Nghỉ lễ để... chơi games!

(Baohatinh.vn) - Nghỉ lễ là dịp để mọi người nghỉ ngơi, tận hưởng những phút giây đầm ấm bên gia đình hay thư giãn cùng những chuyến du lịch ngắn ngày. Vậy nhưng, không ít thanh, thiếu niên lại tìm đến các quán "nét" để thỏa sức "chinh phục" các trò chơi mà không bị gò bó bởi việc học hành.

Các quán games online hiện không còn mở công khai như trước nữa mà tất cả đều không có biển hiệu và được ngụy trang rất kĩ. Những đối tượng thường tham gia các trò chơi online sẽ tự tìm đến chơi, giới thiệu cho bạn bè của mình và nghiễm nhiên địa điểm này trở thành nơi có “thương hiệu”.

Nhiều "con nghiện" games thường chơi suốt ngày không nghỉ, có khi thâu đêm
Nhiều "con nghiện" games thường chơi suốt ngày không nghỉ, có khi thâu đêm

Theo chân một học sinh lớp 8 trường THCS Xuân Diệu – Can Lộc trong lúc đi tìm một người bạn nghiện games, chúng tôi được dẫn vào quán bà Hà – khối 6 (thị trấn Nghèn – Can Lộc). Đó là một ngõ sâu rất vắng vẻ, nhưng vào sâu hơn nữa là một cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn với không khí ồn ào, náo nhiệt. Chắn ngang lối vào là một tấm rèm tre rất lớn và một cánh cửa tôn rộng để “ngụy trang”, bên trong là ngổn ngang những chiếc xe đạp chật kín lối và muôn vàn tiếng hò reo khi chiến thắng một ván đấu, hay những câu chửi thề của những “chú lính” bại trận. Trong chốn vui chơi náo nhiệt ấy, đa phần là những em học sinh THCS và THPT, không kể nam nữ, mỗi bạn đều chọn cho mình một trò chơi hay một chương trình khác nhau để “giải trí”, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một bạn sử dụng inernet vào việc học hành.

Hỏi qua một vài em học sinh, được biết không chỉ ngày lễ các em mới tham gia chơi mà kể cả những ngày bình thường, một vài em thì chơi vào thời gian được nghỉ học ở trường, còn một số thì bỏ luôn cả việc học vì nghiện game. H. – một hs trường THPT Nghèn cho biết: Giờ con trai vào quán net chỉ chơi helpline, đế chế, liên minh (những trò chơi đánh nhau trên mạng theo nhiều hình thức mỗi nhân vật thắng sẽ lên cấp và có nhiều sức mạnh) hay chơi fifa (mỗi nhân vật online chọn cho mình một đội bóng, mua các cầu thủ ảo và đá trực tuyến với các nhân vật khác, nếu thắng sẽ nhận tiền ảo dùng để mua cầu thủ) còn con gái chủ yếu online facebook hay audition.

Nhiều "con nghiện" games thường chơi suốt ngày không nghỉ, có khi là chơi thâu đêm. Quán bà Hà là địa điểm lý tưởng để chơi nên thường rất đông khách, hầu hết không khi nào nơi này có một máy tính nào trống. Điểm đặc biệt của quán này là có hai cửa ra vào, các em học sinh có thể vào từ cửa này và “thoát thân” bằng cửa khác khi phát hiện có bố mẹ hay người nhà đến tìm.

Tìm đến một vài địa chỉ khác trên địa bàn thị trấn Nghèn, cũng quanh co, khúc khuỷu nhưng cũng là một nơi hội tụ dân nghiện games online. Trong những chiếc áo đồng phục các em mặc, chúng tôi biết không chỉ học sinh các trường đóng ở địa bàn này mà cả những xã rất xa như Thiên Lộc, Phúc Lộc, Quang Lộc hay cả các em học cấp 3 Đồng Lộc cũng xuống thị trấn chơi game. Khi được hỏi, một em trường THCS Thiên Lộc hồn nhiên trả lời: Bên em ít quán net và nếu có thì cũng ít games nên bọn em thường sang đây chơi khi nghỉ học, còn nhiều bạn thì sang thường xuyên. Đây chính là lý do, mặc dù dịp nghỉ lễ nhưng các quán net ở những xã trên vẫn không xảy ra tình trạng “cháy máy”.

Tại các quán như bà Tiu, ông Trọng ở Đồng Lộc – Can Lộc, mỗi quán lượng “khách” vào chỉ tăng thêm khoảng 10 người/ ngày trong khi đó các quán net như bà Bông, bà Hà, An Thuyên ở thị trấn Nghèn luôn chật kín chỗ và các “vị khách” đến muộn bao giờ cũng phải chờ đợi đến lượt mình. Tham khảo qua một số chủ quán, hiện giá 4 nghìn đồng/giờ, trong dịp này học sinh được nghỉ lễ dài ngày nên lượng khách ra vào cùng đông hơn, và có những lúc không đủ máy tính để “phục vụ” nhu cầu “giải trí” của các em.

Với giá cả “phải chăng” như thế, các em có thể tận dụng những đồng tiền bố mẹ cho ăn sáng hay tiêu vặt để tham gia những trò chơi online. Tuy nhiên, không phải tất cả các em đều hiểu rằng các trò chơi chỉ là phương tiện giải trí sau những giờ học căng thẳng. Điều đáng buồn là khi đã biết chơi thì hầu hết đều nghiện chơi dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Không phải lúc nào bố mẹ cũng cho con nhiều tiền để tiêu vặt, nhưng những trận đấu lại đang hấp dẫn và đến thời điểm gay cấn mà lại không có tiền chơi, vô hình chung lại dẫn các em làm việc xấu cốt để có tiền.

Trong dịp lễ, việc các em tham gia nhiều trò chơi không phải là xấu, nhưng điều quan trong là gia đình phải quản lý và biết định hướng cho con em mình những trò chơi bổ ích để thời gian nghỉ thật sự là lúc các em được giảm những áp lực trong học tập để tiếp tục con đường chinh phục tri thức một cách trọn vẹn hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast