Phận người sau... “gánh hát”

(Baohatinh.vn) - Không phải những nghệ sĩ cải lương đã thành danh và “sành sõi” trên sân khấu, họ là những người lặng lẽ thắp lửa bên lề. Ít ai biết, sau “Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ/ Đời ca hát cho người mua vui” (Huỳnh Anh) là những dâu bể, bất trắc và những lẽ sống không dễ gì có được...

Phận người sau... “gánh hát”

Một cảnh trong vở “Phạm Công Cúc Hoa” do Đoàn ca kịch cải lương Hoa anh Đào biểu diễn

Từ độ tháng 2 lại nay, gánh hát, nói thực chất là vậy, dù tên đầy đủ là Đoàn ca kịch cải lương Hoa Anh Đào (tỉnh Cà Mau) đang từng đêm rút tâm tình gửi người Hà Tĩnh qua các vở kịch “vang bóng một thời”: Phạm Công Cúc Hoa; Lỡ bước sang ngang… Để có người xem hát, họ phải tích cực mời chào “biểu diễn miễn phí” trong các cụm dân cư họ tá túc. Cải lương miễn phí, không thu vé, không bán bất cứ đồ vật gì, thế mà… giữa thời buổi có nhiều cú lừa ngoạn mục, nhiều người vẫn hoài nghi, dị nghị.

Như hiểu được lẽ tất yếu, họ kiên nhẫn hát như “kiếp ve”, những mong người “xứ lạ” hiểu chỉ điều duy nhất: Hát cải lương phục vụ mọi người. Bằng cái cách “chẳng giống ai” ấy, năm tháng cứ qua đi với họ cùng những trầm luân.

Phận người sau... “gánh hát”

Người dân trò chuyện với đoàn ngay trên sàn diễn sau khi kết thúc vở cải lương

Tối 23/5, đoàn cải lương về biểu diễn đêm đầu tiên ở thôn Đại Hải (xã Thạch Hải, Thạch Hà). Khán giả ít dần vào các đêm sau. Ấy thế mà, thời tiết nắng chuyển mưa, lại phải ngủ phía dưới sàn sân khấu nóng và ẩm, chị Hằng - thành viên đoàn đổ bệnh phải vào trạm xá truyền nước. Trước đó nữa, họ “lưu diễn” 3 đêm tại thôn Quang Lạc (xã Thạch Lạc) vào đúng thời điểm nắng nóng đỉnh điểm ở Hà Tĩnh được báo chí Mỹ đưa tin.

Không phải ngủ dưới sàn diễn, họ được thôn cho mượn nhà văn hóa để chia các khoảnh nghỉ ngơi, hóa trang, thay y phục... Có hôm trời như đổ lửa, cả đoàn nằm trong trong nhà văn hóa trơ trọi giữa cát, lại có nhiều cánh cửa bằng tôn, ai đi qua về lại cũng nghĩ và bàn về họ. Nhiều người thấy vậy đã “gõ cửa” mời về nhà tắm giặt, rồi cho gạo nấu cơm, cho cả bí bầu, lạc, rau và bánh để dùng khi đói.

Phận người sau... “gánh hát”

Anh Linh, chị Huệ sau khi biểu diễn (phía sau là nơi họ nghỉ ngơi).

Đêm diễn đầu tiên, người dân trong thôn đặc thù (chỉ 40 hộ) như đã bảo nhau từ trước, đi xem rất đông và gom góp hơn 1,7 triệu đồng ủng hộ. Có gia đình vì thương còn thiết đãi 3, 4 bận cơm theo diện “tiếp khách”. Với họ, đó là những bữa cơm thịnh soạn, thậm chí là xa xỉ. Thì đó, đoàn có 6, 7 người nhưng chỉ mỗi chiếc xe wave cà tàng, mọi di chuyển từ loa máy, sắt thép, gỗ lạt sân khấu, phục trang, nồi niêu xoong chảo… đều phải đến đâu thuê xe đó. Ngày họ chỉ ăn 2 bận cơm đơn sơ với mắm muối đựng trong hộp, có ngày “xài” mì tôm, có tối diễn xong, mấy ổng ngồi nhâm nhi ly “rượu chay” rồi đi ngủ.

Anh Nguyễn Chiêu Linh (ngụ ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) - Trưởng đoàn tâm tình với tôi: “Đam mê rồi thì phải sống chết với nghề chứ khổ lắm em ạ! Đêm trước diễn được 300 ngàn, đêm sau định diễn thì loa bị hỏng, phải mang đi sửa. Tối hôm sau diễn xong phải thuê 2 chuyến xe mất 800 ngàn để chở đồ”. Thế mà, anh Linh cười: “Ăn thua gì em, có hôm biểu diễn chỉ mươi vị khách mà chỉ 1 vị rộng lòng thương hỗ trợ 20 ngàn nhưng đoàn vẫn diễn say sưa”.

Phận người sau... “gánh hát”

Chỗ nghỉ ngơi của đoàn, có khi là trong nhà văn hóa

Rồi đằm lại, anh cùng chị Huệ - vợ anh, kể hết chuyện đời buồn nhiều, vui cũng lắm. Anh Linh chỉ về phía chị Huệ: “Bà này đẻ ra trong đoàn hát, bố mẹ ngày xưa làm nghề hát nên bà đam mê lắm. Tôi là con trưởng nhưng theo nghiệp hát nên cùng vợ đi hết nơi này đến nơi khác. Mỗi năm nhiều lắm chỉ dành dụm chừng 7 - 8 triệu đồng. Thằng cu giờ phục vụ loa máy cho đoàn cũng được sinh hạ khi vợ chồng biểu diễn ở Phú Thọ”.

Anh chị cùng kể: Năm 2018, mẹ chị Huệ - diễn viên Anh Đào (SN 1942) đã trút hơi thở cuối cùng tại xã Tân Lộc (Lộc Hà) sau đêm diễn vì suy kiệt do bệnh ung thư. Bà hát từ nhỏ, cùng thời với nghệ sĩ Thanh Nga, Ngọc Giàu. Biết bị ung thư, anh chị bảo bà nghỉ nhưng bà không chịu. Ngày mất, lãnh đạo xã Tân Lộc thương, kêu gọi được gần 10 triệu đồng để đưa bà về quê.

Thế là, đoàn ít đi một người. Thế là, một kiếp người - kiếp hát khép lại! Nghe anh Linh bảo, đưa mẹ về nhà, các nghệ sĩ tên tuổi đến nhà hát ròng rã 3 ngày đêm để tiễn đưa một người “nổi tiếng” suốt đời rút ruột ca cải lương.

Phận người sau... “gánh hát”

Có khi, chỗ nghỉ ngơi của đoàn ở ngay phía dưới sàn diễn

Nghiệp hát theo mãi với người, thế nên không chỉ vợ chồng mà người em ruột chị Huệ cũng đeo đẳng với sân khấu. Anh Nguyên Bình (SN 1980) nhỏ con, cơ thể có những khiếm khuyết nên phù hợp với những vai diễn mang tính bi hài. Có lẽ vậy nên cuộc đời đã bù đắp cho anh khi cách đây 2 năm đã mang chị Hằng đến và thành “của nợ” của anh - anh bảo vậy. Chị Hằng người Hà Nội cũng không may mắn về cơ thể nhưng yêu thương anh thật nhiều và nguyện cùng anh đến mọi nơi để hát. Nhìn cách họ quấn quýt, trìu mến nhau khi bất kể làm việc gì, tôi cảm nhận rõ niềm hạnh phúc thật đơn giản.

Các anh chị em ruột thịt trong đoàn hát cứ yêu thương và đùm bọc nhau, bất kể những nhọc nhằn, bất trắc. Hành trình biểu diễn của họ, tôi cứ hình dung như cuộc sống rày đây mai đó của xứ miền Tây, theo ghe xuống dòng sông Hậu. Chính họ - họ đang sống cho triết lý “sống thực mỗi ngày”, vui vì được là chính mình, được cho hôm nay. Điều ấy, thật đối lập với ngoài kia - dòng đời… Có lẽ vậy mà trên sân khấu, các màn diễn của họ như sống lại những con người thuở trước, chỉ biết gợi những nỗi niềm đơn giản trong đời, không rối rắm, uẩn khúc... Cái cười trên sân khấu của họ cũng thấm đẫm tính dân dã dân gian chứ không phải cái cười pha màu “công nghệ”.

Phận người sau... “gánh hát”

Dù khán giả đã không nhiều như trước nhưng bằng tình yêu với cải lương, đoàn vẫn say sưa biểu diễn

Những ngày vui với gánh hát thuở những năm 90 không còn, cái thời đoàn đi đến đâu chật kín người đến đó, có cả bản làng ở Mèo Vạc, Mường Lát, có cả dân tộc Thái ở Phú Thọ đến xem. Bù lại, hôm nay, họ thấy rõ hơn những ân tình người ta mang lại. Từ chuyện gom tiền hỗ trợ làm đám tang, đến chuyện mắm muối dưa cà, đến cả những người làm cán bộ văn hóa ngược xuôi vì họ như anh Hải giờ là Bí thư Đảng ủy xã Tân Lộc (Lộc Hà); anh Gơ, anh Dũng (thị trấn Thạch Hà); anh Sơn (Thạch Khê)… Anh Linh bảo: "Người Hà Tĩnh thật chân tình!".

Ấy vậy, vẫn đó đây, đoàn phải xuôi ngược và lỡ hẹn diễn vì những “lý trưởng” thôn, xã. Anh Linh bảo: “Họ không cho thì thôi, anh cũng quen rồi!”. Nghĩ đến các “vị” ấy, tôi chợt nghĩ đến năm 2017, các cụ cao niên ở xã nọ làm tờ trình xin thành lập CLB dân ca ví, giặm mà… xã không cho. Rồi tôi lại nghĩ, giá như dân ca nào, kể cả ví giặm Nghệ Tĩnh cũng có được những người yêu câu hát đến như sống chết vậy...

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast