Cuối chợ

(Baohatinh.vn) - Thằng bé trạc chừng tám tuổi, ngồi chồm hổm bên sọt gà hăng hắc mùi phân. Khi có khách, bà chủ thò cánh tay béo có ngấn xáo xào tìm cho khách con gà ưng ý. Gặp phải khách quen thì dễ, khách lạ, gà được bắt lên, bỏ xuống hàng chục lần. Đứa bé vẫn kiên trì, mắt nó sáng lên mỗi lần gà được bắc lên cân.

Nó nhanh nhảu:

- Cô ơi! Gà làm thịt luôn cô hén. Cháu bảo đảm gà sạch, thịt thơm và đẹp như nó còn… sống!

Câu cuối thằng bé nói nhỏ và chậm. Hình như nhìn cách ăn mặc của tôi, nó hơi ngượng. Thằng bé bận một chiếc áo cộc mong manh, chiếc quần dài ngắn cũn cỡn và đôi giày ba-ta rách mõm.

- Cháu không đi học à?

Tôi trao gà cho thằng bé, nhìn đôi bàn tay gầy khẳng khiu của nó, lòng nghèn nghẹn.

- Hôm nay là ngày rằm mà cô! Cháu phải phụ dượng vặt lông gà. Lô số ba là của nhà cháu đấy, cô nhớ ủng hộ nha cô.

Tôi nhìn theo tay thằng bé chỉ. Một dãy nhà lợp tôn lụp xụp, nền được đắp cao và lát bằng những viên gạch vỡ. Dãy nhà được đánh dấu bằng con số. Thằng bé đi trước, tay cầm con gà đã được trói gô cánh, vừa đi, vừa nói khẽ:

- Sáng nay, cháu mới “diệt” được hai tên. Phải gấp mười lần như thế, cháu mới đạt chỉ tiêu cô ạ!

Cuối chợ ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Tôi im lặng. Thằng bé chỉ cao hơn bắp vế của tôi một chút, đen sạm và già dặn như ông cụ non. Nó gần như kéo lê con gà chưa đầy hai cân về lô vặt lông gà của bố dượng và nói:

- Cô không được mang hộ cháu. Dượng cháu bảo, khách hàng là thượng đế. Ở đây cũng cạnh tranh ghê lắm cô ạ. Hồi đầu chưa phân chia chỗ lấy khách, cháu phải giành giật, chạy tới, chạy lui. Nhiều bữa, mấy dì tranh hết, dượng không có hàng làm, đánh mẹ cháu dữ lắm. Mà thôi, dượng cháu bảo không được làm phiền khách, cháu cảm ơn cô đã tin dùng sản phẩm vặt lông gà của lô 3 nhà cháu.

Thằng bé lại đỏ mặt. Nó ngượng ngùng giấu cặp mắt non nớt, trong veo sau vành mũ cáu bẩn. Hình như đó là bài học mà nó được học thuộc khi gặp khách.

Thằng bé nhanh nhẹn đeo biển số 2 vào chân con gà, bỏ vào chiếc bao tải to treo ở góc trái, mỉm cười với tôi, rồi tất tưởi chạy đi. Tôi nghe tiếng nó lanh lảnh: “Cô ơi! Gà làm thịt luôn cô hén…”.

* *

*

Bẵng đi một dạo, tôi không có dịp gặp lại thằng bé. Mỗi lần cơ quan tổ chức tiệc tùng, nhìn đĩa thịt gà rắc lá chanh thơm phức, bất chợt, hình ảnh đôi giày ba-ta rách mõm, đôi mắt trong veo của thằng bé khiến lòng tôi nhói buốt.

Tôi đi vòng về cuối chợ. Bà chủ lồng gà xởi lởi:

- Lâu quá mới thấy chị ghé! Chị của em ngày càng trẻ ra, trông như gái mười tám, đôi mươi. Ghen tỵ quá đi mất!

Đôi tay béo núng nính của bà chủ lồng gà xáo xào. Tôi đưa mắt tìm kiếm:

- Thằng bé vặt lông gà lô thứ ba hôm nay không đến hả chị?

- Chị hỏi thằng cu Tũn ấy à? Dượng nó nghỉ làm rồi. Sang tên lô đó cho người khác. Tội nghiệp thằng bé, khôn và ngoan đáo để chị à.

Bà chủ lồng gà nhìn tôi, hỏi:

- Chị vặt lông luôn nhé! Mà, chị là thế nào với thằng bé, họ hàng xa hay người cùng làng?

Tôi bần thần:

- Không, tôi chỉ là khách của cậu bé!

Bà chủ lồng gà nhường hẳn cho tôi chiếc ghế nhỏ, chờ người ta làm sạch con gà mới mua. Dăm bảy bà đi chợ, tranh thủ lúc vãn khách, ăn uống xì xụp. Bún tay còn bốc khói, nhúm giá, chuối xanh, cá biển, ruốc chua, đậu phụ rán. Họ ăn ngon lành, ngon đến nỗi tôi cũng muốn sà xuống bốc một miếng thật to cho vào mồm phụng phịu. Bà chủ lồng gà đưa tay áo quệt ngang miệng, quay sang tôi bắt chuyện:

- Mẹ cu Tũn từ miền trong ra. Bả đẹp lắm. Cái ngày bọn tôi mới tập tành xuôi đò dọc gom hàng về bán, bả đã có một sệp vải to đùng giữa chợ. Sáng, chiều đi về đều có người đưa đón. Khi bả mang thai thằng Tũn, ba nó về, mang theo cô bồ mặt non choẹt. Mẹ cu Tũn hận người chồng bội bạc, tung hê tất cả. Sau khi sinh thằng bé, số tiền dành dụm dắt lưng không còn, bả sang lại sệp vải. Bả đi bước nữa, làm vợ người đàn ông đã có bốn đứa con riêng. Cả nhà trông chờ vào công việc vặt lông gà của ông bố dượng. Ông ta là người hay làm nhưng ghen tuông ghê lắm. Mẹ cu Tũn không được ra khỏi nhà, chợ búa ông ta làm tất. Do túng quẫn, dượng cu Tũn phải sang tên lô vặt lông gà cho người khác. Tội nghiệp thằng bé, nghe đâu, nó vẫn quanh quẩn kiếm sống trong khu chợ này…

Bà chủ lồng gà thò bàn tay ngấn mỡ, xáo xáo. Tiếng gà kêu hoảng hốt, tiếng giãy đớn đau của những chú gà trong tay thợ vặt lông làm cho góc chợ chiều chùng xuống, buồn theo thắt.

- Em muốn tìm thằng bé thì đi dọc xuống bến. Buổi chiều, nó thường ngồi ở đó. Hình như mẹ nó bị bệnh, thằng bé đã nghỉ học để phụ dượng kiếm tiền.

Tôi im lặng. Lòng rưng rưng một nỗi niềm khó tả.

Bến sông cũng là bến chợ. Nước trong vắt, soi rõ những viên cuội nhẵn thín. Dòng sông chiều tím thẫm. Xa xa, những áng mây màu ngà lững lờ trôi.

Tôi đưa mắt tìm kiếm. Chợ đã vãn. Thuyền bè cập bến để đưa những người bán buôn ở chợ sang sông. Thằng bé có giọng nói lảnh lót, đôi mắt trong veo không có mặt trên bến sông!

* *

*

Ở cái thị trấn bé như lòng bàn tay, giờ cũng đã có dịch vụ đi chợ thuê. Các đầu mối gom hàng theo yêu cầu, rồi đưa đến tận từng nhà. Công việc bận rộn khiến tôi cũng chọn giải pháp tối ưu đó. Tôi quên thằng bé. Quên bà chủ lồng gà dẻo quẹo nhưng chiều khách.

Bất ngờ, tôi gặp lại nó trên bến sông.

Đó là một buổi chiều mùa đông, mưa phùn ướt át. Bến sông nhàu nhĩ, cáu bẩn bởi vô số rác rưởi được tuồn từ chợ xuống. Khúc sông vắng hoe, thưa thớt những con đò cắm sào đứng đợi. Tôi nghe tiếng rao nhỏ, tiếng mời chào yếu ớt: “Cô ơi! cô dùng nước nữa không? Có cần nước nữa không chú ơi! Nước này, cô chú ơi? Nước để làm cá, tưới rau; nước rửa hoa quả, nước vặt lông gà, nước ơi… ơi”.

Giọng thằng bé khào khào. Chắc nó đã rao suốt cả ngày nay. Tôi đứng sững. Vẫn đôi giày ba-ta rách mõm, vẫn chiếc áo ngả màu cháo lòng và chiếc quần ngắn cũn cỡn. Cu Tũn. Chính là thằng bé chạy phụ cho lô vặt lông gà thứ ba mà tôi đã gặp ngày nào.

Thằng bé không lớn lên được tẹo nào. Đôi bả vai gầy trơ xương địu cả một xô nước đầy. Nó không dám đặt xuống bởi vì mỗi lần địu lên, nó phải nhờ người khác. Thằng bé run bần bật trước cái lạnh thấu da.

Tôi sà xuống một hàng bán cá. Người bán hàng nhanh nhẹn hốt đầy mớ cá mòi bắc lên cân, miệng liến thoắng:

- Cô lấy hết bằng này nha cô. Cá này là cá sông chính hiệu. Cô mua xong, cháu làm sạch để cô xay chả. Cô ơi! thế thì cô chưa biết rồi, chả cá mòi ăn là thơm nhất, ngon nhất đó cô. Đẻ chửa người ta chọn cá này, vừa lành, vừa lắm sữa. Cô mua giúp cháu nhé!

Tôi gật đầu. Cũng nhanh nhẹn không kém, cô hàng cá ngả thớt ra tấm nilon trải sẵn, rồi gọi lớn:

- Tũn ơi! Chị có khách nè em!

Không nghe tiếng thằng bé, cô hàng cá chép chép miệng:

- Rõ khổ! Từ sáng đến giờ không có khách, nước bán không ai mua. Bọn cháu ngày kiếm cũng chẳng được bao lăm, nước nôi chủ yếu tự túc lấy. Nhưng thương thằng bé quá. Mấy bận, bảo nó kiếm cái mê nón, ngồi ở chợ mà xin ăn, người qua lại rủ lòng thương còn kiếm được bữa cơm, bữa cháo. Nó kiên quyết không chịu. Nó bảo: “Cháu còn sức khỏe, cháu không thể ăn bám người khác”. Cô chú trong chợ thương, không cần nước cũng mua cho nó. Cô ủng hộ cho nó một bi nhé!

Tôi giấu giọt nước mắt đang chực ứa, gật gật đầu. Cô hàng cá mừng rơn trước khách hàng dễ dãi:

- Cô chờ cháu tý nhé, một xíu thôi cô nhé!

Cô hàng cá tất tưởi chạy đi, vừa chạy, vừa gọi lớn:

- Tũn ơi! Có khách này em!

Thằng bé hối hả bước về phía tôi. Nó vòng tay trước ngực, lễ phép. Thùng nước trên lưng làm cho dáng nó ngã chúi về phía trước:

- Cô dùng nước của cháu nghe cô! Nước sạch lắm cô ạ. Cháu phải chèo thuyền ra giữa dòng để lấy.

- Thế bao nhiêu một thùng hả cháu?

Thằng bé gãi gãi tai. Khuôn mắt tím tái của nó chợt ửng:

- Cô dùng một thùng thì cho cháu năm ngàn. Nhưng, chừng đó cá mà dùng hết thì lãng phí quá cô nhỉ! Thôi, cô cứ dùng đi một nửa, cho cháu xin hai ngàn.

Thằng bé dí dí mũi giày xuống nền đất. Thấy tôi im lặng, nó ngỡ là tôi chê đắt nên rối rít:

- Thôi, cô mua hộ cho cháu là tốt rồi! Trả bao nhiêu tùy cô!

Tôi kéo tay thằng bé, chỉ về những dãy nhà đang len khói:

- Cô thèm một tô bún mọc. Phiền cháu đưa hộ cô đến quán nào vừa sạch, vừa ngon. Chịu không?

Thằng bé nở nụ cười vui vẻ:

- Cô là khách của cháu, có gì cần, cô cứ nói, cháu nhất định làm tốt…

Thằng bé đi trước. Đôi giày thủng mõm thò ra ngoài những ngón chân tím tái. Tôi hỏi:

- Cháu ở chợ cả ngày à?

Mắt thằng bé chợt buồn rười rười:

- Trước đây thì thế. Bây giờ, cháu phải đem đồ ăn ban trưa về cho mẹ. Mẹ cháu ốm nặng lắm…

Tôi ngạc nhiên, hỏi:

- Còn dượng?

- Ổng không chịu nổi bệnh tật của mẹ, dắt theo anh chị, về quê ông ấy rồi!

- Thế cháu định bỏ học luôn à?

Mắt thằng bé sáng lên:

- Cháu vẫn tự học vào buổi tối cô à. Bài kiểm tra cháu nhờ cô giáo cạnh nhà chấm hộ. Rồi cháu sẽ lớn, cháu sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Khi đó, cháu sẽ đi học trở lại.

Tôi gọi hai tô bún mọc. Thằng bé nhất định không chịu ăn. Nó nói:

- Cô mua hàng cho cháu là tốt rồi. Cô giáo cháu dặn không được tùy tiện nhận quà của người khác. Với lại, một tô bún rất nhiều mọc như thế này cơ man là tiền.

Tôi ấn thằng bé ngồi xuống, đặt vào tay nó chiếc muỗng gỗ dành cho trẻ con. Lưỡng lự một chút, thằng bé khẽ khàng ăn. Nó chờ tôi ăn hết trong bát, rụt rè đứng lên:

- Cô ơi! Cháu không ăn nổi nữa. Bụng cháu căng phình rồi đây này!

Tôi nhìn nó. Thằng bé nhấp nháy mắt. Bất giác nó lí nhí:

- Không lãng phí đâu cô ơi! Cháu gói phần thừa đem về. Nhất định cháu sẽ ăn sạch khi chạy hết quãng đường xa tít đó.

Nói rồi, thằng bé nhanh nhẹn đổ chỗ bún thừa còn lại vào túi nilon. Nó nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười vừa như biết ơn, vừa thẹn thùng như người có lỗi.

* *

*

Chuyến đò cuối chiều lầm lũi sang sông. Thằng bé đưa bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy. Mưa bụi nhuốm dòng sông tím thẫm. Cuối chợ, phất phơ những dãy lều tranh tạm bợ và tiếng rao lảnh lót của thằng bé: “Nước này, cô chú ơi? Nước để làm cá, tưới rau, nước rửa hoa quả, nước vặt lông gà, nước ơi…ơi”.

Cuối năm học 2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast