Để Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mãi đậm đà sắc xuân

(Baohatinh.vn) - Sự kiện UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đem đến niềm tự hào, niềm hạnh phúc lớn lao trong mỗi người dân và những người làm công tác văn hóa. Nhân dịp này, Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Bùi Đức Hạnh - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh.

- Thưa ông, khởi phát là di sản của một tiểu vùng văn hóa, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành di sản của nhân loại. Vậy, theo ông đâu là giá trị căn bản làm nên điều kỳ diệu này?

Đúng như bạn nói, đây là một điều kỳ diệu. Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chứa đựng trong bản thân nó nhiều giá trị lớn lao, khó có thể cắt nghĩa đầy đủ. Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, được cư dân Nghệ Tĩnh sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt đời thường, xuất hiện đã hàng trăm năm. Đặc điểm khá nổi trội của Ví, Giặm là sự trao truyền bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác, đem đến vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư.

Lưu truyền trong giới trẻ là góp phần bảo tồn dân ca Ví, Giặm

Lưu truyền trong giới trẻ là góp phần bảo tồn dân ca Ví, Giặm

UNESCO cũng khẳng định, ghi danh Ví, Giặm vào “danh sách đại diện” là hướng tới tạo sự lan tỏa, quan trọng hơn, khuyến khích sự khoan dung, đồng cảm giữa các cộng đồng, tạo nên sự đối thoại, giao lưu văn hóa nói chung và phong cách âm nhạc nói riêng. Tất nhiên, để được UNESCO thông qua, cần phải có sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với Ví, Giặm và việc chuẩn bị chu đáo, thuyết phục về mặt hồ sơ của ngành chức năng.

- Ông vừa nói tới giá trị của Ví, Giặm đối với cộng đồng dân cư. Ông có thể cắt nghĩa rõ hơn về điều này?

Trước khi Ví, Giặm phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư như ngày nay, thì phải khẳng định, chính cư dân Nghệ Tĩnh đã làm nên Ví, Giặm. Nói điều này để chúng ta cùng trở về cội nguồn xa xưa, trong điều kiện sinh hoạt tiểu nông khép kín, khi dân ca Ví, Giặm chính là phương tiện ký thác nỗi niềm, các trạng thái cảm xúc của người Nghệ. Trải qua hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ, câu Ví, Giặm được trau chuốt trở nên đẹp hơn, lắng sâu hơn, thành tinh hoa của cộng đồng. Đồng thời, qua thời gian, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành bảo tàng lưu giữ những sắc thái tình cảm cụ thể, những nỗi niềm thường nhật, qua đó, ghi dấu ấn rõ nét cốt cách, khí chất, diện mạo người Nghệ. Với kho tàng phong phú các làn điệu và ca từ, Ví, Giặm đã chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào, phong phú của cư dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tất cả các giá trị kết tinh và hội tụ ấy đã làm cho Ví, Giặm góp phần quan trọng vào việc khẳng định nước ta là nước có truyền thống văn hóa đặc sắc và lâu đời, tạo nên sức mạnh nội sinh trong quá trình hội nhập, giao lưu và tiếp biến văn hóa.

- Thưa ông, trong xu thế phát triển, câu chuyện di sản sau khi vinh danh luôn là thử thách không nhỏ đối với các nhà quản lý và cộng đồng. Với dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, theo ông, chúng ta phải làm gì?

Ngày nay, môi trường nguyên thủy phát sinh ra Ví, Giặm đã thay đổi, nhịp độ của đời sống đã nhanh hơn. Hơn thế, các loại hình âm nhạc hiện đại ra đời đã tác động mạnh mẽ tới Ví, Giặm, lôi cuốn đông đảo công chúng, nhất là lớp trẻ. Bởi vậy, tự thân Ví, Giặm đã phải đối mặt với các thách thức. Trong bối cảnh ấy, trước hết, phải làm sao cho mỗi người, từ lãnh đạo các cấp đến người dân đều yêu dân ca. Có yêu dân ca thì chúng ta mới có các giải pháp bảo tồn tự nhiên, bền vững. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, nhiều năm qua, các ban, ngành cấp tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Ví, Giặm. Theo đó, nhiều phong trào văn hóa – văn nghệ ở địa phương lấy Ví, Giặm làm phương thức thể hiện đã phát triển rầm rộ. Từ tỉnh đến cơ sở cũng đã có những cơ chế cụ thể nhằm khuyến khích các sinh hoạt dân ca nói chung. Đặc biệt, với sự quan tâm của lãnh đạo qua các thời kỳ nên tỉnh nhà đã có nhiều ca khúc sâu lắng ân tình gắn với các tên tuổi lớn của nền âm nhạc, được nhiều người biết, nhiều người thuộc.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của Ví, Giặm trong đời sống đương đại, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, tiếp tục sưu tầm trong dân gian ca từ và làn điệu dân ca Ví, Giặm, tiến hành số hóa bằng các dạng tư liệu ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục truyền dạy Ví, Giặm tới từng thôn, tổ dân phố, phấn đấu dăm bảy năm sau, các thôn, tổ dân phố đều có CLB dân ca Ví, Giặm. Xây dựng các nhân tố, định hướng đào tạo nghệ nhân ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, trong cộng đồng dân cư.

Tổ chức dạy hát và tuyên truyền Ví, Giặm trong nhà trường, trên các kênh truyền thông. Những nội dung này cần phải làm tập trung, quyết liệt, có định hướng. Có như thế, chúng ta mới trao truyền được cho con cháu. Nếu để thất truyền thì đây là một lỗi lớn với tiền nhân, vì nó là vốn quý, là di sản ông cha để lại. Tiếp tục vận động, sáng tác lời mới cho Ví, Giặm, làm cho Ví, Giặm phản ánh được hơi thở của cuộc sống hôm nay. Điều này cần phải có định hướng trong phát hiện, đào tạo nhân tố, nhất là những người có trình độ học thức cao, am hiểu âm nhạc, biểu diễn.

Thường xuyên tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong các cộng đồng dân cư, đưa việc hát dân ca Ví, Giặm vào các chương trình kỷ niệm tại các địa phương, đơn vị. Tăng cường các hoạt động biểu diễn có chiều sâu, chất lượng nhằm thu hút đông đảo khán giả. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá Ví, Giặm rộng rãi ra các vùng, miền trong nước, khu vực và quốc tế, làm cho di sản của nhân loại này lan tỏa, giao thoa với sản phẩm tinh thần của các cộng đồng khác. Đấy cũng là những cách cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

- Cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast