Lập lại trật tự khai thác khoáng sản bắt đầu từ đấu giá

(Baohatinh.vn) - Tình trạng thất thoát tài nguyên, đặc biệt là nguồn khoáng sản đã và đang diễn ra trên khắp các địa phương trong cả nước. Khoáng sản “chảy” đi cũng đồng nghĩa với việc không phát huy hết tiềm năng kinh tế hay ngân sách nhà nước bị “mất trắng” nguồn thu. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản bắt đầu từ quý II/2015 tại Hà Tĩnh hy vọng mở “đường lớn” để lập lại trật tự khai thác trên địa bàn.

Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản theo cơ chế “xin cấp”, khai thác “sôi động” nhưng ngân sách nhà nước thu được không đáng kể; người dân địa phương ít hoặc không được hưởng lợi ích từ hoạt động khai khoáng. Đặc biệt, năm 2005 sửa đổi một số điều của Luật Khoáng sản, phân cấp cho các địa phương nên diễn ra tình trạng cấp phép nhỏ lẻ. Tính đến tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh có 98 đơn vị đang khai thác và chế biến khoáng sản tại 109 mỏ (giấy phép khai thác còn hiệu lực). Ngoài ra, hàng chục điểm mỏ khai thác lậu vẫn hàng ngày “hút” dần từng m3 đất, cát, sỏi… trên khắp địa bàn trong tỉnh.

Lập lại trật tự khai thác khoáng sản bắt đầu từ đấu giá ảnh 1

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản hy vọng mở “đường lớn” để lập lại trật tự khai thác trên địa bàn.

Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp (DN) không đủ năng lực về công nghệ, tài chính, thiết bị lẫn kinh nghiệm nhưng vẫn được cấp mỏ khai thác, chế biến, dẫn tới việc chế biến thô sơ, không phù hợp với đặc điểm và thành phần khoáng vật của quặng nên hiệu quả kinh tế không cao. Một số DN có lợi thế hơn lại khai thác ồ ạt, không theo thiết kế và quy hoạch làm ảnh hưởng đến môi trường; xe chở quá tải phá hỏng đường giao thông, gây sạt lở bờ sông… Hiện tại, ngoài số ít DN đầu tư sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến thì chủ yếu vẫn là khai thác thô rồi xuất bán ra thị trường…

Trước thực trạng khá…“rối rắm” đó, trên cơ sở Quyết định số 411 của Bộ TN&MT, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 169 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 trên địa bàn với 6 mỏ cát xây dựng. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản, Sở TN&M, Thư ký Hội đồng Đấu giá cho biết: “Đấu giá khai thác khoáng sản sẽ giúp lựa chọn được những DN có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm khai thác; đồng thời, dần xóa bỏ cơ chế xin cấp trước đây, thay vào đó, các DN muốn khai thác sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác, hướng tới việc đấu giá công khai, minh bạch. Cùng với việc đấu giá, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền giá sàn của đấu giá cũng sẽ loại được nhiều DN, bởi khi phải trả tiền, những DN làm ăn không hiệu quả sẽ phải tự rút”.

Hiện, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập hội đồng đấu giá và các thành viên hội đồng đang tập trung hoàn thành hồ sơ. Theo đó, thông tin về các mỏ khoáng sản được đấu giá, thủ tục hồ sơ, yêu cầu về năng lực của DN đăng ký khai thác đối với từng mỏ sẽ được công khai, minh bạch. Các DN tham gia đấu giá phải đủ vốn thực hiện dự án, có trình độ chuyên môn về khai thác, kinh nghiệm sản xuất. Trên cơ sở đó, các DN đủ điều kiện sẽ được vào vòng trong tham gia đấu giá đơn vị nào trả giá cao hơn thì được khai thác.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm: “Hiện, đã xác định được 6 mỏ cát xây dựng để tiến hành đấu giá trong đợt này. Trong đó, các mỏ diện tích từ 1,5-5 ha có giá khởi điểm từ 200-500 triệu đồng/mỏ. Để tránh rủi ro cho DN khi phải bỏ số tiền lớn đấu giá quyền khai thác, nhưng trữ lượng mỏ lại thấp, đồng thời, tránh tình trạng Nhà nước “bán rẻ” mỏ trữ lượng lớn, DN có thể tự bỏ vốn thuê các công ty, chuyên gia sâu tham gia tư vấn, thăm dò dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ trên cơ sở trữ lượng thăm dò lại, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt và có sự điều chỉnh hợp lý. Để kịp triển khai trong thời gian sớm nhất, Hội đồng Đấu giá đang hoàn thành hồ sơ cụ thể đối với từng mỏ để công khai cho các DN có nhu cầu tìm hiểu và tiến hành đấu giá”.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast