Hôn nhân cận huyết: Nguy cơ suy thoái nòi giống người Chứt!

(Baohatinh.vn) - Kết hôn cận huyết thống khiến đồng bào dân tộc Chứt (Hương Liên, Hương Khê) đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nòi giống. Để bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt, ngoài những nỗ lực trong việc tìm cách cho thanh niên trong bản kết hôn ngoại tộc, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ).

Vượt suối, băng rừng đi hỏi vợ

Trong muôn vàn câu chuyện về sự nỗ lực để tránh việc kết hôn cận huyết thống, chuyện về những thanh niên trong bản Rào Tre vượt suối, băng rừng vào tận Quảng Bình ở rể, lấy vợ khiến chúng tôi hết sức cảm động. Hồ Văn Song - một trong những thanh niên lấy vợ tận Quảng Bình kể: “Phải đi bộ hơn 2 tiếng mới sang được bên đó. Nhưng không phải ai sang cũng hỏi được vợ, trai bản Cà Xen giữ gái chặt lắm, sang là bị nó đập gãy chân”.

Tiếp lời Hồ Văn Song, Trung tá Dương Thanh Tịnh - Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt cho hay: “Thanh niên trong bản đều cố gắng sang Quảng Bình để hỏi vợ nhưng do tục lệ “trai làng ta giữ gái làng ta” của người dân tộc nên gặp không ít khó khăn. Những anh chàng như Song cũng phải kiên trì lắm mới lấy được vợ…”.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng dạy chữ cho đồng bào dân tộc Chứt ở Bản Rào Tre (Hương Khê). Ảnh: Sỹ Ngọ
Chiến sỹ Đồn Biên phòng dạy chữ cho đồng bào dân tộc Chứt ở Bản Rào Tre (Hương Khê). Ảnh: Sỹ Ngọ

Không chỉ có nam thanh niên băng rừng, vượt suối đi hỏi vợ, các cô gái người Chứt cũng hiểu được những tác hại của việc kết hôn cận huyết thống nên đã biết tránh xa đàn ông trong bản. Đang bế đứa con trai mới hơn 6 tháng tuổi, Hồ Thị Núi (SN 1994) kể rành rọt: “Trai trong bản toàn anh em họ hàng nên khi Me (chồng Núi) từ Quảng Bình sang xin ở rể thì em ưng cái bụng luôn. Từ đó đến nay, Me ở lại làm rể bản Rào Tre, không về Quảng Bình nữa”.

Những thanh niên lấy được vợ, chồng là người ngoại tộc như Song, Núi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để tránh hôn nhân cận huyết, trai bản sang Quảng Bình để hỏi vợ nhưng bị đuổi đánh, lại quay trở về lấy gái bản. Việc vận động họ sang tìm hiểu, kết hôn với người Kinh là điều rất khó. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để vận động người Kinh lấy người Chứt như: tặng tiền mặt, tặng quà, dựng nhà... nhưng do sự khác biệt về văn hóa, tập quán, lối sống và nhận thức đã hạn chế việc giao lưu, nên cho đến nay, trong bản chỉ mới có 1 người Kinh lấy người Chứt.

Quan tâm chăm sóc SKSS/KHHGĐ

Kết hôn cận huyết thống khiến đồng bào dân tộc Chứt đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nòi giống. Để bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt, ngoài những nỗ lực trong việc tìm biện pháp cho thanh niên trong bản kết hôn ngoại tộc, thời gian qua, BĐBP và chính quyền địa phương cũng nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao kiến thức về SKSS/KHHGĐ nhằm giảm tình trạng trẻ sinh ra bị dị tật, còi cọc, thiểu năng trí tuệ...

Hội LHPN tỉnh giúp đồng bào Chứt trồng vườn rau xanh và hướng dẫn cách chăm sóc để nâng cao chất lượng đời sống.
Hội LHPN tỉnh giúp đồng bào Chứt trồng vườn rau xanh và hướng dẫn cách chăm sóc để nâng cao chất lượng đời sống.

Chị Nguyễn Thị Thắm - cộng tác viên dân số cho biết: “Đồng bào Chứt trước đây còn có tập tục lạc hậu là phụ nữ sinh đẻ thì dựng lều ở bờ suối rồi tự mình vượt cạn, nếu sau 1 tháng, đứa trẻ vẫn còn sống thì mới được đưa về nhà. Nhờ bộ đội vận động, họ đã từ bỏ tập quán này nhưng lại dựng một túp lều khác bên cạnh nhà rồi sinh, đứa trẻ đầy tháng mới được về nhà ở”. Cũng theo chị Thắm, do tập quán sinh đẻ tại nhà nên việc tổ chức truyền thông vận động bà con thực hiện KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với phương thức “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ dân số đã vận động bà con dần từ bỏ các tập tục lạc hậu.

Ngoài tư vấn, vận động từng đối tượng, truyền thông gián tiếp qua hệ thống loa truyền thanh xã, BĐBP cũng đã tác động nhằm thay đổi hành vi sinh sản của bà con dân bản. Phụ nữ trong bản đã biết giãn khoảng cách sinh đẻ, giữ gìn sức khỏe cho bà mẹ và trẻ nhỏ để bảo tồn nòi giống. Họ cũng đã biết đến trạm Y tế xã để sinh nở, những ca sinh khó thì trực tiếp ra Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê nên tỷ lệ tử vong đã giảm nhiều.

Đoàn khối trực thuộc Tỉnh đoàn trao quà cho đồng bào dân tộc Chứt
Đoàn khối trực thuộc Tỉnh đoàn trao quà cho đồng bào dân tộc Chứt

Toàn bản hiện có 20 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có gia đình, trong đó, 10 người đặt vòng tránh thai; 1 người triệt sản và 3 người dùng viên uống tránh thai. Hồ Thị Núi cho biết: “Em vừa đẻ xong thì cán bộ đến tuyên truyền phải KHHGĐ để nuôi con; đẻ nhiều, đẻ dày thì mẹ mất sức mà con cũng còi cọc, suy dinh dưỡng. Em được cán bộ phát thuốc tránh thai và hướng dẫn cách uống. Đến nay, con đã được 6 tháng nhưng em vẫn uống thuốc đều đặn để KHHGĐ”.

Bằng những nỗ lực của BĐBP, chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc Chứt ngày càng thay đổi nhận thức và từng bước xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết thống, nâng cao sức khỏe để phát triển nòi giống. Tuy nhiên, mọi việc đang còn nhiều khó khăn, vất vả…

Chia tay chúng tôi khi chút nắng đông vừa hé lên sau ngọn núi Ka Đay, Trung tá Dương Thanh Tịnh cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu mở rộng đường 71 thông sang huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), tạo điều kiện cho đồng bào Chứt ở ta sang đồng bào Chứt ở Quảng Bình giao lưu, kết bạn, kết hôn. Gần đây, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên cũng đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu để rút ngắn khoảng cách giữa người Chứt và người Kinh, tạo điều kiện “xe duyên” cho họ. Hy vọng rằng, thời gian tới, sẽ có nhiều đám cưới giữa người Kinh với người Chứt”.

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast