chưa thật vững chắc, nếu thực hiện đề án chuyển đổi, với các trường đủ tiêu chuẩn chuyển sang hệ công lập sẽ gặp nhiều thuận lợi, còn phần lớn các trường chuyển sang hệ dân lập hoặc tư thục sẽ rất khó khăn trong việc huy động trẻ đến lớp”.

Cô Lý cho biết thêm, Can Lộc hiện có 24 trường MN, trong đó có 10 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động nhóm trẻ đạt 23,1% và nhóm mẫu giáo đạt 93,3%. Theo hướng dẫn của trên, chỉ có các trường thuộc các xã hoặc có thôn, bản đặc biệt khó khăn mới được chuyển sang công lập, còn lại chuyển sang dân lập hoặc tư thục. Căn cứ tiêu chuẩn này, huyện Can Lộc xác định lộ trình chuyển đổi trong năm 2010 cho 8 trường thuộc 8 xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ giáo dân cao sang hệ công lập; còn lại đề nghị chuyển đổi sang dân lập, tư thục theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT và UBND tỉnh Hà Tĩnh. Thực tế đây đang là một bài toán khó chưa có lời giải.

Qua kiểm tra, có 72% giáo viên mầm non đủ tiêu chuẩn về sư phạm, trong khi có nhiều cơ sở mầm non tư thục chưa được cấp phép, giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn. Thực trạng 30% học sinh ở độ tuổi 3 - 4 tuổi không được đến trường là vấn đề mà ngành giáo dục rất bức xúc… Việc quản lý bậc mầm non thuộc trách nhiệm các tỉnh, địa phương, trong đó UBND các huyện, xã quyết định trực tiếp việc thành lập cũng như giám sát chất lượng. Trong khi đó, nguồn nhân lực này ở địa phương hiện vẫn quá mỏng, thực tế là các cán bộ, nhân lực cấp xã phải kiêm nhiệm quá nhiều việc nên không đủ sức giám sát.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT NGUYỄN THIỆN NHÂN trả lời chấn vấn tại kỳ họp thứ 5, QH khoá XII

Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Hồng Vân – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết, quan điểm chung của ngành GD-ĐT là chuyển bậc học MN không còn trường bán công, tuy nhiên, về lộ trình và hình thức chuyển đổi cơ bản do từng địa phương xác định. Sở dĩ Bộ và tỉnh có “cơ chế mở” bởi điều kiện kinh tế-xã hội mỗi địa phương khác nhau, trong khi đó, theo chủ trương của Nhà nước, bậc học MN cơ bản do các địa phương tự quyết định. Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 278 trường MN, trong đó có 44 trường công lập, 2 trường tư thục, còn lại là trường bán công. “Với Hà Tĩnh, nếu tỷ lệ trường MN tư thục và dân lập cao, chắc chắn tỷ lệ huy động trẻ đến lớp sẽ rất thấp” – bà Vân khẳng định.

Từ quan điểm đó, trong quý I-2010, ngành GD-ĐT Hà Tĩnh thực hiện chuyển 28 trường MN thuộc các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 106 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp đến hoàn thiện hồ sơ chuyển 30 trường thuộc địa bàn 113 (các xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn) sang hệ công lập trong năm 2010.

Mục tiêu của ngành GD-ĐT Hà Tĩnh phấn đấu chuyển sang hệ công lập trên dưới 70% số trường MN, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc chuyển nhượng trường MN tư thục ở các địa bàn có điều kiện. Ngành cũng sẽ chỉ đạo mỗi huyện, thị, thành chọn các trường điểm chuyển sang hệ công lập tự chủ tài chính làm điểm nâng cao chất lượng dạy học cho bậc học MN.

Tháng 01-2010

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast