Hương Khê "nóng" chuyện đất rừng (Bài 1): Lấn chiếm khắp nơi

(Baohatinh.vn) - Hương Khê đang là huyện “nóng” nhất tỉnh về tình trạng rừng và đất rừng bị lấn chiếm. Theo báo cáo từ Hạt Kiểm lâm Hương Khê, hiện nay, trên địa bàn huyện có ít nhất 282 ha rừng và đất rừng bị lấn chiếm. Thế nhưng, theo điều tra của chúng tôi, số liệu đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”!

Từ rừng nhà nước…

Trên địa bàn huyện Hương Khê hiện có rừng của 5 tổ chức nhà nước là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, Công ty TNHH Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Ngàn Sâu và BQL RPH Sông Tiêm.

Rừng của Công ty Cao su bị lấn chiếm ở Hòa Hải
Rừng của Công ty Cao su bị lấn chiếm ở Hòa Hải

Những năm gần đây, khi kinh tế rừng đem lại hiệu quả khá cao, tình trạng người dân xâm lấn, xâm chiếm đất rừng của các tổ chức này cũng ngày càng phức tạp hơn. Có thể nói, gần như rừng và đất rừng của 100% tổ chức này ít nhiều đều bị người dân lấn chiếm, cả rừng sản xuất cũng như rừng phòng hộ.

Nhức nhối nhất trong số các chủ rừng nhà nước bị xâm chiếm đất là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Đến thời điểm hiện tại, Công ty này có khoảng 250 ha rừng bị lấn chiếm, trong đó, gần 210 ha đã bị người dân sử dụng để trồng keo. Riêng tại tiểu khu 192 thuộc địa bàn xã Hòa Hải, năm 2012 và 2013, một bộ phận người dân địa phương đã chiếm dụng 170 ha, trong số đó đã tổ chức trồng keo trên 165 ha. Diện tích rừng này, trước đây xã có chủ trương giao đất nhưng dân không nhận; thế nhưng, đến khi Công ty Cao su Hương Khê thuê đất, làm đường và khai hoang khu vực này để trồng cao su thì người dân ồ ạt lấn chiếm trước sự bất lực của cả hệ thống chính trị huyện Hương Khê. Sự việc này đã tạo nên hiệu ứng dây chuyền sang xã Hương Giang. Theo báo cáo của Công ty Cao su Hương Khê, tại tiểu khu 200 và tiểu khu 195, thuộc xã Hương Giang, đến thời điểm này có 71,1 ha bị lấn chiếm, trong đó có 55 ha đã được trồng keo.

Không chỉ Công ty Cao su Hương Khê, các BQL RPH Sông Tiêm, BQL RPH Ngàn Sâu, Công ty TNHH Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A cũng bị người dân lấn chiếm đất rừng. Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm Hương Khê, rừng của BQL RPH Sông Tiêm bị lấn chiếm 28 ha tại địa bàn xã Hương Vĩnh; rừng BQL RPH Ngàn Sâu bị lấn chiếm 7,9 ha ở địa bàn Phúc Trạch và 8,5 ha ở địa bàn Hương Trạch... Tuy nhiên, riêng ở BQL RPH Ngàn Sâu, con số thực tế lại lớn hơn nhiều. Theo ông Nguyễn Kim Hùng – Trưởng BQL RPH Ngàn Sâu, vài năm lại nay, diện tích rừng của Ban bị lấn chiếm khoảng 50 ha. Riêng năm 2013 có đến 15 hộ lấn chiếm rừng do Ban quản lý.

… Đến rừng địa phương

Chủ tịch UBND xã Hòa Hải Phạm Hữu Nhân, cho biết: “Ngoài 170 ha của Công ty Cao su Hương Khê tại tiểu khu 192, trên địa bàn Hòa Hải còn có nhiều vùng khác bị dân lấn chiếm. Cụ thể, tại tiểu khu 179, có 10 hộ lấn chiếm 15 ha; tại tiểu khu 193 vùng Khe Mán - Đập Tắt, 35 hộ lấn chiếm 85 ha; khu vực đập Đá Hàn có 5 hộ lấn chiếm 15 ha; khoảnh 3 tiểu khu 193 có 25 hộ chiếm 20 ha…; ông Thái Văn Tiến (xóm 12), sau khi được địa phương giao 150 ha tại tiểu khu 179 đã cùng một số người dân lấn sang khu vực xung quanh với tổng diện tích khoảng 150 ha nữa. Tổng số diện tích rừng của xã bị dân lấn chiếm đã lên tới 300 ha. Trên diện tích lấn chiếm này, có hàng chục ha đã được người dân tự phát trồng keo. Mặc dù xã đã lập biên bản đình chỉ và yêu cầu trả lại hiện trạng rừng nhưng họ không chấp hành. Vì số người lấn chiếm đông quá nên chính quyền không làm gì được…

Rừng phòng hộ Ngàn Sâu bị dân lấn chiếm
Rừng phòng hộ Ngàn Sâu bị dân lấn chiếm

Ông Đinh Viết Mạnh - Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cũng tỏ ra khá bức xúc khi khoảng 100 ha đất rừng của xã hiện đang bị một số người dân Hương Liên lấn chiếm. Ông Mạnh cho biết, diện tích này nằm trong tổng số 414 ha mới cắt từ BQL RPH Ngàn Sâu sang để giao cho dân. “Khi cắt sang thì số diện tích này đã bị lấn chiếm rồi. Việc này sẽ ảnh hưởng đến công tác giao đất, giao rừng của chúng tôi. Chúng tôi đang có đơn đề nghị huyện giải quyết, nếu không sẽ rất phức tạp” - ông Mạnh cho biết.

Có thể nói, tình trạng dân lấn chiếm rừng và đất rừng ở Hương Khê thực sự đã trở thành một vấn nạn. Ngoài nguyên nhân yếu kém trong công tác quản lý rừng và đất rừng, còn có nguyên nhân cực kỳ quan trọng, là do các vụ việc lấn chiếm đất rừng không được cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng vào cuộc quyết liệt. Thậm chí, hài hước hơn, một số vụ việc khi mới phát hiện chỉ có ít hộ xâm chiếm, nhưng sau khi huyện và ngành chức năng “vào cuộc” thì số hộ lấn chiếm và diện tích đất rừng bị lấn chiếm lại càng nhiều thêm! Dư luận đặt câu hỏi: phải chăng, chính quyền và ngành chức năng huyện Hương Khê đang bó tay trước thực trạng này?

“Gõ cửa” một số phòng chức năng và Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách mảng rừng và đất lâm nghiệp, chúng tôi nhận được “mỗi nơi một phách” về diện tích thực tế rừng và đất rừng bị lấn chiếm hiện nay. Đơn cử, Hạt Kiểm lâm huyện cung cấp: diện tích rừng bị lấn chiếm 282 ha; ông Ngô Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện lại nói là khoảng 500 ha…; còn ông Phạm Hữu Nhân - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải lại thông báo, riêng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Hòa Hải bị lấn chiếm đã lên đến trên 460 ha!
(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast