Tín dụng bán lẻ của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tăng trưởng khá

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, với việc hàng ngàn khách hàng cá nhân tăng cường tiếp cận tín dụng bán lẻ đã tạo cơ hội để các ngân hàng ở Hà Tĩnh thúc đẩy dư nợ.

Cần phương tiện đi lại và muốn tận dụng cơ hội để hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/11/2021, chị Nguyễn Thị Hương (phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh) đã tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để sở hữu “xế hộp” trong tháng 3/2022.

Tín dụng bán lẻ của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua ô tô tại Hà Tĩnh liên tục tăng trong những năm gần đây.

Chị Hương cho hay: “Số tiền tích góp chưa được nhiều trong khi cần phương tiện đi lại nên tôi đã tìm đến các gói vay của ngân hàng. Hiện tại, thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh rất linh động, lãi suất cho vay phù hợp, giải ngân nhanh nên gia đình tôi đã mạnh dạn vay 70% giá trị xe ô tô”.

Chị Hương là một trong nhiều khách hàng cá nhân đang có dư nợ tại ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh để phục vụ tiêu dùng, mua ô tô, mua đất, làm nhà ở... Ngoài ra, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch COVID-19, nhiều cá nhân, gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất - kinh doanh. Nhờ vậy mà ngay từ đầu năm, nhu cầu về nguồn vốn tại chi nhánh ngân hàng này khá lớn.

Tín dụng bán lẻ của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Dư nợ tín dụng bán lẻ của Vietcombank Hà Tĩnh hiện đạt 6.240 tỷ đồng, tăng 440 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Bà Trần Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ (Vietcombank Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện nay, chi nhánh đã thực hiện gói lãi suất cạnh tranh cho khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh với lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm. Ngoài ra, khi khách hàng vay vốn phục vụ tiêu dùng, mua xe, mua nhà, mua đất… cũng được hưởng gói lãi suất ưu đãi thấp nhất là 6,29%/năm. Thủ tục linh hoạt, lãi suất ưu đãi nên tín dụng bán lẻ của chi nhánh đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo đó, dư nợ tín dụng bán lẻ hiện đạt 6.240 tỷ đồng, tăng 440 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Chi nhánh đặt mục tiêu dư nợ tín dụng bán lẻ đạt 6.910 tỷ đồng vào cuối năm nay”.

Tương tự, tín dụng bán lẻ từ lâu đã là “thế mạnh” đối với Ngân hàng Vietinbank Hà Tĩnh. Mục đích tiếp cận nguồn vốn ở lĩnh vực này của khách hàng cá nhân tại đơn vị cũng là đầu tư sản xuất - kinh doanh; vay tiêu dùng mua nhà, mua đất ở, mua xe ô tô…

Anh Trần Văn Thân (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) cho hay: “Vietinbank Hà Tĩnh đang triển khai chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ khách hàng cá nhân với lãi suất từ 6 - 7%/năm. Tôi thấy mức lãi suất khá phù hợp nên vừa vay 500 triệu đồng để có thêm nguồn lực xây ngôi nhà mới”.

Tín dụng bán lẻ của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Mục đích tiếp cận vốn ngân hàng của nhiều cá nhân chủ yếu là vay tiêu dùng, xây nhà, mua nhà, mua đất ở...

Ông Nguyễn Đình Khánh - Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp song những kết quả khả quan của nền kinh tế cũng như cơ chế thích nghi trong tình hình mới những tháng đầu năm 2022 đã tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng, trong đó có tín dụng bán lẻ. Chủ trương của Vietinbank Hà Tĩnh là tiếp tục hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế”.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Khánh, tổng dư nợ của Vietinbank Hà Tĩnh đến thời điểm này đạt 8.200 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ bán lẻ đạt 3.300 tỷ đồng, tăng so với đầu năm hơn 150 tỷ đồng. Chi nhánh đặt mục tiêu đến 31/12/2022 dư nợ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng đối với tín dụng bán lẻ.

Tín dụng bán lẻ của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Tín dụng bán lẻ từ lâu đã là “thế mạnh” đối với ngân hàng Vietinbank Hà Tĩnh.

Nhìn chung, những tháng đầu năm 2022, tín dụng bán lẻ được đánh giá là kênh phát triển dư nợ tiềm năng của các ngân hàng trên địa bàn. Theo ghi nhận, không chỉ các ngân hàng có vốn Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) mà nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cũng có sự tăng trưởng khá. Trong đó phải kể đến các ngân hàng như: MB Bank, VP Bank, Sacombank, SeAbank…

Ông Trần Tự Đức - Giám đốc SeAbank Hà Tĩnh cho biết: “Tín dụng bán lẻ chiếm tới hơn 75% tổng dư nợ của chi nhánh. Quý I/2022, chi nhánh đồng loạt triển khai các chương trình tín dụng bán lẻ với lãi suất ưu đãi, thu hút hàng nghìn khách hàng vay vốn. Cụ thể, các gói vay vốn thế chấp như: cho vay hộ sản xuất - kinh doanh với lãi suất 0,66%/tháng, cho vay mua ô tô với lãi suất 0,42%/tháng. Với vay tín chấp, gói tín dụng bán lẻ áp dụng lãi suất 1,08%/tháng đang thu hút khách hàng. Ngoài ra, SeAbank đang phối hợp với Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh triển khai gói vay tín chấp cho cán bộ hưu trí (không giới hạn tuổi tác) với mức vay tối đa 50% lương”.

Nhờ “tung” nhiều gói vay với lãi suất cạnh tranh, đến nay, dư nợ tín dụng bán lẻ của SeAbank Hà Tĩnh tăng hơn 73 tỷ đồng so với đầu năm. Chi nhánh phấn đấu tăng trưởng tín dụng bán lẻ 200 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Tín dụng bán lẻ của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Khách hàng đến giao dịch tại SeAbank Hà Tĩnh.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 15/3/2022, dư nợ tín dụng bán lẻ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 52.268 tỷ đồng, chiếm 69,75% dư nợ toàn địa bàn và tăng 4,34% so với cuối năm 2021.

Đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động đầu tư, phát triển linh hoạt thích ứng an toàn góp phần đưa nền kinh tế từng bước phục hồi. Với tiềm năng phát triển, ngành chuyên môn dự báo dư nợ tín dụng, trong đó có tín dụng bán lẻ của Hà Tĩnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 này.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast