Thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm ATGT đường thủy nội địa!

(Baohatinh.vn) - Thực trạng các phương tiện thủy nội địa “3 không”, đặc biệt là sà lan dùng để khai thác và vận chuyển cát xây dựng như Báo Hà Tĩnh đã phản ánh ở bài trước là thực tế đang diễn ra hàng ngày, các cơ quan chức năng không thể không biết. Nhưng làm thế nào để đẩy lùi, tiến tới xử lý triệt để tình trạng này là bài toán không dễ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

>> ATGT đường thủy nội địa: Báo động phương tiện “3 không”!

Thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm ATGT đường thủy nội địa! ảnh 1
Do chở quá tải trọng nên chỉ cần một sơ suất nhỏ là sà lan có thể chìm bất cứ lúc nào

Thực tế cho thấy, 109 phương tiện thủy nội địa, chủ yếu là sà lan khai thác và vận chuyển cát phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh đang hoạt động bất hợp pháp do chưa đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái thuyền..., đang tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Vụ sà lan đâm sập cầu Cơn Độ bắc qua kênh Nhà Lê vừa qua là một ví dụ điển hình. Tuy không thiệt hại về người, nhưng sự cố này đã làm gián đoạn giao thông trong thời gian khá lâu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và hoạt động đi lại, sinh hoạt của người dân địa phương và khu vực lân cận. Được biết, để làm lại cầu Cơn Độ phải mất 19 tỷ đồng, trong khi đó, ngân sách của nhà nước còn rất khó khăn.

Tình trạng phương tiện thủy “3 không” vẫn được sử dụng khai thác và vận chuyển cát, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đều nắm rất rõ. Vậy, tại sao các phương tiện này vẫn ngang nhiên hoạt động? Đem vấn đề này trao đổi với Đại tá Nguyễn Phúc Tiến - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy (Công an tỉnh), ông cho rằng: Mặc dù biết rất rõ số sà lan khai thác và vận chuyển cát không có đầy đủ các thủ tục cần thiết, nhưng rất khó xử lý vì nhiều lý do. Thứ nhất, khi lực lượng CSGT đường thủy xuất hiện thì hầu hết chủ sà lan đều tìm cách lẩn trốn và cho phương tiện “sơ tán”. Thứ hai, dù có bắt được thì cũng phải... thả sớm do hiện nay chúng ta không có âu thuyền để tạm giữ các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.

Thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm ATGT đường thủy nội địa! ảnh 2
Chiếc sà lan có trọng tải trên 100 tấn này nhưng chưa được đăng ký, đăng kiểm

Một thực tế nữa là hầu hết các chủ thuyền rất hiếm khi có mặt trên thuyền, mà đều thuê “lơ lái” làm nhiệm vụ khai thác và vận chuyển cát đến nơi tiêu thụ. Do đó, khi bị lực lượng CSGT xử lý thì họ “vô can” (?!). Thậm chí, có nhiều trường hợp bỏ cả thuyền lại, nhưng lực lượng CSGT không thể tạm giữ phương tiện vì không có âu thuyền và nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo vệ tài sản trên thuyền... Cũng theo Đại tá Nguyễn Phúc Tiến, lực lượng CSGT đường thủy đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh cấp kinh phí xây dựng âu thuyền để có nơi tập kết và xử lý các phương tiện vi phạm nhưng chưa được tỉnh đồng ý.

Những lý do mà Trưởng phòng CSGT đường thủy nêu ra theo chúng tôi là chưa đủ thuyết phục, bởi có chăng đó mới chỉ là “phần ngọn” chứ chúng ta chưa xử lý tận gốc rễ vấn đề. Không chỉ lực lượng chức năng, nòng cốt là CSGT đường thủy và thanh tra giao thông, mà chính quyền địa phương cũng đang hời hợt trong công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động. Theo thông tin chúng tôi nắm được, hầu hết các phương tiện “3 không” này chưa lần nào bị các lực lượng chức năng “sờ gáy”. Có chăng chỉ bị xử phạt lỗi khai thác cát trái phép, chứ chưa bị xử lý về vấn đề ATGT đường thủy, an toàn kỹ thuật của phương tiện.

Thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm ATGT đường thủy nội địa! ảnh 3
Sẽ hết sức nguy hiểm khi những chiếc sà lan như thế này xẩy ra sự cố

Tại các địa phương có số lượng phương tiện thủy nội địa hoạt động nhiều như Đức Thọ, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh, các phòng chuyên môn phụ trách và quản lý trên lĩnh vực này đều không nắm được trên địa bàn có bao nhiêu phương tiện thủy nội địa; bao nhiêu phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm; bao nhiêu người lái thuyền có giấy phép lái thuyền… Ông Trần Đình Tài - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Thọ thừa nhận: “Thời gian qua, chúng tôi cũng chưa thực hiện quyết liệt trong vấn đề này. Sắp tới, phòng sẽ tham mưu UBND huyện thành lập đoàn công tác gặp trực tiếp các chủ thuyền. Trước hết là tuyên truyền, vận động, tiếp đó sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về đăng ký, đăng kiểm và giấy phép lái thuyền theo quy định”.

Thiết nghĩ, muộn còn hơn không! Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các ngành chức năng và địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, quản lý phương tiện thủy nội địa, nhất là các thuyền, sà lan hoạt động khai thác, vận chuyển cát; tăng cường tuần tra, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp phương tiện không đăng ký, đăng kiểm và không có giấy phép lái thuyền. Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đăng ký, đăng kiểm... Làm được như vậy, tình trạng phương tiện thủy nội địa “3 không” như hiện nay sẽ từng bước được đẩy lùi.

Vấn đề ATGT đường thủy nội địa sẽ đi vào quy củ, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông đường thủy và nhiều hệ lụy khác liên quan đến những phương tiện “3 không” này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast