Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành thảo luận tổ về các dự án luật, nghị quyết

(Baohatinh.vn) - Chiều 6/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành thảo luận tổ về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành thảo luận tổ về các dự án luật, nghị quyết

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành buổi thảo luận.

Tại buổi thảo luận, cùng với đại biểu các đoàn: Cao Bằng, Đắk Nông, Sóc Trăng, đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đã sôi nổi, trách nhiệm đóng góp các ý kiến về các dự thảo luật và nghị quyết.

Tham gia thảo luận về Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị: Luật cần khẳng định rõ vị trí, vai trò của lực lượng dân quân tự vệ trong cả thời bình và thời chiến, trong đó phân biệt lực lượng dân quân và tự vệ.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành thảo luận tổ về các dự án luật, nghị quyết

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu thảo luận

Độ tuổi tham gia dân quân tự vệ phải được nâng lên phù hợp với Bộ Luật lao động và khả năng tham gia của người dân. Theo đó, đề xuất công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 50 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi.

Nghiên cứu, xem xét chỉ huy trưởng cấp xã thời bình là công chức xã, có thể được phong quân hàm sỹ quan dự bị, khi chuyển sang thời chiến sẽ được gọi nhập ngũ và chuyển sang sỹ quan chính quy; riêng địa bàn trọng yếu, chiến lược cần có chỉ huy trưởng cấp xã chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời xem xét cơ cấu cứng Chính trị viên phó.

Đối với việc thành lập lực lượng dân quân tự vệ tại các tổ chức doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị nghiên cứu kỹ tình hình thực tế tại các đơn vị nhằm bảo đảm hiệu quả khi triển khai, thực hiện Luật, nhất là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Trần Đình Gia bổ sung thêm: Đối với kinh phí hoạt động dân quân tự vệ, Luật cần quy định rõ “Ngân sách nhà nước đảm bảo” và đưa vào cân đối ngân sách chung của các địa phương hàng năm. Bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành thảo luận tổ về các dự án luật, nghị quyết

Đại biểu Trần Đình Gia nêu ý kiến tại buổi thảo luận

Ngoài ra, cần xây dựng chính sách quan tâm hơn để lực lượng trung đội dân dân quân cơ động cấp xã vững mạnh, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao và giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh ở cơ sở; trong đó, có chế độ phù hợp đối với thôn đội trưởng kiêm nhiệm trong tình hình các địa phương đang tinh gọn bộ máy.

Trao đổi về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề xuất đặt Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Chính phủ quản lý để đảm bảo vị trí, quyền hạn, tính độc lập, không qua khâu trung gian và phát huy tối đa hiệu quả.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành thảo luận tổ về các dự án luật, nghị quyết

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia ý kiến

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật lần này cần hướng tới việc bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ, như việc thanh toàn cổ tức cần được quyết định thông qua Đại hội cổ đông, tránh lợi ích nhóm của nhà đầu tư lớn. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý cho việc chào bán chứng khoáng riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài đại biểu Đoàn Hà Tĩnh, đã có thêm một số ý kiến góp ý xoay quanh: Việc nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng là phù hợp với quy mô thị trường hiện nay, song cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động và có quy định chuyển tiếp hợp lý. Xem xét mô hình quản lý nhà nước thị trường chứng khoán đảm bảo cơ chế thị trường và lành mạnh hoá thị trường giảm thiểu việc “lướt sóng” mà tăng tính chiều sâu của đầu tư. Kiểm soát chặt cổ phiếu phát hành thêm

Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các đại biểu chia sẻ những khó khăn phát sinh trong thực tiễn bổ nhiệm, hoạt động của lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Các đại biểu tán thành với nội dung quy định điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 được áp dụng theo hướng: từ nay đến ngày 01/02/2022, cho phép Chánh án TANDTC trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp.

Kết thúc buổi thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thay mặt tổ thảo luận cảm ơn các vị ĐBQH đã sôi nổi, trách nhiệm trong tham gia đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện 2 dự án luật và nghị quyết. Đề nghị tổ thư ký tổng hợp những ý kiến để báo cáo ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm có sự điều chỉnh phù hợp.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast