Hiệp hội thép, ximăng phản đối tăng giá điện

Hiệp hội Thép nói Bộ Công thương không công bằng trong giá điện, đó là một trong những quan điểm thẳng thắn được nêu ra sáng 24-7 trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Để ngành thép và ximăng phát triển ổn định, bền vững” do báo Công Thương tổ chức.

Nhà máy ximăng Xuân Thành đang được xây dựng tại Hà Nam. Các nhà máy thép sắp tới sẽ phải chịu giá điện riêng theo dự thảo quyết định của Bộ Công thương

Nhà máy ximăng Xuân Thành đang được xây dựng tại Hà Nam. Các nhà máy thép sắp tới sẽ phải chịu giá điện riêng theo dự thảo quyết định của Bộ Công thương

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, quá trình phát triển của ngành thép là “tương đối tốt”, từ chỗ sản lượng thép xây dựng dưới 1 triệu tấn/năm thì hiện nay công suất thép xây dựng là trên 10 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, ông Nghi thẳng thắn nêu thời gian qua nhiều địa phương đã cấp phép cho một số nhà máy thép không theo quy hoạch. Điều này khiến hiện tại VN dư thừa công suất thép xây dựng tới 1,5-2 lần so với nhu cầu của xã hội; các sản phẩm thép như cán nguội, ống thép, tôn mạ đều có dấu hiệu dư thừa.

Về công nghệ nhà máy thép lạc hậu, ông Nguyễn Tiến Nghi chỉ công nhận thời gian đầu do tình hình tài chính của các nhà đầu tư còn thấp nên công nghệ chưa được tiên tiến. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, các nhà đầu tư đã chọn lựa những công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn.

“Thực tế, ngành thép Việt Nam so với các nước trong khu vực đều không thua kém. Gần đây nhiều công nghệ còn tiên tiến hơn các nước khu vực” - ông Nghi nói. Đơn cử, lượng tiêu thụ điện của thép là 450 kWh/tấn sản phẩm, đây là mức tiêu hao năng lượng tiên tiến của các nước Đông Nam Á.

Vì vậy, việc Bộ Công thương có dự thảo lần ba về cơ cấu biểu giá điện, trong đó xác định sẽ tách giá điện bán cho ngành thép và ximăng ra thành một loại riêng, bán với giá cao hơn các ngành sản xuất khác từ 2-16% cho từng loại sản phẩm, theo ông Nghi, là “không công bằng”.

"Thực tế ngành thép được đầu tư từ sau đổi mới, nếu đưa giá điện ngành này cao hơn các ngành khác là không công bằng và thiếu thuyết phục. Đặc biệt hơn, đây là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp nên nếu áp dụng ở thời điểm này thì đã đi ngược nghị quyết 02 của Chính phủ" - ông Nghi nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Quang Chuyện - phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công thương - cho rằng ngành thép còn bộc lộ một số tồn tại, đó là: chưa cân đối nhu cầu sản phẩm (có một số sản phẩm cung vượt xa so với cầu, nhưng có nhiều sản phẩm vẫn phải nhập khẩu); đa số doanh nghiệp sản xuất thép với quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu và chưa thân thiện với môi trường, đặc biệt các chỉ số tiêu hao như tiêu hao than cốc (đối với lò cao), điện năng và điện cực (đối với lò điện hồ quang).

Theo ông Chuyện, một số sản phẩm như phôi thép vuông, thép xây dựng hiện chúng ta đã đáp ứng đủ, vượt 1,5 đến 2 lần so với nhu cầu sử dụng. Một số sản phẩm hiện đang phải nhập khẩu sẽ được đẩy mạnh đầu tư để sản xuất trong thời gian tới.

Từ năm 2013 trở đi, ông Chuyện khẳng định sẽ không cấp phép cho các dự án mới với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, trước mắt ông Chuyện cho rằng ngành thép và ximăng đang gặp nhiều khó khăn, một số sản phẩm của ngành thép thuộc danh mục ưu tiên “bánh mì của công nghiệp”, vì vậy ngành điện nên xem xét việc tăng giá, có lộ trình hợp lý. Hay như đặc thù ngành thép, khi đang vận hành mà mất điện sẽ gây thiệt hại lớn, ngành điện cần xem xét tính ổn định của nguồn điện…

Ông Nguyễn Văn Thiện - chủ tịch Hiệp hội Ximăng - nêu giá ximăng Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực. Tại Việt Nam, điện chiếm 15-17% trong giá thành ximăng, các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 10-12%. Tuy nhiên, giá ximăng không thể nâng được vì nâng lên phải căn cứ vào thu nhập bình quân.

Theo ông Thiện, các doanh nghiệp nên bình đẳng với nhau, tại sao thép và ximăng phải sử dụng giá điện cao hơn? Nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt, ông Thiện cho biết hiện vẫn phải chấp nhận nhưng “Hiệp hội Ximăng Việt Nam không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, ximăng cao hơn ngành khác”.

Nguồn: Tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast