Tư duy mới trên cánh đồng cũ ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thực hiện các nghị quyết về “tam nông” của Trung ương và Tỉnh ủy, ngành sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh đã có nhiều thay đổi đáng kể, từ cơ cấu giống, mùa vụ, đến áp dụng tiến bộ KHKT, triển khai chuỗi liên kết trong sản xuất... Kết quả mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại.

Tư duy mới trên cánh đồng cũ ở Hà Tĩnh

Cơ giới hóa sau thu hoạch tại Hà Tĩnh đã đạt tới 96%.

Vụ xuân 2018, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai tại Yên Hồ (Đức Thọ) với diện tích 10 ha, sử dụng giống P6 và phân bón hữu cơ vi sinh. Ông Nguyễn Văn Phương (xã Yên Hồ) phấn khởi chia sẻ: "Lúa hữu cơ dễ làm, chi phí thuốc phòng trừ sâu bệnh, giá bán lại cao hơn nên người dân có thêm thu nhập. Do không sử dụng phân hóa học, lúa hữu cơ ít nhiễm bệnh đạo ôn hơn. Về năng suất, lúa hữu cơ tuy thấp hơn lúa truyền thống chút ít, song, được giá bán nên hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 5 triệu đồng/ha".

Còn tại huyện Cẩm Xuyên, theo ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện thì những năm qua, sản xuất lúa gạo đã có những thay đổi rõ rệt so với trước đây. Trước hết là thay đổi về giống lúa, Cẩm Xuyên đã bỏ hẳn giống lúa dài ngày IR1820, đưa các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng vào sản xuất đại trà. Tiếp đến là thay đổi mùa vụ, huyện đã hoàn thành xóa trà xuân sớm, xuân trung, chuyển sang sản xuất 100% trà xuân muộn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất hàng năm đều tăng.

Tư duy mới trên cánh đồng cũ ở Hà Tĩnh

Trồng lúa hữu cơ giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Bên cạnh thay đổi giống, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chính là mấu chốt cho những thành công bước đầu của tiến trình cơ cấu lại ngành lúa gạo. Cho đến nay, với 164 máy gặt đập liên hợp trên địa bàn toàn huyện, Cẩm Xuyên đã đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch đạt 100%, giảm bớt công lao động, rút ngắn thời gian, góp phần giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Cùng với đó, huyện hiện có 30 máy làm đất công suất từ trên 23 mã lực và trên 1.000 máy làm đất cỡ nhỏ, thời gian làm đất được đẩy nhanh, còn từ 7-10 ngày/vụ, tác động tích cực đến cơ cấu mùa vụ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết: Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Sự thay đổi cơ cấu giống có thể nói đã tạo bước ngoặt đối với ngành sản xuất lúa, góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo. Cụ thể, thời gian qua, ngành đã phối hợp khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống lúa có triển vọng, thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng Hà Tĩnh như: P6, PC6, TH3-3, HT1, RVT, TH9, N98, BQ.

Tư duy mới trên cánh đồng cũ ở Hà Tĩnh

Nhờ áp dụng KHCN trong sản xuất và những giống lúa mới, giá trị sản xuất lúa gạo hiện tại tăng gấp nhiều lần so với năm 2008.

Bên cạnh đó, ngành tập trung xóa bỏ trà xuân sớm, tăng nhanh diện tích lúa xuân muộn (từ dưới 30% lên trên 95% năm 2017), giảm số lượng giống trên trà gieo cấy. Diện tích lúa hàng hóa đạt 38.500 ha, năng suất lúa liên tục tăng, góp phần đưa sản lượng lương thực đạt trên 52,6 vạn tấn/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt hơn 75 triệu đồng/ha. Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cũng tích cực thực hiện tốt các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, "3 giảm, 3 tăng" ICM, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI. Đồng thời, hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gạo hữu cơ, lúa chất lượng cao theo chuỗi khép kín.

Về áp dụng KHKT, tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa trong nhiều lĩnh vực, khâu sản xuất thời gian qua cũng đạt cao. Cụ thể, khâu làm đất đạt 95,5%, khâu thu hoạch đạt 96%, khâu vận chuyển đạt 80%. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch (trong sản xuất lúa giảm từ 12,5% xuống 7%), giải phóng sức lao động, đảm bảo thời vụ, phòng tránh thiên tai, là tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Ngoài ra, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông", toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp sửa chữa 75 công trình thủy lợi theo tiêu chuẩn thiết kế mới, nâng tổng dung tích thiết kế các hồ chứa lên trên 1.560 triệu m3 (tăng hơn 833 triệu m3 so với năm 2008); kiên cố gần 1.544 km kênh mương, nâng tổng số km kênh mương được kiên cố lên 3.836 km/6.333 km; tăng năng lực tưới ổn định thêm 12.498 ha so với năm 2008, đưa diện tích tưới ổn định cả năm lên 113.911 ha.

Những cánh đồng lúa thẳng băng, dài tít tắp; những máy gặt đập liên hợp nhanh thoăn thoắt đỡ biết bao công lao động của bà con và cả những người nông dân hiện đại tích cực tìm hiểu, cập nhật KHKT vào sản xuất là những thay đổi căn bản mà Nghị quyết "tam nông" mang lại cho ngành sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh trong suốt 10 năm qua.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast