Thiên thạch cổ xưa rơi trúng vườn nhà dân

Mảnh thiên thạch nhỏ còn sót lại sau khi vượt qua khí quyển Trái Đất giúp hé lộ những thông tin về hệ Mặt Trời cách đây 4,56 tỷ năm.

Thiên thạch cổ xưa rơi trúng vườn nhà dân

Mảnh thiên thạch cổ xưa nặng 24,5 gram. Ảnh: Metro.

Các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ mảnh thiên thạch rơi xuống Flensburg, Đức, Science Daily hôm 18/2 đưa tin.

Nó lao xuống khí quyển Trái Đất vào tháng 9 năm ngoái và nổ tung, khiến hàng trăm người chứng kiến kinh ngạc.

Ngày hôm sau, một người dân ở Flensburg tìm thấy viên đá nặng 24,5 gram với lớp vỏ ngoài màu đen trong vườn nhà.

Dieter Heinlein, chuyên gia tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR), nhận ra đây là một mảnh thiên thạch và gửi nó cho các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học hành tinh thuộc Đại học Münster.

Giáo sư Addi Bischoff và Markus Patzek, người đang theo học tiến sĩ, tiến hành phân tích thành phần khoáng chất và hóa học của viên đá. Khoảng 15 viện nghiên cứu và đại học ở Đức, Pháp, Thụy Sĩ hiện cũng tham gia hỗ trợ.

Thiên thạch cổ xưa rơi trúng vườn nhà dân

GS Addi Bischoff (trái) và Markus Patzek (phải) đánh giá mảnh thiên thạch. Ảnh: Metro.

Kết quả ban đầu chỉ ra thiên thạch Flensburg thuộc loại carbonaceous chondrite vô cùng hiếm. Loại thiên thạch này có giá trị khoa học lớn nhưng cũng rất mong manh, có thể vỡ khi gặp mưa.

Phân tích dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM) cho thấy nó chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt là silicat lớp (sheet silicate) và muối carbonate, các khoáng chất hình thành khi có nước hiện diện trên những vi thể hành tinh vào thời sơ khai của hệ Mặt Trời.

“Mảnh thiên thạch Flensburg thuộc loại thiên thạch vô cùng hiếm và là mảnh duy nhất thuộc loại này rơi xuống ở Đức. Nó chứng minh rằng 4,56 tỷ năm trước, có những thiên thể nhỏ chứa nước tồn tại trong thời kỳ sơ khai của hệ Mặt Trời. Có lẽ những thiên thể như vậy cũng đã mang nước tới Trái Đất”, Bischoff giải thích.

Theo Thu Thảo/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast