Dáng vóc thành phố trẻ

(Baohatinh.vn) - Bảy năm chưa phải là dài, nhưng trong ngần ấy thời gian khoác lên mình chiếc áo mới, TP Hà Tĩnh đã có bước phát triển toàn diện. Với chính sách ưu tiên nguồn lực phát triển DV-TM, dành sự quan tâm thỏa đáng xây dựng không gian và chất lượng đô thị, dáng vóc mới của thành phố đang dần hiện hữu.

Thành phố Hà Tĩnh vươn mình lớn mạnh
Thành phố Hà Tĩnh vươn mình lớn mạnh

Trên góc độ so sánh lợi thế vùng, hiếm địa phương nào lại có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển TM-DV-DL như TP Hà Tĩnh. Với vị thế của một trung tâm kinh tế - chính trị, VH-XH của tỉnh, TP Hà Tĩnh hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển TM-DV-DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính là khâu đột phá đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Bí thư Thành ủy Ngô Đức Huy cho biết, từ kết quả thực hiện các nhiệm vụ, thời gian qua, đặc biệt là định hướng phát triển những năm tới, BCH Đảng bộ thành phố đã ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển TM-DV-DL. Quán triệt tinh thần nghị quyết, thành phố đã cụ thể hóa bằng chiến lược và các quy hoạch phát triển trong những năm tiếp theo nhằm xây dựng tầm nhìn dài hạn, gắn trong tổng thể định hướng quy hoạch chung của tỉnh, trong đó, ưu tiên đón đầu những cơ hội và tiềm năng phát triển TM-DV-DL trong tương lai. Đồng thời, bố trí quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, đại lý, kho hàng, bến bãi... một cách hợp lý; đảm bảo quỹ đất để bố trí quy hoạch cho các tuyến phố chuyên kinh doanh, du lịch sinh thái, nhà hàng, khách sạn, đặc biệt là các dịch vụ như: văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, y tế, đào tạo...

Quyết tâm lớn đã được thực hiện bằng những giải pháp rõ ràng. Để thúc đẩy lĩnh vực TM-DV-DL phát triển, theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng, trước tiên, thành phố tạo điều kiện đẩy nhanh các loại hình dịch vụ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin (CNTT). Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, thành phố có 12 chi nhánh ngân hàng thương mại và hàng chục phòng giao dịch, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đầu tư cho các khách hàng trên địa bàn hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng dư nợ cho vay.

Song hành cùng lĩnh vực tài chính ngân hàng, hệ thống bưu chính viễn thông ngày càng phát triển đa dạng. Và một ngày không xa, khi khu trung tâm CNTT tập trung được xây dựng, thành phố sẽ trở thành trọng điểm phát triển CNTT của khu vực Bắc Trung bộ, với các sản phẩm công nghiệp CNTT tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ nhu cầu phát triển ngành CNTT tỉnh nhà.

TP Hà Tĩnh là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của tỉnh
TP Hà Tĩnh là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn của tỉnh

Sự năng động của hệ thống ngân hàng, bưu chính viễn thông, nền kinh tế thành phố đã chuyển dịch mạnh theo hướng TM-DV. Hệ thống trung tâm thương mại, chợ, siêu thị hoạt động ngày càng hiệu quả; hình hài của các tuyến phố kinh doanh chuyên biệt bắt đầu được hình thành. Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố, năm 2013, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ước đạt trên 5.150 tỷ đồng, bằng 105,1% kế hoạch và tăng 12,7% so với năm 2012. Giá trị sản xuất ngành TM-DV ước thực hiện đạt 2.379 tỷ đồng, bằng 102,5% kế hoạch và tăng 17,0% so với năm 2012.

Từ trong khó khăn, hàng loạt công trình, dự án lớn như: Bệnh viện Đa khoa thành phố, Trung tâm thương mại Minh Khai, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải, cùng với các tuyến phố mới: Hàm Nghi, Hải Thượng Lãn Ông kéo dài, đại lộ Xô-viết Nghệ Tĩnh… được hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ điểm tô vẻ đẹp khỏe khoắn cho thành phố trẻ, mà còn phản ánh tầm nhìn của cấp ủy, chính quyền trong việc tập trung nguồn lực xây dựng các công trình phụ trợ cần thiết cho phát triển TM-DV-DL.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng, thời gian tới, cùng với việc tạo mọi điều kiện thu hút, đẩy mạnh đầu tư phát triển thương mại và các loại hình dịch vụ chất lượng cao; mời gọi đầu tư, xây dựng các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại… thành phố sẽ tập trung khai thác tiềm năng các di tích văn hóa gắn với du lịch tâm linh, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, tham gia hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ cho cả tỉnh.

Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo không gian, chất lượng đô thị luôn được các cấp chính quyền thành phố coi trọng. Thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ, kêu gọi các dự án đầu tư, thành phố từng bước khắc phục những yếu kém của hệ thống thoát thải trên địa bàn, thu gom, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Bài toán xử lý rác thải sinh hoạt đã được giải quyết với sự ra đời của nhà máy sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Cẩm Quan – Cẩm Xuyên). Ngoài ra, thành công của dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung do Ngân hàng Phát triển châu Á và cơ quan phát triển Cộng hòa Pháp tài trợ không những giúp TP Hà Tĩnh cải thiện năng lực tiêu úng, thoát lũ, mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Được biết, hiện thành phố đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để khởi công các gói thầu dự án phát triển đô thị loại 2, với tổng mức đầu tư 43 triệu USD, do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ, trong vòng 4 năm (2014-2018), thành phố sẽ cơ bản hoàn chỉnh hệ thống giao thông, giải quyết vấn đề thoát thải thông qua việc hoàn chỉnh 5 tuyến thoát nước chính của thành phố từ trung tâm ra sông Rào Cái; tiếp tục triển khai dự án quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu; xúc tiến dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị…

Theo tâm tư của những người gắn bó, tâm huyết với thành phố, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố trẻ sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách trên con đường hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 2. Bởi vậy, ngoài quyết tâm, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, sự giúp đỡ, sẻ chia của các bộ, ngành trung ương và tỉnh là động lực to lớn để thành phố vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị, VH-XH của tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast