Không chỉ là thất thoát ngân sách

Thực hiện chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, những năm qua Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng hang trăm công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, mục tiêu ban đầu của các công trình được đầu tư xây dựng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, với các công trình không phát huy hiệu quả không chỉ làm thất thoát ngân sách mà trên hết là gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Do không được khảo sát, công trình cấp nước tập trung ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) xây dựng xong nhưng không có nguồn nước sử dụng nên nằm “đáp chiếu”
Do không được khảo sát, công trình cấp nước tập trung ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) xây dựng xong nhưng không có nguồn nước sử dụng nên nằm “đáp chiếu”

Đáng mừng...

Trong nhiều năm qua, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được các cấp, ngành và người dân đặc biệt quan tâm. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: Ngân sách tập trung từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn của các tổ chức Phi Chính phủ, các đoàn thể, hỗ trợ cho vay và nguồn đóng góp của nhân dân, Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm được hàng chục ngàn công trình nước sạch cho các hộ gia đình, đặc biệt là đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung. Theo báo cáo từ Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (TT NSH-VSMT) và các chủ đầu tư, đã có 56 công trình cấp nước tập trung được xây dựng với số vốn hơn 311 tỷ đồng. Có thể nói, từ những công trình mang đậm tính nhân văn này đã góp phần mang lại nhiều kết quả trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ý nghĩa thiết thực. Tính đến nay, đã có 809.675 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 76,67%, trong đó có 509.500 người dân được sử dụng nước đạt Quy chuẩn (QC02), chiếm tỷ lệ 48,37%.

Công trình cấp nước tập trung ở xã Bắc Sơn (Thạch Hà) - một trong những công trình hiếm hoi còn phát huy tác dụng
Công trình cấp nước tập trung ở xã Bắc Sơn (Thạch Hà) - một trong những công trình hiếm hoi còn phát huy tác dụng

Nhìn chung, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT trên địa bàn cơ bản bám sát nội dung, kế hoạch đề ra. Việc lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Qua công tác thông tin, giáo dục - truyền thông đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường. Bằng các hình thức đầu tư hỗ trợ các hộ gia đình ở những vùng khó khăn về nước sạch bằng các phương án khác nhau như xây bể chứa nước mưa, xây bể lọc nước, làm giếng hộ gia đình…và xây các công trình vệ sinh tự hoại, làm bể BIOGA được nhân dân đồng tình và hưởng ứng mạnh mẽ và phát huy tác dụng.

Và yếu kém

. Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn ở tỉnh ta cũng bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém. Tồn tại lớn nhất trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT trên địa bàn là nguồn vốn đầu tư xây dựng lớn nhưng hiệu quả đạt thấp, gây lãng phí ngân sách, nhất là trong việc tổ chức xây dựng các công trình cấp nước tập trung. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 56 công trình cấp nước sạch tập trung, với tổng nguồn vốn đầu tư là: 311.768 triệu đồng. Theo báo cáo của các chủ đầu tư thì trong 56 công trình, có 25 công trình hoạt động tốt; 14 công trình hiện đang xuống cấp, chỉ sử dụng được một phần; 17 công trình hư hỏng hoàn toàn, không sử dụng được.

Công trình cấp nước tập trung của xã Kỳ Nam (Kỳ Anh) không đảm bảo nguồn nước sạch, không được quản lý, sửa chữa.
Công trình cấp nước tập trung của xã Kỳ Nam (Kỳ Anh) không đảm bảo nguồn nước sạch, không được quản lý, sửa chữa.

Thế nhưng, trên thực tế trong số 56 công trình chỉ còn 21 công trình cấp nước tập trung còn hoạt động, chủ yếu là các nhà máy nước cấp nước cho đô thị. Có 10 công trình cấp nước cho khu vực nông thôn hoạt động tốt do UBND xã và các HTX quản lý; còn lại 14 công trình chỉ hoạt động một phần nhỏ; đặc biệt có 21 công trình bị hư hỏng hoàn toàn. Điều đáng nói là nhiều công trình xây dựng xong chưa đưa vào sử dụng đến nay xuống cấp không thể phục hồi, hoặc mới được đầu tư thiết bị còn tốt nhưng không đưa và sử dụng được do không có nguồn nước như công trình ở Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), Đức Dũng (Đức Thọ), Thạch Long (Thạch Hà)…

Đi tìm nguyên nhân

Có nhiêu nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, trong đó nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch, kế hoạch nhất là quy hoạch xây dựng các điểm cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn không được quan tâm chú ý. Đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa có số liệu khảo sát và cũng chưa lập được quy hoạch nên nhiều công trình cấp nước tập trung không có nguồn nước sử dụng hoặc sử dụng được một thời gian ngắn thì hết nguồn nước và phải nằm “đắp chiếu”. Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, bàn giao, quản lý khai thác bộc lộ nhiều tồn tại, các chủ đầu tư chỉ mới coi trọng việc xây dựng công trình và giải ngân nguồn vốn, chưa chú trọng tới việc bàn giao, quản lý, khai thác, duy tu sửa chữa các công trình. Thậm chí, nhiều công trình xây dựng xong rơi vào tình trạng vô chủ, các hộ dân tự ý khai thác, thậm chí tháo gỡ các thiết bị, máy móc dẫn đến lãng phí thất thoát.

Công trình cấp nước tập trung tại xã Nam Hương bị hư hỏng, không phát huy tác dụng.
Công trình cấp nước tập trung tại xã Nam Hương bị hư hỏng, không phát huy tác dụng.

Sự phối kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan có liên quan trên lĩnh vực không chặt chẽ, không nắm chắc được số liệu về tính hình xây dựng, quản lý và hiệu quả sử dụng các công trình để có phương án xử lý thích hợp. Nhiều công trình cấp nước tập trung, chất lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn, thậm chí có nguồn nước rất bẩn như ở Kỳ Nam vẫn cấp cho dân sử dụng. Theo Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 09/4/2008 của UBND tỉnh, từ năm 2008 đến nay, công tác tác quy hoạch, khảo sát, quyết định đầu tư, xây dựng mô hình quản lý, vận hành khai thác các công trình sau đầu tư được thực hiện tại một đầu mối là Trung tâm NS-VSMTNT. Tuy vậy, do chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã dẫn đến thực tế nhiều chủ đầu tư khác xây dựng công trình nước sạch tập trung trên địa bàn nhưng Trung tâm không nắm được hoặc nắm bắt không đầy đủ; chưa tham gia ý kiến hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét tính phù hợp với quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại của các công trình cấp nước tập trung trước khi phê duyệt, quyết định chấp thuận cho các đơn vị ngoài Trung tâm đầu tư xây dựng.

Lời kết

Để chương trình nhân văn này phát huy hiệu quả, đảm bảo mục đích nguyên nghĩa của nó thì cần lắm sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, đặc biệt là vai trò chủ đạo của Trung tâm NS-VSMTNT. Cần tiến hành khảo sát toàn diện thực trạng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện, có phương pháp quản lý công trình để sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung, cần quan tâm công tác vận hành, quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân. Có như thế, các dự án đầu tư thực hiện chương trình mới phát huy tác dụng đích thực, tránh gây thất thoát ngân sách và quan trọng nhất là lấy lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast