Cách mạng tháng Mười Nga - ngọn lửa không bao giờ tắt

(Baohatinh.vn) - Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ là một cuộc cách mạng đơn thuần mà còn mang ý nghĩa khai sáng, khởi đầu. Đó là bó đuốc soi đường trong đêm tối, là ánh bình minh huy hoàng cho một thời đại mới.

Cách mạng tháng Mười Nga - ngọn lửa không bao giờ tắt

Hơn một thế kỷ trôi qua nhưng ý nghĩa, giá trị to lớn mà Cách mạng tháng Mười Nga đã mang lại cho nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới vẫn nguyên giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có một cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Vào ngày 7/11/1917 (lịch cũ của nước Nga là tháng Mười), cách đây 103 năm, Đảng Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là VI. Lê-nin vĩ đại đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng.

Cách mạng tháng Mười Nga - ngọn lửa không bao giờ tắt

Thủy quân ở Kronstadt kéo về Petrograd chống chính phủ Tư sản Nga (8/1917). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhà nước Xô-viết ra đời là nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ đi lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Như dòng thác lũ cuộn dâng, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã tạo nên sức mạnh to lớn, lôi cuốn hàng nghìn triệu người đấu tranh chống áp bức, nô lệ, bất công, xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, kiến tạo một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh.

Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ mở ra con đường giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa mà còn thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đứng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường giành tự do, dân chủ. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, nhiều nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh đã vùng lên đánh đổ ách thống trị của thực dân và giành được độc lập, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Cách mạng tháng Mười Nga - ngọn lửa không bao giờ tắt

V.I.Lenin với các chiến sỹ cách mạng trong Cung điện Smolny chiều 6/11/1917, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thời gian có thể phủ lớp bụi mờ trên những tòa tháp điện Kremli nhưng ngọn lửa nhỏ của Cách mạng tháng Mười Nga thì vẫn cháy sáng, gợi nhớ về những ngày tháng hào hùng. Cung điện Mùa Đông, nơi chứng kiến hàng nghìn bước chân đã đạp đổ cổng sắt để tấn công vào sào huyệt của Nga Hoàng, kết thúc một triều đại để mở ra thời đại XHCN vẫn còn đó. Dòng sông Nê-va vẫn thao thức chảy đêm ngày, soi bóng quá khứ, kể chuyện ngày xưa cho con cháu và du khách muôn phương.

Trong 103 năm qua, chưa có sự kiện chính trị nào có ý nghĩa lớn lao và tính chất quốc tế sâu rộng như cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Đây không chỉ là một cuộc cách mạng đơn thuần mà còn mang ý nghĩa khai sáng, khởi đầu. Đó là bó đuốc soi đường trong đêm tối, là ánh bình minh huy hoàng cho một thời đại mới.

Cách mạng tháng Mười Nga - ngọn lửa không bao giờ tắt

Ngay trong đêm 7/11/1917, Đại hội các Xô Viết được triệu tập, thành lập Chính quyền Xô Viết do V.I.Lenin đứng đầu. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Lịch sử thế giới ghi nhận: Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới - nhà nước Xô-viết được khai sinh từ Cách mạng tháng Mười, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (Liên Xô) đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Liên Xô nhanh chóng trở thành cường quốc trên thế giới vào những năm 50 - 70 của thế kỷ XX, đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Nhiều thập niên, Liên Xô trở thành thành trì vững chắc của CNXH, là chỗ dựa to lớn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. CNXH hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới.

Những năm đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam chìm trong bóng đêm nô lệ, Nhân dân Việt Nam sống dưới chế độ thực dân phong kiến phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, đói rét, lầm than, tăm tối. Nhiều sĩ phu yêu nước đã trăn trở kiếm tìm con đường cứu nước. Đúng vào thời điểm ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành 21 tuổi tràn đầy khát khao đã bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước.

Cách mạng tháng Mười Nga - ngọn lửa không bao giờ tắt

Pháo phản lực Katyusha - loại vũ khí huyền thoại của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai khiến quân Đức “kinh hồn bạt vía” (1944). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin khi đang ở Pháp. Sau này, Người đã viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi muốn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Đi theo ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, đi theo con đường của Các Mác, Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ một dân tộc chìm trong nô lệ, Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập đã lãnh đạo toàn dân ta đứng lên chớp thời cơ, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất”; lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; lần lượt đánh thắng 2 đế quốc Pháp, Mỹ, xây dựng CNXH, trở thành tiền đồ CNXH ở Đông Nam Á.

Ngày nay, Liên Xô và nhà nước XHCN ở các nước Đông Âu tuy không còn tồn tại nhưng những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga vẫn còn mãi. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Toàn Đảng, toàn dân đang quyết tâm “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như điều mong ước cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast