Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài 2): Thu nội địa - gian nan chặng nước rút

(Baohatinh.vn) - Đã qua hơn 2/3 chặng đường nhưng tình hình thu ngân sách nội địa mới chỉ đạt xấp xỉ 50% kế hoạch đề ra. Những “điểm nghẽn” vừa khách quan, vừa chủ quan đang “gìm cương” chặng nước rút những tháng cuối năm...

Đối mặt khó khăn

Mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong công tác thu ngân sách. Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Tĩnh, tính đến 16/10, tổng thu ngân sách nội địa đạt 3.026 tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch HĐND tỉnh giao (6.065 tỷ đồng) và bằng 103% so cùng kỳ.

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài 2): Thu nội địa - gian nan chặng nước rút ảnh 1
Đặc thù của hoạt động kinh doanh vận tải là cơ động, sản phẩm không mang tính định lượng nên ngành thuế khó xác định được doanh thu cụ thể để làm cơ sở tính thuế.

Trong đó, chỉ có 7/13 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ dự toán (đạt 67% dự toán trở lên), nhưng lại là các khoản thu nhỏ; 6 khoản thu, sắc thuế còn lại đạt thấp hơn so với yêu cầu, bao gồm các khoản thu quan trọng: thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước (48%); khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (28%); thuế bảo vệ môi trường (62%); thuế thu nhập cá nhân (56%).

Ông Nguyễn Văn Phúc - giám đốc một DN xây dựng và du lịch ở TP. Hà Tĩnh cho biết: “Hiện tại, nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn, nên tình hình sản xuất, kinh doanh của chúng tôi cũng không mấy thuận lợi. Năm 2013, công ty nộp trên 2,6 tỷ đồng tiền thuế, song ước cả năm nay, số tiền đóng góp cho ngân sách nhà nước chỉ bằng 2/3 so với năm trước”. Điều mong muốn hiện nay là Nhà nước hạn chế việc giãn thuế, thay vào đó là xem xét để tăng miễn và giảm thuế cho DN, vì DN được giãn thuế sẽ phải tăng chi phí theo dõi khoản thuế được giãn và tăng gánh nặng về tài chính cho DN khi đến kỳ nộp thuế - ông Phúc giãi bày.

Đến thời điểm này, khối huyện, thị có 7/12 địa phương thu đạt yêu cầu tiến độ dự toán. Các đơn vị trọng điểm chưa đạt yêu cầu như: TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Văn phòng Cục Thuế Hà Tĩnh…

Ông Đinh Nho Hậu - Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh nhìn nhận:“Ngoài việc hụt thu từ Tập đoàn FORMOSA, việc giảm các loại thuế do chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; tình hình kinh tế trong nước, quốc tế khó khăn… cũng đã làm cho tiến độ thu ngân sách của ngành Thuế Hà Tĩnh trong những tháng đầu năm nay “đuối” so với kế hoạch”.

“Điểm nghẽn” khó tháo gỡ

Thời gian qua, ngành Thuế đã có nhiều giải pháp quyết liệt chỉ đạo khai thác hiệu quả nguồn thu nhưng kết quả vẫn không đạt chỉ tiêu đề ra. Một số “điểm nghẽn” ở nhiều lĩnh vực làm nhiệm vụ thu ngân sách gặp khó khăn.

Tập đoàn FORMOSA được coi là “đầu tàu” trong thu ngân sách nội địa, nhưng vì lý do khách quan lẫn chủ quan nên nguồn thu giảm, đây là yếu tố làm tổng thu ngân sách bị “hụt” nghiêm trọng. Cụ thể, cùng kỳ năm trước, số thuế, phí bảo vệ môi trường thu từ tập đoàn là 1.299 tỷ đồng, trong khi, hiện nay chỉ mới đạt 492 tỷ đồng, hụt thu 807 tỷ đồng. Nếu không tính nguồn thu từ FORMOSA, đến thời điểm này, thu ngân sách nội địa của tỉnh đạt 65% so kế hoạch và tăng 35% so cùng kỳ. Nguyên nhân được xác định do năm nay kế hoạch giải ngân của FORMOSA chủ yếu từ nhập khẩu máy móc, thiết bị không thuộc diện phải nộp thuế GTGT nội địa, mà chỉ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu; mặt khác, ảnh hưởng của “sự cố 14/5” tại Khu kinh tế Vũng Áng phần nào làm ngân sách thuế nhà thầu nước ngoài và nguồn thu một số DN khác giảm đáng kể.

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài 2): Thu nội địa - gian nan chặng nước rút ảnh 2
Cán bộ Chi cục Thuế Vũ Quang làm thủ tục cho người nộp thuế. Ảnh: Tuấn Vũ

Bên cạnh đó, thu ngân sách ở lĩnh vực giao thông vận tải cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đặc thù của hoạt động kinh doanh vận tải là cơ động; sản phẩm mang tính dịch vụ, không định lượng cụ thể. Vì thế, ngành Thuế khó xác định doanh thu thực tế để làm cơ sở tính thuế. Trong khi, hiện tượng đơn vị, cá nhân kinh doanh cho phương tiện đón khách dọc đường, không bán vé, chở quá số lượng quy định không phải là hiếm. Vận tải hàng hóa thì chỉ một số có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn, chứng từ, còn lại là thỏa thuận miệng giữa chủ hàng và phía vận chuyển. Không có hóa đơn để quản lý giá dẫn đến việc quản lý thuế rất khó khăn.

Ngoài ra, tìm hiểu thực tế tại nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn cho thấy, đối với khoản chi chỉ vài trăm nghìn, cả đơn vị kinh doanh và khách hàng đều mặc định không cần hóa đơn. Ngay cả đối với mức chi lớn hơn, việc xuất hóa đơn GTGT đối với lĩnh vực bán lẻ cũng chưa thông dụng. Bao biện cho điều này, một chủ kinh doanh lĩnh vực ăn uống cho biết, nếu khách không lấy hóa đơn thì 10% GTGT sẽ được khấu trừ trong tổng chi của khách. Theo số liệu khảo sát, tính đến tháng 10/2014, ngành Y tế Hà Tĩnh thực hiện quản lý 2.741 cơ sở dịch vụ bán lẻ, trong đó có 1.632 nhà hàng, 21 khách sạn, 638 cửa hàng thức ăn đường phố... Có thể thấy, số lượng hộ kinh doanh, DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn tỉnh rất đa dạng. Tuy nhiên, công tác thu ngân sách từ lĩnh vực này chưa triệt để; việc phối hợp giữa cơ quan thuế và Sở Y tế hầu như chưa có nên tạo điều kiện để người nộp thuế dễ dàng “lách” luật, trốn thuế…

Ở hầu hết các lĩnh vực đều tồn tại những “điểm nghẽn” đặc thù. Nếu như hoạt động khai thác khoáng sản gặp khó ở việc cơ quan thuế không thể nắm chính xác khối lượng khoáng sản được khai thác, mà tính các loại thuế và phí bảo vệ môi trường trên cơ sở DN tự khai nên rất dễ xẩy ra tình trạng khai gian, thì lĩnh vực xây dựng cơ bản lại khó khăn ở việc phần lớn các công trình xây dựng nhà ở tư nhân đều thực hiện thông qua giao dịch hợp đồng viết tay và trả tiền mặt nên việc quản lý thu các khoản thuế liên quan rất bất cập... Những nút thắt này gây bất lợi cho công tác thu ngân sách những tháng cuối năm.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast