Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vụ Cát Tường

Lúc 10h47', TAND Hà Nội tuyên trả hồ sơ vụ Cát Tường sau khoảng 2 tiếng xét hỏi vì cho rằng có một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cần phải xem xét thêm.

Phía dưới khán phòng, người thân của bị hại vỗ tay hưởng ứng khi tòa tuyên trả lại hồ sơ. Bị cáo Tường và Khánh nhanh chóng bị dẫn giải ra khỏi phòng xử án.

Dưới đây là những diễn biến chính trong phiên xử sáng nay:

7h10, hai chiếc xe chở phạm nhân đi vào sân TAND Hà Nội. An ninh xung quanh cổng tòa được thắt chặt và cảnh sát chăng dây hạn chế giao thông quanh khu vực này.

Bị cáo Tường và Khánh. Ảnh chụp qua màn hình.

Bị cáo Tường và Khánh. Ảnh chụp qua màn hình.

7h30, rất đông người tập trung tại tòa án, đa phần là người thân của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Bố chị Huyền cùng chồng và hai con của chị có mặt. Di ảnh của chị được các bé đeo khăn tang mang đến.

Hàng chục cảnh sát được tăng cường làm nhiệm vụ tại đây. Theo thông báo của tòa, các phóng viên sẽ theo dõi diễn biến phiên xử qua màn hình.

8h10, nghi can Tường và Khánh bị dẫn vào phòng xét xử. Cả hai cùng mặc áo sơmi màu đen kẻ sọc, quần âu tím than. Khánh liên tục ngó xuống phía hàng ghế dưới ngóng nhìn người thân và luật sư.

Hai bị cáo sau đó quay sang nói chuyện với nhau. Tường trông gày hơn so với lúc bị bắt.

8h40, phiên xử do thẩm phán Lê Thị Hợp làm chủ tọa được khai mạc. Bị cáo Tường mời luật sư bào chữa Chu Thị Trang Vân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đào Quang Khánh là ông Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn. Gia đình bị hại mời luật sư Vũ Gia Trưởng, Phạm Hương Giang.

Tòa thông báo mời chồng, bố mẹ và hai con trai của chị Huyền là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến dự.

9h, sau phần thủ tục, VKS công bố cáo trạng. Theo đó, chiều 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng hút mỡ bụng, nâng ngực và tử vong. Người trực tiếp phẫu thuật là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc trung tâm này.

Trước khi phi tang xác chị Huyền, Tường điện thoại cho vợ đến trung tâm, đồng thời chỉ đạo nhân viên tẩu tán các trang thiết bị thẩm mỹ. Tường chở xác bệnh nhân đến bệnh viện Bưu diện để giấu nhưng do đông người nên không thực hiện được. Trong lúc đó, Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ trung tâm thẩm mỹ) đưa ra cách phi tang, ném xuống sông và được Tường đồng ý. Đêm hôm đó, Tường cùng Khánh mang xác chị Huyền tới cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng.

Tường bị truy tố về 2 tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Khánh bị truy tố tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và Trộm cắp tài sản.

9h25, bị cáo Tường khai mở thẩm mỹ viện Cát Tường đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để xin phép Sở Y tế thực hiện giải phẫu thẩm mỹ nhưng "chưa kịp xin". Cát Tường có 6 phòng gồm: lễ tân, tư vấn khách hàng, thông tin quảng cáo, spa, phẫu thuật và hậu phẫu. Việc quản lý, Tường giao cho nữ nhân viên tên Mai vì cho rằng cô gái tốt nghiệp Đại học Công đoàn này có kinh nghiệm về thẩm mỹ.

Hai con chị Huyền đến tòa từ sớm. Ảnh: Quý Đoàn.

Hai con chị Huyền đến tòa từ sớm. Ảnh: Quý Đoàn.

9h30, chủ tọa hỏi: "Việc phẫu thuật tạo hình, hút mỡ có được phép không?". Tường đáp, theo quy định không, lý do bị cáo cũng chưa biết rõ, có thể người ta không gây tê được nên phải gây mê, mà gây mê vào bệnh viện thì tốt hơn. Dù biết không được phép nhưng Tường cho rằng do được bệnh nhân "tin tưởng vào chuyên môn của mình" nên đã thực hiện phẫu thuật.

Tường khai chị Huyền trước khi phẫu thuật có được siêu âm, test phản ứng kháng sinh... trước khi thực hiện phẫu thuật. Bị cáo có kiểm tra kết quả và không thấy vấn đề gì. Tuy nhiên, chủ toạ cho biết, theo hồ sơ vụ án thì không có việc bị cáo kiểm tra.

9h45, Tường khai đã hút 11 xi lanh, mỗi cái chứa khoảng 50ml mỡ, tại vùng bụng của chị Huyền. Quá trình này kéo dài 1-2 tiếng. Khi mỡ lắng xuống dưới xilanh thì dùng bơm để tạo hình thẩm mỹ vùng ngực. Cách này bị cáo học từ các chuyên gia Hàn Quốc, không cần phải li tâm vì khi đó các tế bào mỡ sẽ bị chết

"Tuy nhiên phương pháp này ở Việt Nam chưa được cho phép", bị cáo nguyên là bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai khai. Tường cho biết thêm, ca phẫu thuẫn chị Huyền kéo dài tổng cộng khoảng 4 tiếng, từ 12h30 đến 16h. Khi phẫu thuật, chị Huyền vẫn tỉnh, nói chuyện. Sau phẫu thuật khoảng 20-30 phút, chị Huyền co giật, mắt phải nháy, miệng sùi bọt mép.

Tường khi đó chẩn đoán đó là động kinh nên đã tiêm một ống an thần 20ml. Chị Huyền hết biểu hiện, bị cáo theo dõi khoảng 20 phút nữa và thấy bình thường rồi đi ra chùa. Khoảng 10 phút sau gọi điện thoại cho ý tá Vân bảo mua thuốc chống động kinh.

Nhận tin báo tình hình chị Huyền nguy cấp, Tường gọi điện thoại chỉ đạo y tá tiêm thuốc trợ tim, thuốc chống dị ứng... Khi về, bị cáo khám thấy chị Huyền nhịp tim đã mất nên cho thở ôxy. Lúc này có đồng nghiệp là bác sĩ Thành tại Bệnh viện Bạch Mai đến đây hỗ trợ. Tường thực hiện một số thao tác cấp cứu: tiêm trực tiếp vào tim, ấn lồng ngực... nhưng không có kết quả.

10h5, Tường khai việc chuẩn bị, pha chế thuốc tiêm cho chị Huyền đều do y tá làm. Theo lý giải của Tường, bác sĩ cần tin tưởng y tá vì không thể đi theo tất cả các khâu để kiểm tra.

Nguyên bác sĩ ngoại khoa này cho rằng bệnh nhân chết do "nôn, bị trào ngược". Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn của chủ tọa ngay sau đó đã khiến Tường phải thừa nhận đã sử dụng một loại thuốc gây tê không được Bộ Y tế cho phép. "Việc lấy mỡ bụng để tiêm lên ngực có đúng không?", chủ tọa hỏi. Tường trả lời: "Không".

10h25, chủ tọa hỏi: "Căn cứ nào xác định chị Huyền đã chết?". "Nhịp tim không còn, đồng tử giãn...", Tường đáp. "Biết chị Huyền tử vong, bị cáo suy nghĩ thế nào mà không đưa vào bệnh viện?", HĐXX hỏi. Tường đáp: "Mang vào Bệnh viện Bạch Mai thì quá đông nên đưa vào Bệnh viện Bưu điện vắng hơn".

Tuy nhiên, đến đây do đông quá bị cáo đã đi lòng vòng do "mãi không ngớt người" và phải đỗ xe ngoài đường đợi. Tường không dám mang xác vào lúc này vì sợ có người nhìn thấy sẽ hô hoán.

Sau khi đứng đợi 5 phút thì Khánh đến, bị cáo nói: "Bây giờ đông người lắm?" Khánh bảo:" Hay là phi tang?". Theo lời khai của Tường dù nói "không được" nhưng vẫn làm theo.

"Bị cáo không phải là người nghĩ ra việc phi tang xuống sông", Tường chối tội và cho hay lúc đó hoảng loạn, không suy nghĩ được. "Nếu trong hoàn cảnh khác, bị cáo sẽ không bao giờ làm điều đó", anh ta nói. Bị chủ tọa hỏi về nguồn gốc thuốc tiêm, Tường nói do mình kê và giao nhân viên đi mua.

10h35, sau lời khai của nhân chứng Nguyễn Hồng Thư (nhân viên Cát Tường) về việc ca phẫu thuật của chị Huyền chỉ thực hiện trong khoảng 2 tiếng vì chị Huyền có biểu hiện giật mí mắt, Tòa cho rằng điều này mâu thuẫn với thông tin Tường khai trước đó nên chủ toạ công bố nghỉ 15 phút để hội ý.

Chồng chị Huyền trình giấy tờ để vào dự phiên tòa. Ảnh: Quý Đoàn.

Chồng chị Huyền trình giấy tờ để vào dự phiên tòa. Ảnh: Quý Đoàn.

Ông Lê Văn Viễn, bố đẻ nạn nhân Huyền cho biết không đồng tình với truy tố của Viện Kiểm sát về tội danh của bác sĩ Tường. Theo ông Viễn, bị can Tường phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người. "Hành vi của Tường là quá dã man, coi thường tính mạng khách hàng. Khi nạn nhân nguy kịch, không đưa vào bệnh viện cấp cứu mà lại tìm cách phi tang", ông Viễn bức xúc.

Trong 3 tháng đầu tiên gia đình đã chi tới 600 triệu đồng để tìm kiếm thi thể chị Huyền từ khu vực cầu Thanh Trì tới tận cửa biển Ba Lạt (Thái Bình). Cuộc sống các thành viên trong gia đình hoàn toàn đảo lộn vì lo lắng, tuyệt vọng. Chồng và các con của nạn nhân không làm việc, học hành sa sút, tổn thương tinh thần trầm trọng.

Ông Viễn cũng cho rằng, bác sĩ Tường phải chịu mức án trên 20 năm, không được đặc xá, không được tiếp tục hành nghề sau khi hết thời hạn giam giữ. Khánh cũng phải bị xử lý nghiêm. Bà Nguyễn Thị Hằng, vợ bác sĩ Tường cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phiên xử do thẩm phán Lê Thị Hợp làm chủ toạ. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường có luật sư bào chữa Chu Thị Trang Vân, trong khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đào Quang Khánh là ông Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn. Còn gia đình bị hại Lê Thị Thanh Huyền mời luật sư Vũ Gia Trưởng, Phạm Hương Giang bảo vệ.

Luật sư Vũ Gia Trưởng cho biết sẽ cùng đồng sự tập trung vào hai vấn đề bồi thường thiệt hại và tội danh đối với bị cáo Tường. Gia đình nạn nhân yêu cầu các khoản tổn thất tinh thần, chi phí cho việc tìm kiếm là hơn một tỷ đồng.

Ông Lê Văn Viễn, bố nạn nhân Huyền.

Ông Lê Văn Viễn, bố nạn nhân Huyền.

Theo cáo buộc của Viện KSND Hà Nội, chiều 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng hút mỡ bụng, nâng ngực và tử vong. Người trực tiếp phẫu thuật là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc trung tâm này.

Trước khi phi tang xác chị Huyền, Tường điện thoại cho vợ đến trung tâm, đồng thời chỉ đạo nhân viên tẩu tán các trang thiết bị thẩm mỹ. Tường chở xác bệnh nhân đến bệnh viện Bưu diện để giấu nhưng do đông người nên không thực hiện được. Trong lúc đó, Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ trung tâm thẩm mỹ) đưa ra cách phi tang, ném xuống sông và được Tường đồng ý.

Đêm hôm đó, Tường cùng Khánh mang xác chị Huyền tới cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng. Trên chiếc ôtô chở xác nạn nhân, ngoài bác sĩ Tường còn có vợ ông này là Nguyễn Thị Hằng. Theo cơ quan công tố, khi theo chồng đi vứt xác nạn nhân, bà Hằng có khuyên can, nên không bị xử lý hình sự.

Với hành vi trên, Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về 2 tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tổng mức án cao nhất bị can phải đối mặt là 10 năm tù. Đào Quang Khánh bị truy tố tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và Trộm cắp tài sản, án cao nhất theo khung hình phạt là 8 năm.

Liên quan vụ việc trên còn có một số nhân viên của Tường. Tuy nhiên, nhà chức trách không xử lý hình sự những người này vì cho rằng sai phạm chưa đến mức truy cứu.

Việt Dũng - Lường Toán

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast