Nhiều người cố tình phớt lờ quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng

Triển khai Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Công ước về kiểm soát thuốc lá, từ ngày 1/1/2010, việc hút thuốc lá bị cấm tại tất cả các lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, trên các phương tiện giao thông công cộng... Sau hơn 10 ngày thực hiện, các đơn vị đã có nhiều biện pháp và bước đầu có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người cố tình phớt lờ qui định này...

Nhân viên thì dễ, còn người ngoài...

“Cấm hút thuốc lá nơi công cộng”; “Hút thuốc có hại cho sức khoẻ”; “Hút thuốc bị phạt từ 50.000 đến 100.000 ngàn đồng”... Những biển có nội dung như thế được treo, dán rất nhiều tại các cơ sở y tế, bến xe, các công sở, trường học... Ông Trương Huy Nguyên- Phó Bến xe Hà Tĩnh, cho biết: “Sau khi tiếp thu tinh thần và nội dung của quyết định do tỉnh triển khai, hơn 300 biển có nội dung tuyên truyền được dán ở tất cả các bến xe trong tỉnh. Hiện cơ quan đang đặt làm 7 tấm panô kiên cố, cao 1,2m, rộng 1m, sắp tới sẽ đặt tại 7 bến xe. Riêng bến xe Hà Tĩnh, chúng tôi đã tuyên truyền đến tận các nhà xe; đã phát các biển cấm hút thuốc để đặt trên các phương tiện”.

Thi nhau nhả khói tại bến xe Hà Tĩnh!
Thi nhau nhả khói tại bến xe Hà Tĩnh!

Ông Nguyên chia sẻ: “Đối với nhân viên cơ quan thì dễ nhưng người ngoài thì khó lắm. Với CBCNV, chúng tôi đưa vào qui chế, bởi vậy rất hiệu quả. Trước đây, có 10 người hút thì giờ chỉ còn 3. Nhưng với người ngoài... chế tài xử phạt chưa có...”. Quan sát một vòng trong bến xe Hà Tĩnh, vẫn còn khá phổ biến người hút thuốc. Phần đa họ đều giải thích, có biết cấm hút thuốc nhưng vẫn thấy còn nhiều người hút nên mình cũng hút!

Tại bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh, các biển cấm hút thuốc được treo, dán ở tất cả những nơi cần thiết. Dạo một lượt quanh bệnh viện, ở tất cả các khoa phòng, chúng tôi không được trực tiếp chứng kiến một khói thuốc nào. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nhuần cho biết: Kể cả khi chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng đã thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Mới đây, bệnh viện đã quán triệt triệt để hơn. Theo tôi thấy, CBCNV thì không còn ai hút tại bệnh viện. Còn đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhiều lúc sáng đến vẫn thấy đụt thuốc ở hành lang...

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều người nhà bệnh nhân ngồi tại các hành lang khắp các khoa, phòng thản nhiên hút thuốc. Một điều dưỡng viên cho biết: “Chúng tôi chỉ nhắc nhở được trong khoa thôi còn ngoài hành lang thì... Với lại, ở đây, người nhà bệnh nhân vào ra đông và đa dạng lắm nên khó”. Hỏi một thanh niên đang hút thuốc tại ghế ngồi ngòai hành lang, anh cười: “Tôi cũng biết cấm nhưng đến đây nuôi người nhà, thấy thời gian dài quá mà không biết làm gì. Hơn nữa, bác sỹ trong bệnh viện vẫn còn hút có sao đâu!”.

Mỗi người hãy lên tiếng!

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới (56%). Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá (gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ); 80% người bị ung thư phổi là do sử dụng thuốc lá. Trung bình mỗi năm, người Việt Nam phải chi 8.000 tỷ đồng để mua thuốc lá.

Như vậy, quy định cấm hút thuốc lá của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết và ý nghĩa. Tuy nhiên, để quy định này đi vào cuộc sống, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, về cách phòng chống tác hại, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân. Và mỗi người, hãy lên tiếng vì sức khoẻ của chính mình và cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast