“Đổi mới phương thức hành động để tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam”

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24/3), Ban chỉ đạo Chương trình chống lao Hà Tĩnh vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống lao giai đoạn 2011 với chủ đề: “Đổi mới phương thức hành động để tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam”.

Hiện nay, tổ chức Y tế thế giới xem bệnh lao là vấn đề y tế công cộng, một trong những nguyên nhân chính gây tử vong nhiều nhất trên thế giới.

Không những thế, nhiều vấn đề mới nảy sinh, thậm chí được đánh giá nghiêm trọng trên toàn cầu làm cho công tác phòng chống lao ngày càng gặp khó khăn, đe doạ sự phá vỡ những thành quả đã đạt được.

Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Tại Hà Tĩnh, năm 2010, tổng số bệnh nhân lao mọi thể là 1.450 bệnh nhân, trong đó có 801 bệnh nhân AB (+). Theo ước tính, có khoảng 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV.

Với sự nỗ lực không ngừng của chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG), chúng ta mới phát hiện được 60% bệnh nhân lao mới và khoảng 10% số bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hàng năm.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận các nội dung về phòng chống lao giai đoạn 2011-2015 tại Hà Tĩnh và đề ra một số giải pháp như: tranh thủ tối đa mọi nguồn lực; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục huy động xã hội nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao; xây dựng, củng cố hoàn thiện mạng lưới chống lao các tuyến; tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa y tế dự phòng và các cơ sở KCB; đẩy mạnh phối hợp hoạt động y tế công - tư…

Nhân dịp này, Chương trình phòng chống lao Hà Tĩnh kiến nghị với tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương về hỗ trợ nguồn lực, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, về cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ phòng chống lao và sự vào cuộc, phối hợp tích cực để phòng chống lao có hiệu quả.

Mục tiêu đề ra của CTCLQG đến năm 2015 là giảm 50% số người mắc lao so với năm 2000 và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Mục tiêu này yêu cầu sự đổi mới toàn diện trong chiến lược chống lao, đó là đổi mới tư duy, có sự tham gia đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp; tăng cường đầu tư đủ nguồn lực, mở rộng các đối tác tham gia chống lao ở tất cả các lĩnh vực và tất cả các tuyến; áp dụng các kỹ thuật mới, các thuốc mới, vắc xin mới trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; có phương pháp tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh lao có chất lượng cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast