66 mùa xuân theo Đảng

(Baohatinh.vn) - Cuộc trò chuyện thi thoảng chùng lại... Tôi gần như không nghe ông nói về bản thân mà kể nhiều về mảnh đất huyền thoại, về tinh thần anh dũng của nhân dân. Trong từng câu chuyện, tôi cảm nhận được một trí tuệ tinh anh, một tinh thần trách nhiệm cao cả, một trái tim nhiệt huyết với quê hương. Ông là Nguyễn Nhạ - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc (Can Lộc) thời kỳ 1965-1979.

Con đường bê tông như dài thêm giữa chiều đông hun hút gió, một lối nhỏ dẫn vào nhà của vợ chồng ông Nguyễn Nhạ. Nghe tiếng người, bà Nhạ chống gậy bước ra đon đả. Ông ngồi gần đấy. Tuổi già khiến ông không nhận ra tiếng bước chân cùng lời chào của chúng tôi...

Nguyễn Nhạ sinh tại xã Đồng Lộc, vào mùa xuân 1930, mùa xuân lịch sử mà Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dường như sự trùng hợp ấy đã khiến con người này cả đời đi theo Đảng. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Nhạ đã sớm được học tập, giác ngộ. Tháng 10/1949, chàng thanh niên 19 tuổi chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia sôi nổi các hoạt động ở địa phương.

66 mùa xuân theo Đảng ảnh 1

Trong từng câu chuyện, tôi cảm nhận được một trí tuệ tinh anh, một tinh thần trách nhiệm cao cả, một trái tim nhiệt huyết với quê hương của ông Nguyễn Nhạ. (Trong ảnh: Vợ chồng ông Nguyễn Nhạ)

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1950), nhân dân xã Nga Khê (tên gọi trước đây của xã Đồng Lộc) dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng đã hăng hái thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến. Tháng 6/1948, cũng như bao thanh niên khác, Nguyễn Nhạ ghi tên mình vào lực lượng dân quân. Từ những năm 1951-1954, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang thời kỳ tích cực chuẩn bị tổng phản công. “Trong 4 năm đó, năm mô cũng có đợt huy động dân công hỏa tuyến. Tôi tham gia 2 đợt tại chiến trường Việt Bắc năm 1952 và cán bộ C đi mặt trận Trung Lào năm 1953. Nhiều thanh niên đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, còn nhân dân xã Cẩm Trà (sau tên gọi Nga Khê) vẫn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng làng kháng chiến, phát triển sản xuất” - ông Nhạ cho biết.

Ngày 10/4/1965, máy bay Mỹ lần đầu tiên đánh phá cầu Tùng Cóc trên tỉnh lộ số 2 (nay là quốc lộ 15A) mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại trên địa bàn xã Đồng Lộc. Lúc bấy giờ, Nguyễn Nhạ được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc. Người cán bộ già nhớ lại: “Nhằm vào huyết mạch chi viện cho tiền tuyến, giặc Mỹ đánh phá xã nhà ác liệt, đặc biệt là từ tháng 5/1968. Để chủ động phòng tránh, Đảng ủy xã phải tiến hành 5 đợt sơ tán giãn dân vào núi, rừng và về xã Vĩnh Lộc. Ban ngày, dân quân và thanh niên vẫn bảo vệ làng xóm, bám đồng sản xuất, bám trận địa để đảm bảo giao thông vận tải. Toàn dân luôn nêu cao tinh thần dù phải hy sinh cũng bảo vệ bằng được mạch máu giao thông”.

Đảm nhiệm trọng trách lớn trên trận địa ác liệt, Nguyễn Nhạ luôn gần gũi nhân dân, đôn đốc mọi công việc, cùng đánh thắng giặc Mỹ. Những năm khó khăn đó, nông nghiệp xã nhà vẫn đạt kết quả đáng khích lệ, sản lượng lúa toàn xã năm 1968 tăng 15% so với năm 1965; công tác xây dựng Đảng, giáo dục, hoạt động văn hóa - xã hội được duy trì và phát triển. Nói đến các hoạt động nổi bật, ông Nhạ hồ hởi khoe: Đồng Lộc là xã được báo cáo điển hình tại Đại hội “Hai giỏi” toàn tỉnh tổ chức ở Hương Sơn năm 1969; các phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Hai tốt” của giáo viên và học sinh, “Quyết thắng” của dân quân và công an cũng được nhân dân quê ông hưởng ứng tích cực.

Vinh dự đặc biệt khi ngày 24/2/1969, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đảng về thăm và mang theo món quà Bác Hồ tặng xã nhà. Lần ấy, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Nhạ và Chủ tịch UBND xã Đinh Sỹ Lộc được trực tiếp nhận quà tại lễ đón tiếp. Lời căn dặn và những món quà của Bác Hồ ngày ấy như tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân xã nhà hăng hái chiến đấu, lao động sản xuất. Đảm đương trọng trách nặng nề trong giai đoạn đạn bom ác liệt, sự hy sinh, tận tụy của những người cán bộ nhiệt huyết, tin yêu theo Đảng như ông Nguyễn Nhạ thật đáng khâm phục và trân trọng.

Trong câu chuyện, rất hiếm khi ông nói về bản thân mà chỉ sôi nổi nói về ngã ba huyền thoại một thời, về hy sinh mất mát của nhân dân. Một trái tim tâm huyết với Đảng, với cách mạng, âu cũng là điều dễ hiểu. Rất lâu sau, bà Nhạ mới trải lòng: “Ông nhà tui rứa đó, nói đến công việc là không ngớt. Tui với ông lấy nhau 4 năm mới có con. Ông đi làm suốt, có đợt, tôi tưởng không về nhà nữa. Việc gia đình, đồng áng, chăm con, một mình tui gánh vác”.

Bà còn cho hay, tuy suốt đời hy sinh, tận tụy, thế nhưng, đến tuổi nghỉ ngơi thì ông lại ốm đau luôn, gia đình cũng khó khăn. Tôi im lặng, đặt nhẹ tay lên đôi vai gầy, hiểu rằng, ông thành công trong công việc cũng bởi có đôi vai ấy gánh vác việc gia đình.

---------------------

(Bài viết có tham khảo và sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Lộc 1930-2009”, Nhà xuất bản VHTT, năm 2009).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast