Ngành y tế Hà Tĩnh cần phát huy những kết quả đã đạt được và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót

Sáng 13/11, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp phiên thường kỳ tháng 11 nghe và cho ý kiến về tình hình, kết quả hoạt động của ngành y tế trong thời gian qua, định hướng hoạt động trong thời gian tới và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.

Ngành y tế Hà Tĩnh cần phát huy những kết quả đã đạt được và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót ảnh 1

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến tháng 10-2009, toàn tỉnh có 2.732 thôn, bản, khu phố có nhân viên y tế; 262/262 xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã; 12 Bệnh viện ĐK khu vực, Bệnh viện cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và 4 Bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ giường bệnh công lập là 18,5/1 vạn dân, tăng 2,1 giường/ 1 vạn dân so với năm 2006. Tính đến năm 2008, toàn tỉnh có 212/262 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 102 trạm y tế có bác sỹ, 100% có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi.

Công tác phòng chống dịch và hoạt động y tế dự phòng đã góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Trong 5 năm qua, trên địa bàn Hà Tĩnh không có dịch bệnh lớn xẩy ra, không có trường hợp nào tử vong do dịch. Về CSVC, trang thiết bị kỹ thuật các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng được tăng cường, có chất lượng. Từ năm 2004 lại nay, đã đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng CSVC, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn được quan tâm, chất lượng từng bước được nâng lên. Hiện nay, toàn ngành y tế có 4.323 người, trong đó có 639 bác sỹ, có 2 tiến sỹ, 35 thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II. Công tác quản lý nhà nước về y tế từng bước được tăng cường; thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia và xã hội hoá công tác y tế; công tác thông tin, giáo dục truyền thông về bảo vệ chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, dân số - KHHGĐ được đẩy mạnh.

Ngoài những mặt đã đạt được, báo cao đề cập 9 tồn tại, hạn chế như: Nhận thức một số cán bộ, đảng viên về công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn đơn giản, phiến diện; cơ sở vật chất được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; quy hoạch mạng lưới KCB chưa hoàn chỉnh, có điểm còn bất cập; quản lý hành nghề y, dược chưa chặt chẽ, một số cơ sở bán thuốc chữa bệnh chưa niêm yết giá thuốc, bán thuốc đã quá hạn sử dụng...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình kết luận, ghi nhận những mặt đã làm được của ngành y tế và nhấn mạnh một số vấn đề tồn tại như: Một số cán bộ còn thiếu tâm huyết với ngành, thiếu trách nhiệm với nhân dân; cơ cấu cán bộ ở các bệnh viện, trong các khoa, phòng chưa hợp lý, cơ cấu chưa hợp lý; mất đoàn kết nội bộ dẫn đến thiếu sự thống nhất cao trong đơn vị, trong toàn ngành; cần sớm giải quyết dứt điểm những vụ việc đã xảy ra trong ngành y tế...

Thời gian tới, Sở Y tế, sở Nội vụ và các ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất việc cơ cấu bộ máy y tế cấp huyện, đưa bác sỹ về cơ sở phải sát với thực tế, đạt hiệu quả; xây dựng CSVC là tiếp tục đầu tư xây dựng Bệnh viện ĐK tỉnh và các bệnh viên khác nhưng phải có lộ trình nâng cấp, xây dựng hợp lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ phải có chất lượng, coi trọng công tác bồi dưỡng đào tạo và phải tạo sự thông thoáng khi thu hút nguồn nhân lực.

Về công tác quản lý cán bộ, ngành phải quán triệt sâu sắc chỉ thị 35 của BTV Tỉnh ủy, nhằm tạo sự chuyển biến trong giao tiếp, tác phong, giờ giấc làm việc, ứng xử với bệnh nhân...; đồng thời trong ngành, cán bộ, đảng viên, CNV cần có sự thống nhất, xây dựng mối đoàn kết, tạo niềm tin trong mọi tầng lớp nhân dân; các cơ quan, ban nghành cần có sự phối hợp thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề về y tế. Ngoài ra, Ngành y tế cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cũng cố các hoạt động, sớm ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp lại cơ cấu nhân sự ở các khoa, phòng trong Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast