Tài xế Việt có cơ hội trở nên văn minh?

Có thể đất nước chúng ta còn nghèo, thu nhập còn thấp, cơ sở hạ tầng còn chưa như mong muốn và mất khá nhiều thời gian nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực hay các nước phát triển. Nhưng văn hóa khi tham gia giao thông thì vẫn có thể “sánh ngang với các cường quốc” nếu chúng ta tập và có những thói quen tốt trong việc tuân thủ luật giao thông mọi lúc mọi nơi. Để được như vậy thì mỗi một chúng ta nên có những thói quen tốt khi điều khiển phương tiện giao thông.

Thắt dây an toàn mỗi khi lên xe

Ngay từ khi mới mua xe và tự lái xe từ showroom về nhà, việc đầu tiên làm theo lời thầy giáo là thắt dây an toàn trước. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần rồi thành thói quen hồi nào không hay. Cứ mỗi khi lên xe là thực hiện việc này và nhắc vợ hay con khi ngồi ghế trước cũng làm việc này vì trong những tình huống đạp phanh khẩn cấp nhất khi di chuyển trong phố rất nguy hiểm cho người ngồi trước.

tai xe viet co co hoi tro nen van minh

Hiện nay không ít bác tài chỉ thắt dây an toàn đối phó với CSGT chứ không vì lý do an toàn gì cả. Thậm chí để đối phó với cảnh báo tít tít của xe, người ta còn mua chốt cắm rời để tắt lời nhắc nhở. Một số khác thì vẫn thắt dây an toàn nhưng chỉ cho ghế lái và khi nào qua ngã tư hay các chốt CSGT thì lấy tay khoác vào để đối phó. Có hỏi lý do thì đa số cho rằng không quen, cảm giác vướng víu và không thoải mái tý nào.

Xi-nhan khi chuyển hướng

Có câu chuyện vui trong một lần đi công tác ở vùng cao được bạn bè kể như sau. Anh thanh niên chạy chiếc xe máy cũ phía trước vẫy tay trái báo hiệu trên con đường đất đỏ đầy bóng mát. Người chạy xe máy phía sau bật xi-nhan phải lách sang phải để vượt cho an toàn. Và rồi “rầm” một cái 2 xe va vào nhau té xuống. Rất may là không ai bị thương ngoài tý xây xát nhỏ ở tay chân. Anh trước bảo anh sau va vào xe mình rằng đã chỉ đường cho mà vuợt sao lại làm ngược làm chi ra nông nổi?

Xi-nhan, tắt xi-nhan trước và sau khi chuyển hướng là thao tác phải làm vì an toàn của mình và mọi người khi tham gia giao thông cho dù xe máy hay xe hơi. Lỗi không xi nhan phần nhiều thuộc về xe gắn máy, thi thoảng vẫn thấy ở xe hơi nhưng khá ít. Việc xi-nhan quan trọng bao nhiêu thì việc tắt xi-nhan càng quan trọng bấy nhiêu vì nó thông báo để các phương tiện đi sau hiểu hướng mình sẽ chuyển để có phương án xử lý an toàn tránh hiểu lầm đáng tiếc như câu chuyện vui trên.

Không lạm dụng còi xe

Có lần ngồi taxi để đi sân bay, bạn tài xế làm mình khá bực bội vì bấm còi gần như liên tục, nhất là lúc xe chạy trong phố. Hỏi ra thì bạn ấy trả lời nếu không thì xe máy hay xe đạp sẽ không nhường đường? Nhiều lần, thấy xe sau bấm còi liên tục, mình khá khó chịu vì có bấm nhiều đi chăng nữa cũng không thể nhường đường. Đèn mới chuyển xanh nhưng dòng xe vẫn chưa di chuyển. Nhiều người đi xe hơi lẫn xe máy quay sang nhìn chiếc xe mới cáu bóng bẩy nhưng đang “thốt” ra những lời chói tai và không văn hóa tý nào.

Còi xe chỉ sử dụng khi thông báo cho các phương tiện hay người tham gia giao thông phía trước biết khi mình muốn vượt hay cảnh báo về sự nguy hiểm tiềm tàng. Trong phố, thị trấn thì hạn chế tối đa việc sử dụng còi, đặc biệt là lưu thông qua các nơi như trường học, công sở, bệnh viện vì đó là nguyên tắc cơ bản về giao tiếp khi lưu thông. Luật cũng quy định điều này và chúng ta nên tập thói quen sử dụng còi xe phù hợp, tránh gây phiền nhiễu hay thậm chí nguy hiểm cho người khác. Xe đẹp, người đẹp cũng giống như chữ “dung” nhưng “ngôn” mà không đẹp và phù hợp thì rốt cuộc cũng sẽ xấu xí trong mắt người khác.

Không ném rác bừa bãi

Lần đầu khi đi cao tốc Long Thành – Dầu Giây mình khá ấn tượng với câu “xe anh có rác cho em xin” của em bán vé tại trạm thu phí cuối đường. Trên xe nên có chỗ hay bao ni lông để bỏ rác và khi dừng xe nghỉ ngơi thì bỏ rác vào thùng tránh việc hạ kính vứt cái vèo cho tiện như một số người vẫn có thói quen xấu này. Thường thì tài xế ít làm việc này, nhưng người đi theo xe vẫn hay làm. Không biệt các bác khác thì sao chứ cá nhân mình thì khóa cửa kính và chuẩn bị sẵn một số bao ni lông để vợ con hay bạn đường bỏ vào đấy để bỏ rác đúng chỗ. Những điều nhỏ nhặt này thường được mình biến thành bài học cho các con trong các hành trình du lịch của gia đình.

Tuân thủ luật giao thông mọi lúc mọi nơi

Tư duy tuân thủ luật giao thông là điều phải thực hiện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh mới là cách hành xử văn minh của một xã hội hiện đại. Có thể đất nước chúng ta còn nghèo, thu nhập còn thấp, cơ sở hạ tầng còn chưa như mong muốn và mất khá nhiều thời gian nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực hay các nước phát triển.

Nhưng văn hóa khi tham gia giao thông thì vẫn có thể “sánh ngang với các cường quốc” nếu chúng ta tập và có những thói quen tốt trong việc tuân thủ luật giao thông mọi lúc mọi nơi. Và lúc đấy chúng ta thực sự làm những điều này vì sự an toàn của mình và của người khác chứ không phải vì phía trước có chốt CSGT đang làm nhiệm vụ.

Chúc mọi người điều khiển xe an toàn!

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast