Minh bạch, công khai hơn trong quản lý và sử dụng đất

(Baohatinh.vn) - Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2014 tác động sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, KT-XH của đất nước, thu hút sự quan tâm rộng rãi của nhân dân. PV Báo Hà Tĩnh điện tử trao đổi với ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TN&MT về những điểm mới cơ bản liên quan trực tiếp đến tình hình thực tiễn trong quản lý và sử dụng đất của Hà Tĩnh giai đoạn hiện nay.

- Thưa ông, Luật Đất đai lần này có những điểm mới nào trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư (TĐC)?

Luật Đất đai 2013 có khá nhiều điểm mới trong các quy định về việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, TĐC. Cụ thể, về việc thu hồi đất, luật mới ghi rõ: “Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được HĐND xem xét qua chủ trương thu hồi đất”. Như vậy, đối tượng thu hồi sẽ hạn chế hơn nhiều. Thứ hai, luật phân định rõ thẩm quyền thu hồi của cấp tỉnh, cấp huyện và việc ủy quyền cho cấp huyện thu hồi đối với các dự án có cả thẩm quyền thu hồi đất của tỉnh và huyện. Thứ 3 là quy định việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi khi người có đất bị thu hồi mà không chấp hành quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau khi đã được vận động thuyết phục.

Giao đất gắn với giao rừng và cấp GCNQSDĐ khi thực hiện Luật Đất đai mới sẽ có nhiều thuận lợi
Giao đất gắn với giao rừng và cấp GCNQSDĐ khi thực hiện Luật Đất đai mới sẽ có nhiều thuận lợi

Về việc bồi thường giải phóng mặt bằng, Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục để thực hiện việc kiểm đếm và việc thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Điều rất mới trong nội dung này thứ nhất là yêu cầu bắt buộc đối với những người không phối hợp thực hiện kiểm đếm; hai là bổ sung các trường hợp thu hồi đất và hỗ trợ về đất khi được giao đất không đúng thẩm quyền.

Về công tác TĐC, thứ nhất là luật quy định có suất TĐC tối thiểu và Nhà nước hỗ trợ đủ tiền để mua một suất TĐC tối thiểu khi trong quá trình thực hiện dự án, nếu tiền bồi thường và tiền hỗ trợ cho hộ TĐC không đủ. Thứ hai là quy định rõ TĐC tập trung phải làm hạ tầng đồng bộ, đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Thứ 3 là đối với việc thu hồi đất ở chỉ thực hiện sau khi đã hoàn thành công tác xây dựng nhà ở hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng TĐC và phương án TĐC đã được phê duyệt và công bố công khai.

- Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực trong thời điểm Hà Tĩnh đã và đang triển khai công tác đo vẽ bản đồ địa chính; giao đất gắn với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong quá trình thực hiện, chúng ta có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy việc thực hiện công tác đo vẽ bản đồ địa chính, giao đất gắn với giao rừng và cấp GCNQSDĐ khi thực hiện Luật Đất đai mới sẽ có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là luật mới đã giải quyết cơ bản các tồn tại trong cấp GCNQSDĐ. Cụ thể là trước đây, khi cấp GCNQSDĐ thì những hộ có diện tích lớn hơn diện tích trong quyết định cấp đất thì được hợp thức hóa và cấp giấy nhưng người sử dụng đất phải nộp tiền đối với việc hợp thức này. Còn hiện nay, luật quy định là, nếu khi đo đạc lại mà diện tích thực tế có tăng nhưng ranh giới không thay đổi thì hộ sử dụng đất vẫn được cấp giấy mà không phải nộp tiền. Thứ 2, luật quy định đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất, khắc phục tình trạng các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không thực hiện như thời gian vừa qua. Thứ 3, luật quy định cụ thể giải quyết đối với các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm (lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, vi phạm quy hoạch) khi thực hiện cấp giấy chứng nhận.

- Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý và sử dụng đất, trong đó có quy định việc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Hà Tĩnh sẽ triển khai thực hiện nội dung này như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Quá trình thực hiện luật cũ có khá nhiều vướng mắc. Ví dụ như đối với các tổ chức vi phạm quy định sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi đất thì phải bồi thường tài sản trên đất. Còn luật mới quy định: trao cơ hội cho các chủ sử dụng đất có quyền được kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ví dụ, đối với một dự án đã đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khi kiểm tra phát hiện sau 12 tháng, dự án không triển khai thực hiện (sử dụng đất) hoặc sau 24 tháng chưa đầu tư thực hiện xong công trình, thì luật quy định gia hạn cho chủ đầu tư có 24 tháng nữa.

Tuy nhiên, luật mới đã đưa ra 2 điều kiện ràng buộc: một là, trong 24 tháng đó, chủ đầu tư phải nộp tiền theo quy định; hai là, sau 24 tháng gia hạn mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện đúng cam kết, tức là chưa đầu tư xong công trình thì Nhà nước sẽ thu hồi đất và không bồi thường mọi chi phí về tài sản trên đất.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast