Thực phẩm bếp ăn bán trú ở Lộc Hà: “Cược” niềm tin vào nhà cung cấp!

(Baohatinh.vn) - Do nhiều nguyên nhân nên còn nhiều trường học tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm có uy tín, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Việc đảm bảo ATVSTP phải "đặt cược" niềm tin vào nhà cung cấp.

Thực phẩm bếp ăn bán trú ở Lộc Hà: “Cược” niềm tin vào nhà cung cấp!

Bên cạnh nâng cao chất lượng GD-ĐT, các nhà trường cũng cần đảm bảo tốt bữa ăn để trẻ phát triển thể chất.

Ngày 13/9, Phòng GD&ĐT Lộc Hà có văn bản số 164/PGD-ĐT yêu cầu các nhà trường trên địa bàn phải hợp đồng mua bán thực phẩm với các đơn vị cung ứng, cơ sở có uy tín, có hồ sơ năng lực kinh doanh được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Tuy nhiên, một số trường học chưa tìm được đơn vị cung cấp thực phẩm (chủ yếu là các loại thực phẩm tươi sống, chưa chế biến như thịt, cá, rau củ quả) đủ năng lực nên vẫn phải ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm nhỏ lẻ, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Thực phẩm bếp ăn bán trú ở Lộc Hà: “Cược” niềm tin vào nhà cung cấp!

Một số bếp ăn bán trú trường học ở Lộc Hà đang sử dụng thực phẩm từ các đơn vị nhỏ lẻ, thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP.

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Bằng Nguyễn Thị Thủy (Lộc Hà) thừa nhận: "Do nhiều nguyên nhân khách quan nên chúng tôi chưa thể ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín. Nhà trường cũng lúng túng trong việc kiểm soát thực phẩm, bởi vì để kiểm tra nguồn hàng đó có thực sự an toàn hay không thì phải có các cơ quan chức năng. Đến nay, nhà trường vẫn phải lựa chọn thực phẩm từ các cửa hàng bán lẻ, hoặc từ chính một số phụ huynh có con em theo học trong trường.

Nguyên nhân là do trên địa bàn thiếu các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh thực phẩm có năng lực và đủ điều kiện về ATVSTP theo yêu cầu. Do đó, nhà trường đang nỗ lực phối hợp cùng hội phụ huynh tìm kiếm các đơn vị đủ uy tín, có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Hiện tại, nhà trường vẫn tiến hành lưu mẫu bao gồm cả mẫu thực phẩm sống và sau khi nấu chín theo quy định. Ngoài ra, về các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh, sữa, gia vị... thì chúng tôi lựa chọn các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng".

Thực phẩm bếp ăn bán trú ở Lộc Hà: “Cược” niềm tin vào nhà cung cấp!

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Thạch Bằng.

Cô Trần Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Kim cho rằng: "Việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ là một trong những nội dung được nhà trường chú trọng nhất. Nhưng để tìm được nhà cung ứng thực phẩm chất lượng thì các nhà trường còn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù chúng tôi đã ký hợp đồng rõ ràng, cụ thể với các đơn vị cung cấp thực phẩm, nhưng thực tế nhiều đơn vị đó chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Các loại thực phẩm tươi như thịt, cá, rau củ thì các đầu bếp chỉ có thể lựa chọn bằng mắt thường chứ không có chuyên môn, máy móc để kiểm tra.

Thời gian tới, việc tìm kiếm và hợp đồng với các đơn vị cung ứng đủ điều kiện là tất yếu không chỉ bởi quy định của ngành mà còn để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho học sinh. Đồng thời chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà cung cấp thực phẩm để thực phẩm “bẩn” không có cơ hội tràn vào các bữa ăn học đường".

Thực phẩm bếp ăn bán trú ở Lộc Hà: “Cược” niềm tin vào nhà cung cấp!

Các cấp lãnh đạo huyện Lộc Hà thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm của các trường có tổ chức ăn bán trú.

Để đảm bảo các quy định về đảm bảo ATVSTP, công tác kiểm tra các trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú đang được huyện Lộc Hà thực hiện thường xuyên.

Chúng tôi có cơ hội theo chân lãnh đạo huyện Lộc Hà đi kiểm tra một số bếp ăn trên địa bàn. Bằng cảm quan có thể thấy các bếp ăn đều có vị trí, thiết kế, bố trí... đáp ứng yêu cầu ATVSTP. Dụng cụ nấu nướng, chế biến, bảo quản, chứa đựng đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Nhà ăn đều sạch sẽ, thoáng mát, nhân viên được tập huấn kiến thức ATVSTP.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà Phan Thanh Dân cho biết: Hiện tại, toàn huyện có 17 trường học có tổ chức ăn bán trú cho học sinh, trong đó có 12 trường mầm non và 5 trường tiểu học. 100% trường đã chọn mua các loại bánh, sữa từ các nhà cung cấp đủ điều kiện.

Tuy vậy, về các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau xanh các loại... vẫn còn khoảng 50% trường chưa ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng, cơ sở có uy tín, có hồ sơ năng lực kinh doanh được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Với các trường này, ngành sẽ phối hợp để giới thiệu các đơn vị có năng lực, đảm bảo yêu cầu.

Đồng thời, siết chặt kiểm tra và yêu cầu các trường thực hiện nghiêm theo văn bản số 164/PGD-ĐT. Đặc biệt, giao trực tiếp trách nhiệm cho hiệu trưởng các nhà trường, nếu có đơn vị vi phạm, ngành sẽ xử lý nghiêm những người đứng đầu.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast