Hai sông cùng ra biển lớn

(Baohatinh.vn) - Những ngày tháng 10/2013, cả dân tộc Việt Nam chìm trong nước mắt tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng. Trong niềm kính yêu, thương tiếc và cảm phục vị Đại tướng của nhân dân văn võ song toàn, lòng dân lại một lần nữa tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng cảm phục cách nhìn người tinh tường, sự dày công đào tạo, rèn luyện và phát triển nhân tài của Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thị sát bộ đội diễn tập năm 1957. Ảnh: tư liệu
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thị sát bộ đội diễn tập năm 1957. Ảnh: tư liệu

Bác Hồ và Bác Giáp, hai thế hệ, nhưng cùng chung trái tim yêu nước, lý tưởng cứu nước và giải phóng dân tộc, khát vọng hòa bình thống nhất non sông. Cả hai đều là những bậc trí dũng song toàn, thông minh mưu lược và rất nhân ái chan hòa, tâm hồn thanh cao mà không kém phần lãng mạn. Một người là sông lớn, một người là sông nhỏ. Hai dòng sông ấy tuy ngọn nguồn và lưu lượng dòng chảy khác nhau, đi qua những khúc quanh, ngã rẽ khác nhau, nhưng đều trải qua sóng dữ, đá ngầm, hợp lại nơi biển cả bao la của tình yêu nước và đức hy sinh, chí anh hùng lớn như biển Đông trùng trùng dựng sóng.

Có một điều trùng hợp rất ngẫu nhiên, nhưng với niềm tin thánh thiện của nhân dân thì đó chính là sự sắp xếp của lịch sử, của tiên tổ nước Việt. Ngày 5/6/1911, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành xuống tàu trên bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước thì ngày 25/8/1911, ở làng quê nghèo An Xá, bên bờ sông Kiến Giang, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), một bé trai khôi ngô, tuấn tú, dung mạo khác thường cũng ra đời trong một gia đình yêu nước. Người đi tìm hình của nước trong bóng đêm nô lệ, nhưng khi trở về Tổ quốc đảm nhận vai trò giải phóng dân tộc phải có nhiều người khác chung vai gánh vác thì việc giang sơn mới đại thành. Một trong những người tiêu biểu cùng chung vai gánh vác với Bác Hồ chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong cuốn Hồi ký của mình (NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2011), Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại: Những năm 30 của thế kỷ XX, khi còn là sinh viên hoạt động trong phong trào yêu nước ở Huế, anh đã nhiều lần nghe các bạn thầm thì tai nhau chuyện Nguyễn Ái Quốc bôn ba cứu nước, viết báo Người cùng khổ ở Pari. Rồi họ tìm được một tấm ảnh Nguyễn Ái Quốc “Với trí tưởng tượng và lòng kính phục của chúng tôi, đấy là hình ảnh sáng ngời của người thanh niên cách mạng, đầy nhiệt tình và chí lớn”(*).

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, mùa xuân năm 1940, Bác về Trung Quốc tập hợp những người yêu nước đã vượt biên giới sang Côn Minh, Quế Lâm, huấn luyện đào tạo họ để trở về nước chuẩn bị chờ thời cơ đứng dậy khởi nghĩa. Cùng thời gian này, thầy giáo dạy sử Trường Tư thục Thăng Long Võ Nguyên Giáp giã từ người vợ trẻ và đứa con thơ để cùng 2 đồng chí Phùng Chí Kiên và Phạm Văn Đồng vượt biên giới Lào Cai, Hà Khẩu, qua con sông Nậm Tì để đến Vân Nam rồi lên Côn Minh chờ gặp một người rất đặc biệt mang tên Vương.

Sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng, ngày thiêng liêng trong đời anh cũng đến. Đó là vào tháng 6/1940, trên một con thuyền ở Thúy Hồ, Võ Nguyên Giáp đã thấy một người đứng tuổi, gầy gò, có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám. “Tôi nhận ra ngay đó chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều… Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi thấy mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị”(*).

Những lần gặp sau đó, Bác Hồ đã mở mang tầm nhận thức cho Bác Giáp về nhiệm vụ chống Nhật, sau đó, cử Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng lên Diên An học tập chính trị và quân sự. Dường như Người đã nhận ra năng lực chỉ huy quân đội của Bác Giáp hồi đó nên dặn đi dặn lại: “Cố gắng học thêm quân sự”.

Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ quyết định giao toàn quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp với câu nói nổi tiếng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền… Ảnh tư liệu của TTXVN
Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ quyết định giao toàn quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp với câu nói nổi tiếng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền… Ảnh tư liệu của TTXVN

Năm 1941, Bác Hồ trở về biên giới Cao Bằng và chọn hang Pác Bó làm nơi hoạt động cách mạng. Mấy tháng sau, Võ Nguyên Giáp cũng trở về đây gặp Bác. Bác thành lập tờ báo Việt Nam độc lập và giao Võ Nguyên Giáp viết một số bài cho tờ báo này, sau đó giao nhiệm vụ đi mở lớp luyện cán bộ.

Sau hơn 1 năm ngồi trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác được tự do và được trở về nước. Thời gian này, qua thử thách và tôi luyện, Võ Nguyên Giáp đã trưởng thành về chính trị, quân sự, tháng 9/1944, Bác đã quyết định thành lập Đội quân giải phóng. Trong một cuộc họp, Bác đã hỏi Đại tướng: “Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không? Đại tướng đã trả lời “Có thể được”.

Những ngày sau đó, Bác đã vạch kế hoạch hoạt động cho Đội và thêm hai chữ “tuyên truyền” vào sau đó. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời. Không phụ lòng tin tưởng, yêu mến của Bác, Đội trưởng Võ Nguyên Giáp đã dốc hết sức lực và trí tuệ để chỉ huy, phát triển lực lượng quân đội ngày càng lớn mạnh. Từ chỗ 34 chiến sĩ và một số vũ khí thô sơ, quân đội ta đã lớn mạnh thành sư đoàn, đại đoàn, vũ khí hiện đại...

Ngày 30/11/1946, Bác Hồ đã ban sắc lệnh ủy quyền Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ cho Võ Nguyên Giáp. Ngày 20/10/1948, Bác ký Sắc lệnh 110, phong Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia, giữ cấp hàm Đại tướng không theo cấp bậc quân hàm thứ tự. Và buổi lễ diễn ra trong không khí thật trang nghiêm, xúc động. Những ngày mở màn chiến dịch Biên giới 1950, Bác đã đi cùng đoàn TNXP, bộ đội, quan tâm thăm hỏi từng người. “Bác là linh hồn của chiến dịch, linh hồn của chiến thắng”(*). Và người luôn theo sát bên Bác để nhận sự chỉ huy, định hướng chiến lược, phê chuẩn kế hoạch tác chiến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã quyết định giao toàn quyền cho Đại tướng với câu nói nổi tiếng mà suốt đời Bác Giáp không quên được: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền… Khi chia tay, Bác nhắc: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh. Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng”(*)… Chỉ mấy lời ngắn gọn ấy, nhưng là cả trọng trách lớn lao, sứ mệnh thiêng liêng Bác giao khiến Đại tướng mất ăn, mất ngủ, vò đầu suy nghĩ nước cờ chiến trận: kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra.

Thắng lợi rực rỡ của trận Điện Biên “chấn động địa cầu” không chỉ khẳng định tài chỉ huy của Đại tướng mà còn thể hiện tài dụng nhân của Bác. Chỉ có Bác mới nhìn thấy trong vóc dáng thư sinh của thầy giáo dạy sử ấy một tiềm năng, sức mạnh lớn lao, trí thông minh tuyệt vời, sự quyết đoán, đầu óc linh hoạt, suy nghĩ chắc chắn, bao trùm tất cả là lòng yêu nước mãnh liệt cần được khơi dậy, phát huy để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó. Đọc cuốn Hồi ký của Đại tướng, một điều nổi lên rất rõ là niềm tin son sắt, sự ngưỡng mộ, kính yêu vô vàn, quyết tâm làm trọn lời Bác Hồ dạy của một người học trò được người thầy vĩ đại tin tưởng. Đại tướng đã biến tư tưởng của Bác Hồ thành hành động cách mạng. Noi gương Bác, cả cuộc đời Đại tướng đã cống hiến, hy sinh cho dân tộc, với một tư duy chiến lược, tầm xa, biện chứng và lối sống trong sáng, giản dị, gần gũi, hòa đồng với chiến sĩ và nhân dân, tâm hồn lạc quan phơi phới.

Hình ảnh Bác luôn nồng ấm và chất chứa trong con người Đại tướng, dù Bác đã đi xa mấy chục năm. Dòng sông nhỏ đã hòa vào đại trường giang, tiếp nhận hết sự trong mát, bao la, cuồn cuộn và mạnh mẽ để cùng chảy về một biển của lòng yêu nước và tinh thần cách mạng tiến công, tình yêu thương nhân dân vô bờ bến. Giờ đây, chắc hai linh hồn vĩ đại ấy đã gặp nhau nơi cõi bất tử của lòng dân, trong cuộc hội ngộ với các bậc tiên hiền tiên liệt để cùng độ trì cho Việt Nam giàu đẹp và hùng cường.

_______

(*) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký - NXB QĐND 2011.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast