“Ngày đó, chúng tôi không sợ hy sinh...”

(Baohatinh.vn) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 đi vào lịch sử dân tộc ta như một bản anh hùng ca sáng chói. Những người lính Hà Tĩnh năm xưa tham gia chiến dịch đến bây giờ đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhớ về những ngày ấy, ký ức lại rưng rưng: “Ngày đó, chúng tôi không sợ hy sinh”!

Bản hùng ca bất diệt…

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Phan Đăng Thuận (xã Xuân Lộc - Can Lộc) từng công tác tại Đại đội 18, Trung đoàn 38, Sư đoàn 324 vẫn không thể nào quên một thời kỳ oanh liệt. Ánh mắt ông Thuận còn nguyên nét tự hào khi kể lại sự kiện năm ấy. Trong chiến dịch Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, Huế là một trong 3 chiến trường đô thị trọng điểm để thực hiện tiến công chiến lược bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Vũ khí được quân và dân ta bí mật đưa vào nội thành bằng xe lam, theo các gánh hàng trái cây hoặc giấu dưới những chiếc thuyền 2 đáy.

ngay do chung toi khong so hy sinh

Ông Phan Đăng Thuận

“Đại đội chúng tôi được chia thành 3 mũi trinh sát, 2 mũi tiếp cận bám sát địa bàn, hoạt động trong lòng TP Huế, nắm các mục tiêu quan trọng của địch, phối hợp với đặc công chủ lực của Quân khu 5 tấn công địch. Mũi trinh sát còn lại gồm tôi và 4 đồng chí nữa thăm dò cầu Trường Tiền để tiến hành đặt mìn, bom chiếm lĩnh trận địa” - ông Thuận hào hứng kể lại.

Đêm 30 tết Mậu Thân, bộ đội ta từ khắp nơi đồng loạt tấn công địch ở cả cánh Nam, cánh Bắc TP Huế, nhanh chóng chiếm giữ các mục tiêu quan trọng khiến địch bất ngờ. “Bên cầu Trường Tiền, ta với địch đánh giáp lá cà, trận đánh diễn ra rất ác liệt, đạn bay vù vù trên đầu nhưng anh em không hề nao núng, vẫn cầm chắc tay súng chiến đấu đến cùng”.

Ngồi trước thềm nhà, uống ly nước chè nóng, ông Phan Đăng Linh (xã Xuân Lộc) từng là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 24 được giao nhiệm vụ đánh vào phía Bắc Kon Tum, đặc biệt là sân bay TX Kon Tum, căn cứ quan trọng của địch, bồi hồi kể: “Sáng 30 tết năm đó, sau khi quán triệt nhiệm vụ, cán bộ và chiến sĩ tuyên thệ trước cờ Tổ quốc, quyết tâm chiến đấu, thực hiện trọn vẹn lời thơ chúc tết của Bác Hồ kính yêu”.

Đêm 30 tết, trời tối đen như mực, mưa phùn, gió rét, lại phải xuyên rừng, người trước bám người sau, tiến vào mục tiêu, tự nhủ với lòng phải cố gắng lên vì Tổ quốc đang chờ. “Đến 23h30’, đơn vị đã bám sát mục tiêu tấn công, cách sân bay 300m mà bọn địch không hề hay biết. Sau đó, quân địch tổ chức lực lượng phản công lại nên trận chiến giữa ta và địch diễn ra ác liệt, giành giật từng lô cốt. Bộ đội ta, người này ngã xuống, người khác xông lên tiêu diệt địch, còn người, còn vũ khí là còn chiến đấu, gan dạ bám trụ đến cùng” - ông Linh mắt sáng lên, giọng run run vừa kể, vừa vẽ lên bàn trận địa của quân ta.

Trăn trở nghĩa tình đồng đội…

Ông Phan Đăng Thuận nghẹn giọng, rưng rưng nước mắt nhớ lại: “Tôi còn nhớ mãi người anh cùng quê tên Đệ, trong khi chiến đấu dù bị thương rất nặng nhưng vẫn băng bó tạm, tiếp tục chiến đấu. Anh hy sinh nhưng chúng tôi không thể đưa anh về an táng bởi cuộc chiến đấu quá ác liệt, đạn pháo của địch liên tục nã sang bên phía quân ta”.

Những năm tháng chiến đấu trên đất Cố đô đã khiến ông Thuận có tình cảm sâu nặng với mảnh đất này. Đây chính là quê hương thứ hai, để lại trong ông nhiều kỷ niệm mà suốt cuộc đời không thể nào quên. Chiến tranh kết thúc, hòa bình về khắp mọi miền của Tổ quốc, nhưng các ông vẫn còn đó những trăn trở: “Có quá nhiều đồng đội hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Nhiều anh em vẫn tiếp tục tìm kiếm để đưa các anh về. Đó cũng là ước nguyện của chúng tôi cho đến khi về nơi chín suối”.

Chủ đề MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast