Xung đột Azerbaijan và Armenia: Mối đe dọa từ kho vũ khí “khủng” của 2 bên

Azerbaijan được cho là đã sử dụng máy bay không người lái có vũ trang Bayraktar TB2 tấn công vào các cứ điểm của lực lượng Armenia.

Một cuộc xung đột mới đã bùng phát giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh thuộc vùng lãnh thổ Caucasus. Sau hai ngày giao tranh, hai bên đều hứng chịu thương vong.

Xung đột Azerbaijan và Armenia: Mối đe dọa từ kho vũ khí “khủng” của 2 bên

Hình ảnh chụp một khẩu pháo của lực lượng Azerbaijan đang tấn công vào các vị trí của lực lượng Armenia hôm 28/9. Nguồn: Anadolu.

Quân đội Azerbaijan cho biết đang mở rộng phi đội máy bay không người lái mà hiện giờ được cho là có cả máy bay không người lái có vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, để phá hủy các hệ thống phòng không di động, xe tăng và nhiều phương tiện khác của Armenia. Còn các lực lượng tại Nagorno-Karabakh do Armenia hậu thuẫn đã sử dụng tên lửa dẫn đường chống tăng phá hủy một số lượng lớn xe tăng và các phương tiện quân sự khác của Azerbaijan.

Cuộc giao tranh mới nhất nổ ra ngày 27/9/2020. Một số báo cáo cho biết, các lực lượng của Azerbaijan đã tấn công nhiều cứ điểm của lực lượng ly khai tại Nagorno-Karabakh. Azerbaijan và khu vực Nagorno-Karabakh đã ban bố tình trạng thiết quân luật sau diễn biến nói trên.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng công bố video cho thấy các máy bay không người lái không kích vào các cứ điểm của lực lượng Armenia. Đáng chú ý, quân đội Azerbaijan được cho là đã phá hủy ít nhất 6 hệ thống phòng không di động 9K334 và 3 hệ thống phòng không tầm ngắn 9K35 Strela-10 của các lực lượng này.

Mặc dù giới chức Azerbaijan không tiết lộ loại máy bay không người lái sử dụng trong những cuộc không kích này, nhưng một số thông tin cho biết, nhiều khả năng có cả máy bay Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất mà Baku bắt đầu mua vào tháng 6/2020. Bayraktar TB2, có khả năng phóng các loại vũ khí dẫn đường chính xác cỡ nhỏ, đã chứng minh hiệu quả trong chiến đấu, đặc biệt khi tấn công các hệ thống phòng không tầm ngắn ở Syria và Libya.

Azerbaijan đã mua một số lượng lớn các loại máy bay không người lái trong suốt nhiều năm qua, trong đó có cả máy bay tấn công không người lái Harop do Tập đoàn công nghiệp hàng không Israel - IAI chế tạo. Vẫn chưa rõ loại máy bay này có được sử dụng trong cuộc giao tranh vừa diễn ra tại Nagorno-Karabakh hay không.

Các cuộc không kích của Azerbaijan cũng làm hư hại hoặc phá hủy nhiều xe tăng T-72, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2, xe tải của phe ly khai và của lực lượng Armenia.

Về phần mình, các lực lượng Armenia tuyên bố đã bắn rơi 4 trực thăng của Azerbaijan, một trong số đó được cho là máy bay vận tải Mi-8 Hip, cùng nhiều máy bay không người lái khác. Giới chức Azerbaijan đã thừa nhận mất một máy bay trực thăng, song cho biết phi hành đoàn đã thoát nạn.

Trong khi đó, phía Armenia cho biết, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia cuộc giao tranh và Ankara đã triển khai phiến quân Syria tới khu vực để hỗ trợ các lực lượng Azerbaijan.

Tương quan lực lượng giữa Azerbaijan và Armenia

Cả Armenia và Azerbaijan đều sở hữu kho vũ khí lớn với nhiều khí tài quân sự tối tân. Năm 2019, Armenia đã tiếp nhận 4 chiếc máy bay đầu tiên trong tổng số 12 chiếc Su-30SM Flanker mà nước này có kế hoạch mua.

Azerbaijan cũng sở hữu nhiều tiêm kích Su-25 và chiến đấu cơ MiG-29 Fulcrum.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn của hai nước, hiện đang được mở rộng trong những năm gần đây. Armenia được cho là quốc gia đầu tiên mua tên lửa Iskander-E của Nga, phiên bản xuất khẩu của tên lửa đạn đạo Iskander-M được trang bị đầu đạn chùm, có tầm bắn hơn 280km, tuân thủ quy định của Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). Ngoài ra, quân đội nước này còn có một số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm ngăn Scud và Tochka có từ thời Liên Xô.

Azerbaijan cũng có nhiều tên lửa Tochka sau khi Liên Xô tan rã. Kể từ thời điểm đó, nước này đã mua thêm nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngăn LORA do Israel sản xuất.

Phần lãnh thổ cực Tây của Armenia và phần lãnh thổ cực Đông của Azerbaijan chỉ cách nhau chưa đến 564km. Điều này đồng nghĩa với việc cả hai bên đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo của đối phương, làm dấy lên lo ngại về việc trong trường hợp xung đột leo thang, hai bên có thể sử dụng những tên lửa này này tấn công các căn cứ lớn hoặc các mục tiêu quân sự của đối phương. Sau khi giao tranh bùng phát cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Armenia đã đe dọa sử dụng tên lửa Iskander trong trường hợp cần thiết.

Vẫn chưa rõ, tình hình căng thẳng tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev từng tuyên bố ông sẽ giành lại quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh. Azerbaijan cũng cáo buộc Armenia nã đạn pháo vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các cơ sở liên quan đến năng lượng và khí đốt tự nhiên của nước này.

Đã có nhiều lo ngại về việc giao tranh bùng phát giữa hai bên sẽ phá hủy các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và dầu mỏ từ Azerbaijan tới các nước khác, trong đó có cả những quốc gia ở châu Âu.

Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị phức tạp cũng được cho là ảnh hưởng đến cuộc xung đột hiện tại. Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan và Nga - quốc gia đã ký hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia đã đưa ra những quan điểm đối lập về cuộc giao tranh. Trong quá khứ, cả Ankara và Moscow đã phối hợp để xoa dịu căng thẳng trong khu vực và giới quan sát hy vọng rằng, nỗ lực này sẽ được tiếp tục ở thời điểm hiện tại.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast