Gia cảnh của người lính quá cố

Về xóm Kênh, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên không ai không thương cảm cho gia cảnh của bà Lý Em (Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1953); vợ của người lính đã quá cố trong một tai nạn rủi ro. “ Mẹ góa con côi, con lại bệnh tật, ngây dại, nên bao nhiêu cái khổ như mưa dồn, gió dập chú nờ!”. bà Lê Thị Vân (79 tuổi; hàng xóm) nói với tôi.

Gia cảnh nhà chị Lý
Gia cảnh nhà chị Lý

Được biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Lưu Như Châu trở về xóm Kênh bước vào cuộc chiến chống đói nghèo. Năm 2003, trên đường chở tre về sửa chửa nhà, khi bơi qua sông Kênh, Châu chết đuối, bỏ lại vợ yếu và hai đứa con bệnh tật, thơ dại. “ Tui thì rày ốm, mai đau, được đồng nào lo thuốc thang đồng đó. Hai đứa con sinh ra cũng ốm nheo, ốm nhóc. Cha hắn (anh Châu. PV) lo trăm thứ , cơm, áo, thuốc thang cho vợ con, rồi đi vay, đi xin bà con chụm cho mẹ con được túp nhà để vô ra. Nhà tui chết, mẹ con tui cụt đường sống!”. Chị Lý sụt sùi kể.

Chúng tôi đã đến nhà chị Lý. Cảnh nghèo nàn hiện hình ở túp nhà xiêu vẹo. Đồ đạc trong nhà ngoài cái chum đựng nước bằng xi măng được nhà nước hỗ trợ hầu như không có gì đáng giá. Ba mẹ con chung nhau một chiếc áo tơi. Vườn nhà chỉ có 10 thước, trừ nhà, sân, còn lại mấy cây (1 cây mít, 7 cây chuối, 3 cây cọ) đứng chen chúc nhau. Không bò, lợn, gà, tất cả chỉ trông chờ vào hai sào ruộng. “ Cái ăn, cái mặc nhất là ngày 3 tháng 8 bà con làng xóm phải đùm bọc cưu mang, giúp đỡ. Nhưng tội nhất là ba mẹ con ốm đau bệnh tật kinh niên!” - Bà Nguyễn Thị Tiêu (52 tuổi); hàng xóm thương cảm.

Bệnh tật khiến cho chị Lý quắt lại, nước da xám đen, mắt đục, tóc bạc và bước đi xiêu vẹo. Nhưng khổ nhất là hai đứa con gái. Con cả Lưu Thị Hồng (sinh năm 1985) bỏ học khi lớp 9 rồi vào nam, làm ăn. Sau hai năm thì ôm về cho mẹ một đứa con đỏ hỏn, và một cục bệnh. “ Xóm giềng thường xuyên chứng kiến cảnh lên cơn tâm thần của Hồng , nhất là những khi động trời. Lên cơn, nó nỏ biết chi trơn, đánh, đập con là chuyện thường; có khi đang bồng con rồi vất xuống.. Còn nhớ cách đây một năm , giữa mưa gió, rét như cắt da cắt thịt, nó bế con ra khỏi nhà. Cháu Lưu Như Lê (26 tuổi) và cháu Đặng Văn Hải (24 tuổi) (con ông Đặng Văn Thắng; hàng xóm) đã vất vả trong đêm tìm bế cháu về”. Chị Nguyễn Thị Hiển (48 tuổi) cho biết.

Khi chúng tôi hỏi: “ Cháu vào nam làm ở đâu? Quê nội của cháu ở đâu? Bố cháu làm gì, ở đâu? Có gửi tiền về không?”, thì Hồng chỉ lắc đầu, không biết, không nhớ nữa. Chúng tôi nhìn người mẹ trẻ, mắt đờ đẫn, khẳng khiu đang ôm đứa bé ngồi trên chiếc giường tả tơi, còn đứa bé đang cầm vung nồi để chơi mà không khỏi ái ngại.

“ Chỉ đứa đầu đã dư khổ rồi. Đứa thứ 2 , hết học cũng đùng đùng bỏ đi nam, rồi cách đây 3 tháng lại ôm cái bụng về!...”Bà Vân thở dài.

Người em mà bà Vân kể là Lưu Thị Lĩnh . Chúng tôi gặp Lĩnh đi làm cỏ với mẹ đang khó nhọc với cái bụng lặc lè vào nhà. Lĩnh sinh năm 1988. Tốt nghiệp lớp 12 Trường PTTH Cẩm Bình, rồi cũng vào nam làm ăn. Khác với chị là Lĩnh vẫn còn nhớ những gì diễn ra: “ Năm 2008, cháu vào làm ở xưởng gỗ Trường Thành ở Đắc Lắc. Lương chỉ được 600.000 đồng…Rồi sau đó, cháu bị một tay người yêu Sở Khanh lừa. Khi có thai, hắn bỏ. Khoảng tháng 3 cháu bị tai nạn giao thông. Anh em, bạn bè không có để nương dựa nên tháng 5 cháu về nhà đây ”.

“ Sắp sinh rồi, mà nó ốm lên, ốm xuống chú nờ. Rồi chẳng biết lấy chi mà sinh nở. Tháng một, tháng đôi chi nữa đây, hắn ở cữ mà nỏ có chi trơn. Tiền không có xu mô, lấy chi mà tả lót, tả liếc…”. Chị Lý than thở.

Rời khỏi nhà chị Lý, tạm biệt xóm Kênh, lòng chúng tôi trĩu nặng. Chúng tôi nghĩ về những số phận không may mắn, nghĩ về việc giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ từ gia đình, nghĩ về sự tương thân, tương ái và kêu gọi những tấm lòng thương cảm đến gia cảnh của người lính đã quá cố . Mọi giúp đỡ xin gửi về: Nguyễn Thị Lý, xóm Kênh, xã Xuân Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh hoặc : Báo Hà Tĩnh - Số 34 - Nguyễn Công Trứ - Thành phố Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast