Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản sẽ không phải kê khai, nộp thuế riêng

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN theo hướng cho phép DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN theo hướng cho phép DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa

Đây là một trong những quy định đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế, đang được lấy ý kiến công khai.

Cụ thể, một trong 9 nội dung được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo Luật, có quy định cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính cho rằng, nếu cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ không còn vướng mắc về thứ tự ưu tiên thanh toán khi bán tài sản bảo đảm tiền vay như kiến nghị của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và của các tổ chức tín dụng.

Vì, việc bù trừ lãi lỗ là thực hiện trên sổ sách của doanh nghiệp, còn khoản tiền có được do bán tài sản bảo đảm vẫn dùng để trả nợ ngân hàng, nếu sau khi bù trừ mà còn thu nhập thì doanh nghiệp có tài sản bảo đảm sẽ kê khai, nộp thuế TNDN cùng với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (tạm nộp theo quý, quyết toán theo năm), chứ không phải nộp ngay trong vòng 10 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế (là thời điểm chuyển nhượng bất động sản).

Đồng thời, nếu cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng góp phần giảm thủ tục hành chính bởi vì doanh nghiệp không cần phải hạch toán riêng thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ các doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN) và cũng không phải kê khai, nộp thuế riêng trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế đối với khoản thu nhập này.

Để phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung quy định doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc cho bù trừ như trên cũng có nhược điểm là gây mất nguồn thu của địa phương nơi có bất động sản được chuyển nhượng bởi vì doanh nghiệp sẽ kê khai, nộp thuế tại trụ sở chính.

“Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho nghiên cứu để bổ sung quy định tại Nghị định về quản lý thuế theo hướng doanh nghiệp có thu nhập từ bất động sản vẫn kê khai, nộp thuế cùng với thu nhập từ sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính, nhưng sẽ có tiêu thức để phân bổ nguồn thu từ chuyển nhượng bất động sản cho địa phương nơi có bất động sản được chuyển nhượng”.

Căn cứ bổ sung quy định này, theo Bộ Tài chính, trước năm 2004, tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện kê khai, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Từ 1/1/2004, tổ chức có thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất (bất động sản) thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất. Song, phải kê khai, nộp thuế riêng (trong vòng 10 ngày, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế), không được bù trừ với thu nhập từ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong giai đoạn 2004-2008, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất còn áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Theo Bộ Tài chính, qui định như vậy là phù hợp với thực tế, bởi vì khi đó lĩnh vực bất động sản đang phát triển, lợi nhuận thu được từ bất động sản thường là lợi nhuận siêu ngạch nên việc quy định thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất phải kê khai, nộp thuế riêng và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần nhằm động viên kịp thời số thu thuế vào NSNN và hạn chế việc đầu cơ bất động sản (mua đi bán lại).

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng, thậm chí có giai đoạn rơi vào tình trạng đóng băng, do đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản không còn được hưởng lợi nhuận mà thậm chí còn bị lỗ.

Do đó tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH12 (áp dụng từ 1/1/2014), đã cho phép doanh nghiệp được bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa quy định trường hợp ngược lại (bù trừ một chiều). Theo đó trường hợp doanh nghiệp có lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản vẫn phải kê khai, nộp thuế riêng, không được bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về xử lý nợ xấu, các Bộ ngành, tổ chức tín dụng đang nỗ lực tìm giải pháp để giảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là bất động sản.

Tuy nhiên, quy định về bù trừ nêu trên phần nào cũng gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bởi vì doanh nghiệp đang không có tiền để trả nợ ngân hàng, chỉ có tài sản bảo đảm tiền vay là bất động sản nay phải bán đi để trả nợ, nếu có lãi là phải nộp thuế ngay, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang bị lỗ, thậm chí rất nhiều trường hợp doanh nghiệp nộp thuế xong thì số tiền còn lại không đủ để trả ngân hàng./.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến gồm 9 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; 4 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân; 3 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng; 3 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB; 1 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; 1 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường; và 6 nội dung sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế.

Các sửa đổi, bổ sung này nhằm đưa chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế đã cam kết, đang đàm phán; đồng thời cũng đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong ưu đãi đầu tư. Mặt khác, nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ khắc phục các bất cập hiện hành, tạo môi trường đầu tư, thuận lợi, đồng thời đảm bảo chính sách được áp dụng đồng bộ với những quy định hiện hành.

Theo Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast