Từ chuyện những chiếc ghế ở VFF: Quân tử

Hôm qua, trong cuộc trao đổi với TT&VH, ông Lê Thế Thọ đã trao đổi thẳng thắn, thậm chí chỉ trích gay gắt trước thái độ cố bám trụ cái ghế của mình của một số lãnh đạo VFF sau thất bại thê thảm của ĐT U23 VN tại SEA Games 26.

Trong 10 năm lên chuyên nghiệp, bóng đá VN và bản thân VFF đã trải qua quá nhiều bể dâu. Điều đó khó tránh khỏi bởi làm bóng đá chuyên nghiệp, hay nói kiểu triết học, cái mới luôn phải đối đầu với hy sinh, mất mát.

Vấn đề, những người đứng đầu VFF đã sẵn sàng tâm thế hy sinh và dám hy sinh vì sự nghiệp phát triển của nền bóng đá nước nhà hay chưa?

Ông Phạm Ngọc Viễn từng tâm sự: bóng đá VN cần những người dám tử vì đạo. Đạo ở đây, có thể hiểu là sự nghiệp phát triển chung của nền bóng đá VN. Cũng có thể hiểu, sau khi lên chuyên nghiệp, bóng đá VN đã phát triển lệch lạc, rất nhiều giá trị tốt đẹp bị vùi dập để nhường cho giá trị kim tiền.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Thực tế, không chỉ lãnh đạo VFF, các sếp bóng đá địa phương (CLB) và thậm chí cả cầu thủ bây giờ thu nhập cũng cao vượt trội so với mặt bằng xã hội. Do đó, để các cá nhân (từ thấp đến cao) rời bỏ chức vụ đồng nghĩa với xa rời miếng bánh béo bở như bóng đá là cực khó. Thế hệ trước, trong chiến tranh và bao cấp bóng đá ta thực sự đã sản sinh nhiều bậc quân tử đúng nghĩa: “thực vô cầu bảo, cư vô cầu an” (người quân tử ăn không cần no, ở không cần tiện nghi”. Chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ngày mới nhận chức từ nhiệm kỳ V đã gây xúc động khi ông bảo mình là người lính và sẽ phát huy được phẩm chất của người lính, dù trong mặt trận bóng đá.

Qua 6 năm, rõ ràng “dấu chân người lính” ông Hỷ đã mờ đi rất nhiều so với sự kỳ vọng của khán giả cả nước, sau lần ông cùng TTK Trần Quốc Tuấn ủng hộ quyết liệt phương châm làm sạch hóa bóng đá VN năm 2005.

Không ai có thể tài giỏi để làm tướng cả trong chiến tranh lẫn ở thời bình, đấy là quy luật muôn đời. Chúng ta không khó để cảm nhận dường như bộ máy lãnh đạo VFF hiện nay đã không còn phù hợp với yêu cầu của thời đại, không thể đảm đang được sứ mệnh lịch sử, thực tế 20 năm qua bóng đá VN đang giẫm chân tại chỗ, bất chấp nỗ lực chung của đất nước.

Sai lầm của ông Phạm Ngọc Viễn sau vụ đền tiền HLV Christian Letard, hay ông trưởng đoàn Lê Thế Thọ năm 2005, ai cũng hiểu đấy lỗi hệ thống, của cả cơ chế và tập thể. Nhưng, rõ ràng 2 ông vẫn xấu hổ, giàu lòng tự trọng, khi dám từ chức khỏi vị trí đầy bổng lộc thời điểm đó.

Còn hiện tại, VFF nhiệm kỳ VI với sự yếu kém toàn diện, vẫn thấy lãnh đạo VFF ra sức bám víu vào cái ghế của mình.

Bất cứ ai, dù tham gia lĩnh vực nào, nếu bỏ quên đạo của người quân tử thì không gây đại họa mới lạ.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast