Khơi dòng thị trường văn hóa

(Baohatinh.vn) - Khi chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường là khi các hoạt động sản xuất văn hóa cũng chịu tác động của quy luật hàng hóa. Theo đó, sản phẩm văn hóa trở thành đối tượng hoạt động kinh doanh. Đó là lý do để nhà sách, sạp báo, phòng trưng bày, trung tâm mua bán băng đĩa, rạp chiếu phim, các hoạt động biểu diễn… ra đời.

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để loại hình hàng hóa đặc biệt này có được chỗ đứng trong cơ chế thị trường nhưng không đánh mất giá trị cốt lõi của nó.

Đặc thù của thị trường văn hóa

Hoạt động sản xuất văn hóa khởi phát là hoạt động tự thân của cá nhân. Dưới sự thôi thúc của nội tâm, các nghệ sĩ xây dựng trong tác phẩm những thế giới nghệ thuật riêng. Dầu cách biểu đạt khác nhau nhưng thế giới nghệ thuật ấy luôn “vị nhân sinh”. Bởi vậy, giá trị chân chính trong tác phẩm chẳng còn là “của riêng” người nghệ sĩ nữa. Từ đây, xuất hiện nhu cầu của xã hội trong việc thưởng thức, thâu nhận các giá trị do người nghệ sĩ sáng tạo. Sức lan tỏa không thể định tính của các giá trị đã làm nảy sinh nhu cầu. Lúc này, các hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra.

Khơi dòng thị trường văn hóa ảnh 1

Tình yêu quê hương, đất nước được chuyển tải trong Hội thi Bí thư chi bộ qua các ca khúc cách mạng. Ảnh: Tuấn Hiển

Thế nhưng, nói như nhà văn Đức Ban: “Người đọc có thể mua cuốn sách với giá cụ thể được ghi ở bìa, có dung lượng cụ thể nhưng sẽ không bao giờ mua được thế giới sinh động được xây dựng trong tác phẩm. Đó là cái hồn, cái cốt lõi của sản phẩm”. Vì tính chất đặc biệt này mà sản phẩm văn hóa khác hẳn các sản phẩm kỹ thuật, nó chủ yếu không phải để sử dụng mà là để thưởng thức. Hơn thế, vì giá trị tinh thần là cốt lõi nên sản phẩm có giá trị vượt thời gian, thậm chí càng trải qua thời gian càng có giá trị như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, ký họa kháng chiến của Tô Ngọc Vân, ca khúc viết về Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý…

Tính khó xác định giá trị của sản phẩm văn hóa là điểm mạnh, nhưng đồng thời là điểm yếu trong cơ chế thị trường. Do phụ thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ, năng lực cảm thụ, trình độ văn hóa của cộng đồng nên sản phẩm văn hóa khó quyết định được việc tiêu thụ. Bởi vậy, nghịch lý là có nhiều tác phẩm lợi nhuận nhỏ (có khi tồn đọng nhiều) nhưng lại có giá trị lớn. Các đặc điểm này đã đặt ra những vấn đề hệ trọng trong công tác hạch toán giá trị sản phẩm và điều tiết, quản lý thị trường.

Thị trường văn hóa: vui ít, buồn nhiều

Bắt nhịp với xu thế thị trường trong nước, những năm gần đây, thị trường văn hóa ở Hà Tĩnh đã có những nét mới. Nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa bắt đầu bước vào “sân chơi” của thị trường như: xuất bản phẩm, mỹ thuật, truyền thông đại chúng, hoạt động biểu diễn, điện ảnh… Nhiều địa điểm kinh doanh, công chiếu, bày bán các sản phẩm văn hóa được hình thành như nhà sách Fahasa, Trung tâm Sách và Thiết bị trường học, các sạp báo, rạp chiếu phim, phòng chiếu phim 3D tại Siêu thị BMC... Ngoài ra, ở các huyện, thị, trung tâm mua bán sản phẩm văn hóa, nhất là sách báo, băng đĩa cũng khá phát triển. Vì thế, công chúng có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm văn hóa. Bên cạnh đó, nhờ hình thức lưu động, công diễn, nhiều hoạt động biểu diễn đã đến được công chúng, kể cả những địa bàn khó khăn.

Mặc dù, nhiều hoạt động đã được hình thành nhưng nhìn chung, thị trường văn hóa ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Thị trường là chuyện bán và mua. Ở tỉnh ta, đội ngũ văn nghệ sĩ khá đông đảo, điểm cung cấp sản phẩm văn hóa nhiều, nhưng sức mua của thị trường còn rất kém. Chị Nguyễn Thị Quỳnh - quản lý nhà sách Fahasa Hà Tĩnh cho hay: “Chúng tôi cập nhật khá nhiều sách xuất bản ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng hầu như chỉ có sách cho học sinh phổ thông là bán chạy. Ở đây, khách hàng chủ yếu là học sinh tiểu học. Học sinh THCS, THPT, sinh viên, những người đi làm chiếm tỉ lệ rất ít”. Văn hóa đọc đang bị tác động mạnh bởi các cơ chế của đời sống và tiện ích công nghệ, vì vậy, ấn phẩm sách báo trở nên khó tiêu thụ. Hầu hết các văn nghệ sĩ trong tỉnh xuất bản ấn phẩm chủ yếu là vì tâm huyết chứ không phải để biến thành sản phẩm đem lại nguồn thu.

Khơi dòng thị trường văn hóa ảnh 2
Có rất ít học sinh THPT, SV, người lao động tìm đến nhà sách

Cùng với sách báo, các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật cũng đang gặp nhiều khó khăn, hầu hết chưa trở thành hàng hóa. Nhiều năm gần đây, mặc dù nhiếp ảnh và mỹ thuật Hà Tĩnh giành nhiều giải thưởng của trung ương, khu vực, nhưng dần chìm vào quên lãng với các bằng khen xếp vào hồ sơ. Xót xa cho công lao sáng tạo, nhiều nghệ sĩ gọi đấy là “sinh vì nghề, tử vì nghiệp”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hướng bộc bạch: “Yêu nghề thì phải gắn với nghề, có khi cả năm trời mới làm nổi 1 tác phẩm và phải chi phí tốn kém. Thế nhưng, lợi ích vật chất từ tác phẩm vẫn là chuyện muôn năm cũ”. Từ lâu, công chúng chưa hình thành thói quen thưởng thức, sở hữu tác phẩm nghệ thuật. Điều này có thể do nhu cầu của công chúng cũng có thể do sự quảng bá còn hạn chế. Để quảng bá, người nghệ sĩ phải mở triển lãm hoặc in sách ảnh, trong khi bản thân mỗi người lại không thể tự xoay xở với số kinh phí rất lớn.

Sự ảm đạm của thị trường văn hóa còn biểu hiện ở lĩnh vực điện ảnh. Khác với hoạt động công chiếu theo hình thức dịch vụ công (hàng năm có hàng trăm bộ phim), việc chiếu phim ở rạp (có bán vé) đang trở thành gánh nặng cho đơn vị chủ quản. Ông Phạm Công Quyền - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trăn trở: “Lo lắng lớn nhất của chúng tôi hiện nay là rạp chiếu phim có rất ít người xem. Chúng tôi đang phải xoay xở kinh phí bù đắp vì khoản tiền thu được từ chiếu phim khá thấp”.

Cùng với những hạn chế trên, bất cập lớn đang phổ biến trong lĩnh vực thị trường văn hóa, đó là tình trạng vi phạm bản quyền. Các điểm bán băng đĩa được hình thành ở nhiều nơi (cửa hàng, điểm bán trong chợ, ngoài vỉa hè, bán dạo), chủ yếu là đĩa được sao chép với giá 5.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, nhiều hình thức vi phạm bản quyền âm nhạc đang diễn ra công khai. Việc download, sao chép thành đĩa các ca khúc trên các trang web hết sức thuận lợi. Vô hình trung, chính sự dễ dàng của internet đã đẩy các cửa hàng băng đĩa (vốn bán rất nhiều đĩa sao chép) vào tình cảnh khó khăn. Nhiều người phải bỏ nghề kinh doanh băng đĩa.

Cũng phải nói thêm rằng, internet đã tạo ra cuộc cách mạng lớn cho nhân loại, tác động lên mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực thị trường văn hóa. Thông qua internet, nhiều sản phẩm văn hóa đã được chuyển tải tới khách hàng, trở thành kênh quảng bá, “chào hàng”, mua bán online rất thuận lợi. Nhờ internet, nhiều cuộc trao đổi sản phẩm văn hóa cách xa hàng nghìn km đã được thực hiện, rõ nhất là mua bán sách. Nhờ internet, các tiềm năng du lịch được khai thác tốt hơn thông qua kênh quảng bá không biên giới... Thế nhưng, do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, cùng những mặt trái của internet đã làm cho thị trường này có nhiều bất cập. Nhiều sản phẩm văn hóa trên internet đã trở thành… hàng miễn phí, nhiều sản phẩm bị sao chép, thậm chí từ lâu đã xuất hiện nhiều trang web mua bán trái pháp luật các tài liệu khoa học. Thêm nữa, chính internet đã làm cho các văn hóa phẩm đồi trụy lan truyền chóng mặt, khó kiểm soát.

Phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa

Trước thực trạng trên, rõ ràng, phải điều tiết và quản lý tốt thị trường văn hóa. Các ngành chức năng cần xử lí nghiêm tình trạng vi phạm bản quyền (nhất là đối với âm nhạc và sách), làm cho thị trường văn hóa lành mạnh, hoạt động đúng luật pháp. Bên cạnh tiếp tục đầu tư cho dịch vụ văn hóa công ích, cần chú trọng nhiều hơn đến sản phẩm văn hóa hoạt động theo cơ chế thị trường. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm văn hóa để kích thích nhu cầu công chúng và dần hình thành thói quen tiếp cận thị trường. Là mảnh đất giàu “tài nguyên” nhân văn, thị trường văn hóa của tỉnh cần hướng nhiều đến hoạt động du lịch, phát huy giá trị di sản. Các sản phẩm văn hóa tinh thần như hò, ví, giặm cũng có thể trở thành hàng hóa nếu chúng ta có hướng đi đúng và mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh các giải pháp trên, Nhà nước còn có thể điều tiết thị trường thông qua định hướng về nội dung, tư tưởng theo đường lối văn hóa.

Rõ ràng, để thị trường văn hóa hoạt động lành mạnh, phát triển, chúng ta đang có nhiều việc phải làm. Tựu trung, đấy là cách tạo nên hệ thống quan điểm và hành lang pháp lý để thúc đẩy thị trường văn hóa, khơi thông các nguồn lực, phát huy cao nhất các tiềm năng, giá trị của đất và người. Đấy chính là cách cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast