Những điều cần xem xét trong nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Về cơ bản, nội dung Dự thảo phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập của đất nước trong giai đoạn hiện nay và nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, tôi có đôi điều suy nghĩ sau đây nên chăng cần được nghiên cứu thêm:

A - Một số nội dung cụ thể:

Lời nói đầu: Cần bổ sung lí do để sửa đổi Hiến pháp 1992. Dù cho nội dung này dễ nhận biết nhưng không thể không đề cập, thậm chí cụ thể càng tốt, lý do càng chính đáng sẽ làm cho mỗi công dân càng quan tâm hơn. Nội dung này cần đề cập sau đoạn 3 trong dự thảo “Qua các thời kì kháng chiến kiến quốc... ổn định và phát triển đất nước”, sẽ logic với nội dung của đoạn 3 trong Dự thảo.

Điều 2: Dự thảo “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công,... các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” cần được minh định rõ ràng hơn. Vì trong thực tiễn thực hiện quyền lực này suốt thời gian qua vẫn bắt gặp nhiều điều không ổn. Ví dụ quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, nhưng khi xây dựng luật pháp lại là cơ quan hành pháp, mà Quốc hội chỉ thẩm tra, phải chăng, ban soạn thảo cho đây là sự phối hợp? Theo tôi việc Chính phủ lập pháp là không đúng thẩm quyền. Tại Điều 74 đã đề cập: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp...”. Do đó cần phải được tách bạch quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất cần phải thể hiện được vai trò này, đó là thước đo sức mạnh của Quốc hội.

Điều 3: Để nội dung điều này vào điều 2, không cần thêm mục Điều 3 như trong dự thảo, vì nội dung Dự thảo này phù hợp với nội dung tại Điều 2 (khái niệm về nhà nước; quyền lực nhà nước và trách nhiệm nhà nước với công dân).

Điều 8: Tại khoản 1: “Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Theo tôi nên bỏ “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” - đặt ở đây không phù hợp, chỉ cần để nguyên 2 ý đầu.

Tại khoản 2: “Nền hành chính quốc gia... Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Theo tôi tất cả các hành vi nêu trong khoản này nên gắn với mỗi một công chức, viên chức, do đó nên thay các từ chống thành không. Nếu để như Dự thảo thì đoạn sau cụm từ chống tham nhũng... sẽ không có ý nghĩa, vì không rõ chủ thể chống tham nhũng... chống lãng phí là ai? Nếu là bản thân cán bộ, công chức, viên chức là chủ thể thì tại sao chỉ làm nhiệm vụ chống người khác vi phạm các hành vi trên còn bản thân mình thì sao?

Điều 66: Tại khoản 2: cần bổ sung thêm nội dung: Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng (nghĩa là giữ nguyên nội dung này như Hiến pháp năm 1992). Nếu bỏ nội dung này như Dự thảo coi như Nhà nước không quản lý gì mang đặc thù chuyên môn đối với quản lý nhà nước của Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ GD-ĐT.

Cũng tại điều này, Dự thảo không đề cập đến các tổ chức chính trị, xã hội cần phải quan tâm đặc biệt đến GD-ĐT mà vốn Đảng và Quốc hội và ngay trong Dự thảo này đã xác định “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”. Nên chăng cần thêm khoản 4 xác định điều này.

Điều 67: Cần bổ sung cụ thể và mạnh mẽ hơn về chính sách đãi ngộ, tôn vinh cũng như trọng dụng các nhà khoa học cống hiến xuất sắc cho đất nước. Tạo điều kiện tối đa về vật chất và tinh thần để họ cống hiến trí tuệ và tài năng của mình (dù tại khoản 3 điều này có đề cập nhưng rất mờ nhạt).

Điều 100: Nội dung Dự thảo đưa ra 3 đoạn cuối:

- Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

- Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng. Khi Thủ tướng vắng mặt thì một Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác Chính phủ.

- Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công, cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.

Cần khẳng định Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và toàn dân về các quyết định của mình và của Chính phủ. Cũng như vậy, thành viên của Chính phủ không phải chỉ chịu trách nhiệm về lĩnh vực mình phụ trách trước Chính phủ và Quốc hội mà phải cả toàn dân. Tương tự như vậy đối với Chánh tòa án nhân dân tối cao (Điều 110 - khoản 2) và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 113 - khoản 2), như Dự thảo Chánh tòa án và Viện trưởng chỉ chịu trách nhiệm đơn thuần về nội dung báo cáo và báo cáo trước Quốc hội mà không đề cập đến trách nhiệm lĩnh vực mình phụ trách trước Chính phủ, Quốc hội và toàn dân. Dự thảo đã nói rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...”. Do đó, trong Hiến pháp, nhân dân là chủ thể, là người ủy quyền cho Nhà nước quản lý xã hội, bảo vệ quyền tự do và hạnh phúc của nhân dân. Mặc dầu Đại biểu Quốc hội với tư cách là đại diện cho dân, nhưng với vị trí của nhân dân trong Hiến pháp cần phải được trân trọng và càng tăng thêm trách nhiệm của Chính phủ trước nhân dân.

Mặt khác, trong điều này tại sao các Phó Thủ tướng không chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân về lĩnh vực mình phụ trách?

B. Một số vấn đề chung

1. Nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu để việc thực thi Hiến pháp thuận lợi. Một số nội dung sau đây cần nghiên cứu thêm: Tại chương II: Điều 15, khoản 2: “Quyền con người và quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Tại Điều 56 khoản 3: “Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường”.

Tại cả 2 điều khoản nêu trên cần xác định rõ cần thiết đến mức nào? Trường hợp nào thì trưng mua? hay trưng dụng? Nếu không xác định rõ ràng thực tiễn thực thi dễ bị lợi dụng (ngoại trừ lý do QPAN).

Điều 101: Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ.

Tại khoản 6 “Thống nhất quản lý về quốc phòng, an ninh...”; tại khoản 7: “Thống nhất quản lý về công tác đối ngoại...”. Vậy cụ thể “thống nhất” như thế nào? Thống nhất với ai? Ở trên Dự thảo đã đề cập Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về công tác đối ngoại (Điều 91). Nhiệm vụ của Chủ tịch nước là “thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh...” (Điều 93 - khoản 5).

2. Tại Điều 123: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”. Trong Dự thảo có rất nhiều điều khoản đều nêu do luật định hay “theo quy định của pháp luật”. Theo tôi biết hiện nay, chúng ta đã có trên 300 luật và pháp lệnh, chắc hẳn không tránh khỏi bao điều sẽ không còn phù hợp với Hiến pháp sắp được ban hành, do đó, cần có Hội đồng Hiến pháp để rà soát lại toàn bộ hệ thống luật và pháp lệnh đã ban hành. Điều quan trọng theo tôi Hội đồng Hiến pháp sẽ là cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp mà lâu nay công tác này do cơ quan hành pháp thực hiện là không đúng thẩm quyền như Hiến pháp đã nêu. Nếu Hội đồng Hiến pháp chỉ làm nhiệm vụ như Dự thảo thì không nên thành lập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast