“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

(Baohatinh.vn) - Đó là lời của cụ ông Nguyễn Hồng Phong năm nay đã 91 tuổi (thôn Hạ, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) nói với vợ là cụ bà Nguyễn Thị Hường (76 tuổi) khi dốc hết tiền dưỡng già hỗ trợ đồng bào trong và ngoài xứ đạo gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

“Kẻ có của mà chẳng làm phúc cho kẻ khó thì như chẳng làm phúc cho người vậy” – lời răn dạy của thiên chúa là ánh sáng soi đường cho vợ chồng cụ Phong, cụ Hường trong hành trình thiện nguyện nhiều năm qua.

Video: Cụ ông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ về nỗi trăn trở

Về xứ đạo An Nhiên (Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) giữa những ngày cao điểm của Tuần Thánh, tấm gương về lòng bác ái, sống “tốt đời, đẹp đạo” của gia đình cụ Phong, cụ Hường khiến ai nấy đều ngưỡng mộ.

Giữa đại dịch Covid- 19, 2 cụ đã dốc hết tiền bòn góp dưỡng già gần 45 triệu để trao tặng gần 3 tấn gạo giúp những hoàn cảnh khó khăn…

“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

Cụ ông và cụ bà tặng 1,1 tấn gạo cho xã Thạch Hạ để chung sức chống dịch Covid- 19.

Không dừng lại ở 1,1 tấn gạo tặng Ban vận động phòng chống dịch Covid-19 xã Thạch Hạ vào ngày 7/4, các ngày 10 và 11/4, vợ chồng cụ Phong lại tiếp tục ủng hộ xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) 1 tấn gạo và xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) 600 kg gạo để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trước đó, vào đầu tháng 3 - thời điểm “giáp hạt”, cụ Hường đã dùng xe đạp chở gạo đến trao tận tay cho 17 hộ gia đình khó khăn, người già cả (10 kg/hộ) trong xã… Được biết, đây là món quà hàng năm ông bà vẫn duy trì để dành tặng chút ít lương thực đến những người khó khăn. Vậy là, mùa “Covid” này, vợ chồng cụ Phong đã ủng hộ được gần 3 tấn gạo với tổng trị giá gần 45 triệu đồng để cùng chính quyền các cấp “chiến đấu” với “giặc dịch”.

“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

Mỗi năm, vợ chồng 2 cụ đều trích ra được một khoản để “đồng cam cộng khổ” với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh.

Từng có thời gian dài công tác qua nhiều vị trí ở UBND xã Thạch Hạ, cụ Phong về hưu năm 1991 và cùng vợ ruộng vườn, chăn gà, nuôi lợn. Các con đều đã có gia đình riêng nên chỉ có hai cụ bầu bạn sớm tối. Thu nhập của vợ chồng cụ dựa vào số tiền lương hàng tháng 1,8 triệu đồng, mớ rau, quả trứng từ những buổi chợ sáng của cụ bà và những đồng quà bánh từ con cháu mỗi khi về thăm.

Dù không khá giả nhưng nhờ sự tằn tiện, chắt bóp với tinh thần “buôn tàu không giàu bằng hà tiện”, “giàu mà không hà tiện thì khó liền tay”, mỗi năm, vợ chồng cụ đều trích ra được một khoản để “đồng cam cộng khổ” với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh.

“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

Nhờ lòng đồng thuận, ông bà đã cùng nhau làm việc thiện suốt nhiều năm nay.

Cụ Nguyễn Thị Hường tâm sự: “Cũng từ hoàn cảnh khổ cực ngày xưa mà bà hiểu hơn sự khó khăn, vất vả của những nhà đông miệng ăn, ông già, bà lão. Khi cuộc sống đã ổn định, có dư dả ra một ít, bà nghĩ đến việc dùng tiền tiết kiệm để mua gạo tặng cho các hộ khó khăn và rất may mắn nhận được sự ủng hộ của chồng, các con. Dù chỉ là năm, mười cân gạo nhưng là cả tấm lòng mà vợ chồng bà có để giúp mọi người”.

“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, 2 cụ hiểu rằng Việt Nam đã thực sự đi vào “cuộc chiến sinh tử” chống dịch Covid-19.

Những ngày này, qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, ông bà hiểu rằng Việt Nam đã thực sự đi vào “cuộc chiến sinh tử” với dịch Covid-19.

“Trước hôm lên UBND xã bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ, đêm đó, hai ông bà đã suy nghĩ, tính toán và hiểu rằng, trong dịch, những người nghèo, già cả, chạy ăn từng bữa rất vất vả nên đã quyết định sẽ ủng hộ bằng gạo để Ban vận động phòng chống dịch của xã cấp phát, bố trí phù hợp. Nghĩ là làm, sáng sớm hôm sau, cụ bà đã đạp xe lên UBND xã cầm theo lá đơn viết vội thể hiện tinh thần chung sức chống dịch” – ông Nguyễn Hồng Phong bày tỏ.

“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

Vườn rau xanh mướt là nguồn thu nhập mà 2 cụ đã góp lại để “nhường cơm, sẻ áo” cho cộng đồng.

Chia sẻ được với bà con trong xã, lòng ông bà đã nhẹ gánh đi được ít nhiều. Thế nhưng, nhìn lại, vẫn còn bao người ở các xã lân cận đang khổ sở.

“Suy nghĩ mãi, tôi nói với bà: Mẹ ơi! Dừ có trự (đồng tiền – PV) mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid. Thạch Hạ có rồi thì mẹ xem ta hỗ trợ cho Thạch Trung, Hộ Độ. Lương, giáo chi họ cũng đều khó khăn cả. Có như rứa thầy (tôi- PV) mới yên lòng được” – ông kể khi nói với cụ bà.

“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Phong vẫn dành thời gian để đọc sách báo, đặc biệt là các sách khoa học.

Tâm sự của cụ ông chạm đến lòng trắc ẩn của cụ bà. Sáng hôm sau, cụ bà dậy thật sớm, tranh thủ hái vội dăm mớ rau mang ra chợ bán rồi tất tả lên đường làm việc bác ái.

Cụ bà đạp xe hơn 5 km qua xã Hộ Độ và 4 km đến xã Thạch Trung để bày tỏ nguyện vọng hỗ trợ. Ngay sau đó, Ban Vận động chống dịch các xã đã nhanh chóng cho xe đến tận kho gạo để vận chuyển về tập kết, kịp thời phục vụ cấp phát cho bà con khó khăn.

“Có trự mô ta góp thêm hỗ trợ chống Covid-19, lương - giáo chi cũng đều khó khăn”

Ngoài thờ phụng Chúa, gia đình ông còn treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng. Ông nói: "Không có Bác Hồ thì Việt Nam mình đâu có được ngày hôm nay!"

Những tờ tiền mừng tuổi, những khoản lương chưa dùng đến và cả những đồng tiền thấm mồ hôi, công sức chăm bẵm vườn rau, con lợn, đàn gà… là cả gia tài đối với 2 cụ và cũng là tiền dưỡng già, phòng khi ốm đau. Thế nhưng, với tinh thần quảng đại, 2 cụ đã dành hết cho thiện nguyện.

Nở nụ cười móm mém nhưng tuyệt đẹp, cụ Phong nói: “Dừ hết tiền rồi nên tôi yên tâm ngủ ngon hơn. Bởi rằng, không phải trằn trọc, áy náy vì có tiền mà không giúp bà con lúc khốn khó!”.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast