Cục trưởng Cục Điện ảnh: ‘King Kong đến, ta được gì?’

Theo Cục trưởng Ngô Phương Lan, việc xuất hiện trong một vài cảnh quay của các phim như “King Kong” (Kong: Skull Island)… không có nghĩa hình ảnh Việt Nam sẽ lập tức thay đổi!

- Đoàn làm phim King Kong đã bắt đầu sang Việt Nam để triển khai công việc. Khi làm việc với Cục Điện ảnh, phía Cục đã đưa ra quy định nào với phía đoàn phim khi họ quay tại các danh lam thắng cảnh của Việt Nam?

- Theo đúng quy định, Cục Điện ảnh chỉ đọc và thẩm định kịch bản sau đó trình Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ra quyết định cho phép một đơn vị Việt Nam có chức năng sản xuất phim đón và phối hợp giúp đỡ đoàn vào Việt Nam quay phim.

Chúng tôi làm việc trên tinh thần cởi mở, tạo điều kiện, hợp tác để đoàn làm phim nước bạn đến Việt Nam quay được thuận lợi. Nhưng không thể ghi vào văn bản giám định kịch bản hay quyết định cho phép quay phim thêm một điều là bắt buộc phải quảng bá hình ảnh Việt Nam vì như vậy không đúng Luật. Yêu cầu này sẽ nằm trong hợp đồng của đơn vị Việt Nam được giao cung cấp dịch vụ ký với đoàn phim nước ngoài.

TS. Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh.

TS. Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh.

- Khi Hollywood đến Trung Quốc quay phim, phía Trung Quốc từng đặt ra rất nhiều điều kiện, trong đó có việc giữ gìn bối cảnh, việc quảng bá hình ảnh đất nước, thậm chí cả việc các ngôi sao Trung Quốc sẽ xuất hiện trên phim như thế nào. Vì sao chúng ta lại không làm điều đó, thưa Cục trưởng?

- Cục Điện ảnh đã có văn bản gửi Cục Hợp tác Quốc tế - đơn vị được Bộ giao đón và quản lý đoàn làm phim và sẽ chịu trách nhiệm làm việc trực tiếp với đoàn làm phim. Trong văn bản, Cục Điện ảnh đề nghị Cục Hợp tác Quốc tế yêu cầu phía nước ngoài cam kết quảng bá những địa điểm quay phim, phong cảnh đẹp, qua đó quảng bá du lịch và thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài việc quảng bá, trong quá trình quay phim cũng phải quan tâm đến việc bảo tồn danh lam thắng cảnh, giữ gìn hình ảnh đất nước… Phía các tỉnh thành nơi đoàn làm phim đến quay cũng sẽ làm việc cụ thể với họ về những nội dung này.

- Cục Điện ảnh quan tâm như thế nào đến việc quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước trong những dự án phim hợp tác như thế này, thưa Cục trưởng?

- Cục Điện ảnh luôn quan tâm đến yếu tố quảng bá hình ảnh đất nước, đã có trong nhiều buổi tọa đàm giới thiệu và triển lãm bối cảnh và tiềm năng hợp tác làm phim tại Việt Nam tại các sự kiện điện ảnh ở các nước, các liên hoan phim quốc tế.

Tuy nhiên, thông điệp quảng bá phải được chuyển tải một cách khéo léo. Chúng ta không thể vừa gặp họ đã yêu cầu, anh muốn đến đất nước chúng tôi quay phim, anh phải có trách nhiệm quảng bá hình ảnh cho Việt Nam. Muốn quảng bá, chúng ta phải chủ động. Chúng ta có thể đẩy mạnh truyền thông trong nước và quốc tế về việc Hollywood đến quay “bom tấn” ở các điểm nổi tiếng tại Việt Nam để thế giới biết. Hoặc có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua cảm nhận của các ngôi sao Hollywood… chứ đâu phải chỉ có cách “bắt” họ ghi địa danh của mình lên phim.

Mặt khác, phía Việt Nam mình tạo điều kiện cho họ, nhưng không chạy theo bằng mọi giá mà trước hết phải bảo vệ các giá trị văn hóa của mình.

- Việc quảng bá hình ảnh đất nước luôn được nhấn mạnh mỗi khi các danh thắng của Việt Nam được chọn là bối cảnh trong phim quốc tế. Năm 2016, ngoài đoàn làm phim King Kong, còn có các phim của Bollywood sẽ đến Việt Nam… Dư luận đang kỳ vọng, đây sẽ là cơ hội để điện ảnh giúp du lịch Việt Nam thăng hạng. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Chúng tôi vui mừng, chào đón các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam quay phim. Đó đúng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước. Còn là cơ hội để chúng ta học hỏi, nâng cao tính chuyên nghiệp điện ảnh. Khi làm việc, chúng tôi không quên giới thiệu với các đoàn làm phim quốc tế về những danh lam thắng cảnh tươi đẹp của đất nước như Vịnh Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình…

Mình còn nhấn mạnh với họ về việc, khi đến đây, họ được an toàn. Việt Nam là điểm đến lý tưởng khi an ninh quốc gia được đảm bảo tuyệt đối. Thêm nữa, Việt Nam là đất nước có lịch sử lâu đời, nhiều giá trị văn hóa, nhiều câu chuyện thú vị có thể khám phá.

Tuy nhiên, tôi cũng phải chia sẻ thêm rằng, đó là cơ hội lớn nhưng không phải là tất cả… Bởi không phải xuất hiện trên một vài cảnh quay của các phim Hollywood là ngay lập tức, hình ảnh Việt Nam sẽ hoàn toàn thay đổi trong mắt thế giới. Không phải cứ xuất hiện trên phim Hollywood là hình ảnh của chúng ta sẽ đẹp hơn bội phần. Chưa kể, King Kong lấy bối cảnh trái đất thời cổ đại, chắc họ sẽ không ghi lên màn ảnh là “Hạ Long- Việt Nam năm 2016”! Sau khi ra rạp, còn phải xét đến sức hút của phim. Ví như bộ phim Pan quay một số cảnh tại hang Én, Quảng Bình năm vừa rồi đã không có được lượng khán giả như mong đợi.

'Không phải cứ xuất hiện trên phim Hollywood là hình ảnh Việt Nam bỗng đẹp lên bội phần...'

'Không phải cứ xuất hiện trên phim Hollywood là hình ảnh Việt Nam bỗng đẹp lên bội phần...'

- New Zealand đã trở nên nổi tiếng thế giới sau khi trở thành bối cảnh của loạt phim về người Hobbit. Vậy theo bà, chúng ta cần những gì để Việt Nam trở thành điểm đến của thế giới sau khi xuất hiện trên những dự án phim bom tấn như King Kong…?

- Tôi nghĩ, đó là một câu chuyện dài, cần sự phối hợp và cố gắng vun đắp của nhiều cơ quan chức năng, thậm chí của từng người dân nơi đoàn đến quay phim chứ không phải là câu chuyện của riêng ngành điện ảnh.

- Cuối năm 2015, có thông tin về những cuộc gặp gỡ giữa Cục Điện ảnh và Bollywood (Ấn Độ) về việc hợp tác trong thời gian tới. Bollywood sẽ đầu tư sản xuất các bộ phim quay tại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ một vài thông tin về sự hợp tác này?

- Cục đã làm việc với các nhà làm phim Ấn Độ, tuy nhiên, mọi thứ còn nằm ở dự định. Các nhà làm phim Bollywood rất phấn khởi, trao đổi rất nhiều, họ thích Việt Nam và muốn làm phim ở đây… Nhưng mọi dự định cần thêm nhiều thời gian để thành hiện thực.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast